Kỳ vợng du lịch duyên hải và biển đảo

GD&TĐ - Được thiên nhiên ban tặng trên 3.600km đường bờ biển, Việt Nam đang có nhiều lợi thế để phát triển du lịch biển. Với lượng khách đến tăng nhiều trong những năm qua, du lịch vùng ven biển đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ về doanh thu. Năm 2015 hi vọng du lịch biển sẽ là thế mạnh hàng đầu của ngành du lịch.

Kỳ vợng du lịch duyên hải và biển đảo

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định số 2350/QQĐ-TTg phê duyệt “Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Duyên hải Nam Trung Bộ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”.
Mục tiêu tổng quát của quy hoạch là khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng để phát triển du lịch biển - đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam; phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp.

Phấn đấu đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam. 

Theo đó, ưu tiên phát triển 2 nhóm sản phẩm chính: Nhóm sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển và nhóm sản phẩm du lịch gắn với di sản văn hóa thế giới. Phát triển TP Đà Nẵng trở thành trung tâm du lịch của vùng và tiểu vùng du lịch phía Bắc; TP Nha Trang (Khánh Hòa) thành trung tâm du lịch của tiểu vùng du lịch phía Nam, đồng thời giữ vai trò trung tâm phụ trợ của Vùng; thành phố Quy Nhơn (Bình Định) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Bắc và TP Phan Thiết (Bình Thuận) thành trung tâm phụ trợ của tiểu vùng du lịch phía Nam...

Thực tế gần đây, các doanh nghiệp trong ngành du lịch (chủ yếu là khai thác resort và lữ hành) cũng đã nhận ra những xu hướng mới và đã có những thay đổi phù hợp để khai thác các tiềm năng về biển, đảo hiệu quả hơn.

Hiện nay, du lịch biển đảo chiếm khoảng 70% trong hoạt động của ngành du lịch và được xem là 1 trong 5 hướng đột phá về phát triển kinh tế biển và ven biển. Vì vậy, muốn phát triển nhanh và bền vững, du lịch biển Việt Nam cần xây dựng một thương hiệu đặc thù. 

Hiện nay, nhu cầu khách đi du lịch biển vào dịp cuối tuần tăng rất cao, các trung tâm du lịch biển đều quá tải. Nhược điểm lớn nhất là dịch vụ ở các nơi này thiếu, yếu và ít dịch vụ bổ trợ cho khách vui chơi, mua sắm... 

Một số vùng biển có tiềm năng lớn nhưng rất khó đưa khách đến với số lượng đông như Hà Tiên, Hòn Chông và Phú Quốc (thuộc tỉnh Kiên Giang) do thiếu hạ tầng, dịch vụ. 

Mặc dù đã có những bước phát triển, nhưng hiện nay, ngành công nghiệp du lịch tàu biển Việt Nam còn bộc lộ nhiều hạn chế so với các nước trong khu vực như cơ sở hạ tầng, sản phẩm du lịch, công tác xúc tiến quảng bá, tiếp cận thị trường yếu và thiếu...

Du lịch biển đang là thế mạnh được ưu tiên; trong đó, mỗi địa phương, vùng miền có biển có thể phát triển sản phẩm du lịch biển một cách khác biệt. Chẳng hạn đối với Hạ Long, Cát Bà, ngoài cảnh biển còn là thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới về cảnh quan đá vôi phát triển trên biển. 

Dải đất miền Trung từ Sầm Sơn (Thanh Hóa), Cửa Lò (Nghệ An) cho đến Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vũng Tàu thì lại có thế mạnh khác với hai phân khúc, thứ nhất là từ Sầm Sơn (Thanh Hóa) tới Thừa Thiên - Huế, thứ hai là từ Quảng Nam - Đà Nẵng tới Vũng Tàu.

Mỗi phân khúc có đặc trưng riêng và cần sự ưu tiên khác nhau để phát triển sản phẩm dựa trên tiềm năng, tài nguyên thế mạnh, khác biệt về khí hậu, địa hình, địa mạo; điều này sẽ mang lại cho du khách những cảm nhận riêng biệt rõ rệt với mỗi vùng biển. Mỗi địa phương cần tạo ra những đặc thù riêng của mình dựa trên các yếu tố khác biệt về cảnh quan, địa lý, văn hóa để thu hút khách du lịch.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ