Ký túc xá cũ của giáo viên trường tôi

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ -  Trường tôi có tới hai dãy ký túc xá cũ, một dãy xây dựng từ khoảng năm 2000, dãy còn lại xây từ những thập niên 80. Trường nằm ở vùng kinh tế còn khó khăn nên phải tuyển nhiều giáo viên từ vùng xa khác về đây công tác. Phần nữa, nhiều giáo viên dù ở gần trường nhưng sau khi lập gia đình rất khó khăn về chỗ ở nên cũng chọn cư xá làm nơi an cư lạc nghiệp. Bởi thế, hai khu ký túc xá với gần hai chục phòng mới được mọc lên…

Khu ký túc xá cũ, nơi nhiều thế hệ giáo viên sống và làm việc giờ chỉ còn là hoài niệm.
Khu ký túc xá cũ, nơi nhiều thế hệ giáo viên sống và làm việc giờ chỉ còn là hoài niệm.

Nơi lưu giữ ký ức

Thế rồi, hơn hai mươi năm sau, nhiều cặp vợ chồng là giáo viên cũng đã dành dụm mua được mảnh đất và dựng nhà ra “ở riêng”. Các thầy cô ở xa cũng đã thuận lợi đi lại khi có phương tiện như ô tô riêng hoặc đi xe buýt. Vậy là, họ lần lượt chia tay kí túc xá. Chỉ một số ít giáo viên còn nhu cầu ở lại thì đã được nhà trường bố trí lên ở khu kí túc xá đã được tu sửa mới phía đằng sau trường. Thành thử gần năm năm nay, hai dãy nhà kí túc xá trở nên vắng vẻ, nhất là dãy nhà xây dựng từ những thập niên 1980 – nó đã trở nên rêu phong, hoang tàn, xuống cấp nghiêm trọng.

Nhiều bận đi ngang qua, nghe tiếng sột soạt, ghé vào thăm thì hóa ra những đàn chuột đang hí hửng giá ổ khắp phòng. Bước đi chậm rãi mới nhìn rõ những thảm rêu xanh đã phủ lên những bậc thềm, phủ lên cả những bức tường đầy nắng. Rời xa dãy nhà, ngoái đầu nhìn lại, có cảm nhận như mình vừa bước ra từ trong kí ức. Khu kí túc xa hoang vắng đang hiện hữu dần dần mờ đi…

Còn nhớ rõ, hồi mới về trường, tôi cùng với một đồng nghiệp dạy thể dục được bố trí cùng một phòng ở dạy nhà cũ này. Dãy nhà nằm dưới chân đồi, xung quanh có nhiều cây cối sum xuê nên đã làm dịu hẳn đi cái nắng nóng mỗi độ bước vào hạ.

Căn phòng chúng tôi ở chật chội, tường nhiều chỗ đã bong tróc, trên mái nhà nhiều chỗ bị dột phải căng ni-lông che chắn. Trong phòng vừa đủ kê một cái giường nhỏ, một cái bàn nhỏ và một khoảng trống vừa để lọt một chiếc xe máy. Cuối phòng, người ta xây ngăn lại chừng ba mét vuông. Ở khoảng không gian ít ỏi ấy vừa là bếp vừa là… nhà tắm, có khi còn là... phòng thay đồ. Cũng bởi cái sự đa năng này mà đã tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười. Như có khi người này về sớm kho nồi cá rồi tranh thủ ra “vườn” hái rau. Người kia về sau tranh thủ tắm và phải kiêm luôn nấu ăn trong gian bếp ấp cúng ấy.

Ấn tượng nhất là cái cửa phòng hẹp nhưng cái thềm nhà lại cao nên thành thử mỗi lần đẩy xe lên xuống rất khó khăn. Ám ánh nhất vẫn là những lần rắn bò lên thềm và ghé vào thăm các phòng. Các cô chỉ biết ngồi quấn chăn co ro trên giường, mấy thầy tìm cách đuổi rắn đi. Rồi những đêm khuya, khi phòng nào phòng nấy đã tắt điện đi ngủ, chuột bắt đầu sột soạt lục lọi khắp căn phòng. Có khi nó còn nhảy lên cả giường và vui vẻ thi nhau cắn vào chân.

Căn phòng chật chội nhưng tình người thật rộng mở. Phòng này thiếu gạo chạy sang lấy ở phòng kia. Phòng kia thiếu gia vị lại vòng sang phòng này, có khi còn được gửi thêm cho bữa trưa quả trứng, ít củ quả. Rồi phòng có món gì ngon cũng thường ới nhau sang nhâm nhi chén rượu. Tiếng cười tiếng nói râm ran cả trưa. Chính ở những căn phòng chật chội ấy đã gói gém biết bao nhiêu kỉ niệm một thời tuổi trẻ sôi nổi của thầy cô giáo trường tôi.

Đổi thay theo thời gian

Sáng ngày kia lên trường, khu kí túc xã cũ đã được dỡ bỏ, không gian trường được mở rộng, thoáng đãng hơn nhưng bất chợt thoáng một chút buồn, một chút hoài niệm. Ngập ngừng một lúc, lấy chiếc điện thoại ra chụp lại một vài bức hình ở mảnh đất đã được san ủi bằng phẳng. Bức hình dường như không còn một dấu tích của khu kí túc cũ. Đêm về, tôi đăng lên Facebook với lời dẫn “Ai còn nhớ kí túc xá Nghi Lộc 2 một thời xa xưa…”.

Nhiều đồng nghiệp cũ đã vào bình luận. Người kể về kỉ niệm buồn, người nhắc lại kỉ niệm vui. Có người còn hỏi han kĩ càng về kí túc xá cũ. Hỏi như hỏi thăm về một người thân lâu ngày họ chưa gặp lại. Cũng có người lặng im để lại một khuôn mặt buồn.

Các cô cậu học trò lại thi nhau kể về những kỉ niệm “nhất quỷ nhì ma…” một thời xa ngái. Có em viết: “ Nhớ cây ổi, cây táo trước khu kí túc cũ vì đã giải cứu cái đói ở tiết 5…”. Có bạn thật thà thú nhận: “Nhớ những lần đi học thể dục ngang qua trốn vào cư xá ăn trộm chanh…”. Cũng có bạn da diết nhớ những buổi học bồi dưỡng ngay ở phòng kí túc rồi rủ nhau lên đồi hái sim ăn. Có bạn sinh viên về kiến tập còn hài hước kể lại: “…đợt về trường kiến tập bọn em cũng được nhà trường cho ở kí túc xá thầy ạ! Nhớ nhất cái cảm giác đi tắm, đi vệ sinh học trò cứ gọi to, thầy ơi yêu em đi…”. Cứ thế, kí túc xá cũ đã được tái hiện lại một cách đầy sinh động nhất.

Cái mới rồi sẽ thay cái cũ, đó là quy luật phát triển chung của tạo hóa. Khu kí xá cũ được dỡ bỏ, rồi đây sẽ có những căn nhà mới khang trang, hiện đại mọc lên thay thế. Khu kí túc xá cũ đã không còn nhưng hình ảnh của nó sẽ mãi ở lại trong lòng những cô thầy từng sống gắn bó với nơi này. Cư xá cũ trường tôi mãi là một phần kí ức đẹp của rất nhiều thế hệ thầy cô và học trò.

Chiều nay, đang mải lục tìm một bức hình cũ về kí túc xá mà chưa tìm ra thì một đồng nghiệp gửi vào dưới phần bình luận bài viết trên Facebook một bức ảnh cũ. Gia đình cô cũng là một trong số những gia đình gắn bó lâu năm nhất với kí túc. Bức ảnh chụp lại khoảnh khắc cuối cùng của khu kí túc xá cũ trước lúc nó bị dỡ đi. Đồng nghiệp bảo rằng, “biết rồi kí túc sẽ đi vào kí ức nên em vội chụp lại anh ạ! Em nhớ kí túc lắm”. Ngắm khu nhà cũ qua bức ảnh, bao kí ức của một thời thanh xuân lại dội về…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Động lực nâng cao chất lượng

GD&TĐ - Mùa tuyển sinh 2024, ĐHQG TPHCM tiếp tục dành từ 5% đến tối đa 20% tổng chỉ tiêu cho phương thức ưu tiên xét tuyển theo quy định của đại học này.