Ký túc xá cho sinh viên: Nơi cần, thiếu khó - chỗ có, bỏ chê

Ký túc xá cho sinh viên: Nơi cần, thiếu khó - chỗ có, bỏ chê

(GD&TĐ) - Chỗ ở KTX đầu năm học mới luôn là điều băn khoăn của không ít phụ huynh, sinh viên ngoại tỉnh khi về TP HCM học tập. Nhu cầu thì nhiều, nhưng việc đáp ứng của các trường đến nay vẫn là bài toán khó. Tuy nhiên, khi tìm hiểu tình hình chỗ ở KTX đầu năm học tại TP HCM chúng tôi phát hiện ra một nghịch lý: Nơi SV cần chỗ ở thì thiếu, nơi đầy đủ thì SV chẳng chịu vào. Sự bất hợp lý trên phải chăng do tâm lý SV ngại ở KTX hay do sự đầu tư thiếu đồng bộ? 

Chỗ thiếu vẫn thiếu

Năm nào cũng vậy, cứ bước vào năm học mới là tình trạng “cháy” KTX trước nhu cầu chỗ ở lớn của tân SV Trường ĐH Ngân hàng luôn diễn ra. Dù đã rất cố gắng nhưng do không thể tìm được quỹ đất nên cơ số giường trong KTX của nhà trường không thay đổi so với năm học trước. Với khả năng tiếp nhận tối đa 520 tân SV, trong đó ưu tiên 400 chỗ cho SV nữ, có thể nói con số trên là quá nhỏ bé trước nhu cầu chỗ ở của hàng ngàn tân SV. Rơi vào cảnh tương tự ĐH Ngân hàng, Trường ĐH Giao thông vận tải TP HCM cũng chỉ có được 450 chỗ ở KTX. ĐH Văn Lang dù có khu KTX 500 chỗ dành cho SV ngoại tỉnh nhưng vẫn chỉ như “muối bỏ biển” trước nhu cầu quá lớn.

Năm nay, KTX Trường ĐH Y Dược, ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cũng chỉ đáp ứng được chừng trên dưới 10% nhu cầu chỗ ở. Mặc dù vậy, hầu hết đã xuống cấp dù đã cải tạo nhiều lần. Khó khăn nhất là tình trạng hàng nghìn SV Trường ĐH Văn hóa TP HCM đang chờ KTX mới tại Q.9, vì hiện tại khu KTX của trường đã xuống cấp rất nặng, gần 300 SV phải sống trong điều kiện chật hẹp, trong khi KTX mới dù đã hoàn thành được 90% nhưng do chưa được rót vốn tiếp nên đến nay vẫn “án binh bất động”, chưa biết bao giờ xong dù theo kế hoạch phải đưa vào sử dụng trong năm 2011. Nếu KTX này xây xong sẽ giải quyết chỗ ở cho 2.000 SV.

Thực trạng KTX không đáp ứng nổi 30% nhu cầu ăn ở học tập của tân SV hầu hết đều tập trung vào các trường có số lượng SV nhập học hàng năm đông như: ĐH Nông Lâm, ĐH Văn hóa, ĐH Kinh tế, ĐH Mở. Riêng với khối các trường ĐH NCL thì việc kỳ vọng một chỗ ở trong KTX là điều không đơn giản.

Chính việc cơ số trong KTX chỉ có vài trăm chỗ nên các trường vẫn phải xét ưu tiên theo các tiêu chí quy định chung và của từng trường. Ví dụ Trường ĐH Sư phạm TP HCM sẽ nhận đơn xét ở KTX cho SV từ ngày 9 - 20/9, nhưng cũng chỉ được 350 chỗ, ưu tiên cho SV con gia đình chính sách; mồ côi không nơi nương tựa; có cha là bộ đội đang công tác tại Trường Sa; SV vùng đặc biệt khó khăn, bãi ngang, biên giới, hải đảo; SV dân tộc ít người có sổ hộ nghèo và cận nghèo; SV nghèo có cha mẹ là giáo viên… Do đó, nhiều SV các trường trên dù rất mong muốn được ở KTX nhưng do không đáp ứng được các tiêu chí xét chọn, đành ngậm ngùi thuê trọ ngoài với giá đắt đỏ.

 

Nơi thừa, SV ngại

Trái ngược với những KTX hạn hẹp về số lượng chỗ ở, xuống cấp nghiêm trọng thì KTX ĐH Quốc gia TP HCM năm nay có trên 2.100 phòng với sức chứa trên 16.300 chỗ, không những đáp ứng chỗ ở cho tân SV của các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia mà còn thừa chỗ để nhận SV của những trường khác vào ở. Được biết, ngoài KTX của ĐH Quốc gia TP HCM, rất nhiều tỉnh như An Giang, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bến Tre, Bình Dương, Bình Phước, Bình Thuận, Đồng Nai, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Tây Ninh, Tiền Giang và Vĩnh Long phối hợp với ĐH Quốc gia TP HCM xây dựng KTX cho SV của tỉnh mình học tập tại đây, với mức phí 100.000 đồng/tháng/SV.

SV không thuộc tỉnh xây dựng KTX thì phí là 120.000 đồng/tháng/SV. Sự đầu tư một cách mạnh mẽ về hệ thống cơ sở vật chất, KTX trong nhiều năm của các địa phương có SV theo học tại ĐHQG TP HCM đã góp phần giúp ĐHQG TP HCM xóa cảnh thiếu chỗ. 

Thông tin từ Trường ĐH Nông lâm TP HCM cho biết có 1.500 chỗ KTX cho tân SV. Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ TP HCM đang có 1.000 chỗ KTX, trường có bộ phận hỗ trợ giới thiệu chỗ ở cho SV.

Theo Trung tâm Quản lý KTX ĐH Quốc gia TP HCM, KTX này ngoài cơ sở vật chất, phòng ốc mới tinh do vừa xây dựng, còn có đầy đủ các dịch vụ chăm sóc đời sống SV như 9 nhà ăn, 11 căng tin, trung tâm giặt đồ, các điểm rút tiền ATM, các dịch vụ về tạp hóa, nhu yếu phẩm, tổ chức thi bằng lái xe… Giữa các khu đã có tuyến xe buýt nội bộ hoạt động vào ban đêm nhằm tạo điều kiện cho SV có nhu cầu học tập, làm thêm đi lại tiện lợi, an toàn. Đặc biệt, KTX có phòng chiếu phim 3D, HD; 2 sân khấu ca nhạc, 5 sân bóng đá, 6 sân bóng chuyền, 8 sân cầu lông, 1 sân bóng rổ, 18 CLB, máy tập thể thao ngoài trời… để phục vụ nhu cầu về văn hóa tinh thần cho SV. Tuy nhiên, có một thực tế là nhiều SV vẫn chưa thật mặn mà vào KTX vì quy định giờ giấc, đi lại…

Bạn Nguyễn Hoàng Quân, SV năm 2 Trường ĐH KHTN TP HCM cho biết: Em đủ điều kiện vào ở KTX của ĐHQG TP HCM nhưng thú thật là em không thích lắm. Ngoài việc KTX nằm xa, ở tách biệt với khu đô thị, việc thắt chặt giờ giấc sinh hoạt cũng khiến em thấy ngán. Thà mất 600 - 700 ngàn đồng/tháng ở ghép bên ngoài nhưng em thấy thoải mái hơn. Nắm được tâm lý của nhiều SV ngại ở trong KTX, Trường ĐH Kinh tế TP HCM ngoài việc đáp ứng 400 chỗ cho tân SV trong KTX, Hội SV Trường ĐH Kinh tế TP HCM cũng đã chuẩn bị khoảng 3.000 chỗ trọ để đảm bảo cho tất cả tân SV đều có nơi ở an toàn với giá cả phải chăng.  

Ngoài KTX của ĐHQG TP HCM với cơ số phòng luôn đủ đáp ứng cho các tân SV thì KTX Trường ĐH Công nghiệp cũng có các khu nội trú với sức chứa gần 20.000 người. Trong năm học mới này có 10.000 chỗ cho tân SV mới nhập học.

Hội SV trường cho biết, ngoài chỗ ở trong KTX, nhà trường tìm thêm những chỗ trọ giá rẻ giới thiệu cho SV có nhu cầu ở trọ bên ngoài để tiện cho việc đi làm thêm giờ giấc bất thường hoặc về muộn. Trường ĐH Tôn Đức Thắng có được khu KTX 11 tầng khang trang, tiện nghi trong khuôn viên trường với gần 2.300 chỗ ở, giá 250.000 đồng/tháng/SV. Theo đó, KTX có siêu thị sách, khu mua sắm, giải trí, máy thanh toán tự động…

Hiện nay, Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TP HCM có khoảng 2.000 chỗ trọ để giới thiệu cho tân SV, giá dao động từ 400.000 - 500.000 đồng/người/tháng (ở ghép). Trung tâm cũng đang khảo sát để tìm thêm nhiều nhà trọ giá rẻ, an toàn, đây là một kênh hữu ích để SV đến tìm nhà trọ phù hợp với nhu cầu sinh hoạt, địa điểm đi học.

Anh Tú

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.