Kỳ thi và những đêm trắng

GD&TĐ - Cách đây 3 năm, trong bài phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ câu chuyện nhận được email lúc nửa đêm của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga liên quan đến Kỳ thi THPT quốc gia và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Đã có rất nhiều nỗ lực cho một kỳ thi yên bình
Đã có rất nhiều nỗ lực cho một kỳ thi yên bình

“Tôi biết Bộ GD&ĐT đã rất vất vả” - Phó Thủ tướng nói trong bài phát biểu kéo dài khoảng 30 phút khi đó với tinh thần xuyên suốt là tất cả phải vì học sinh, cho dù cán bộ quản lý, giáo viên, Bộ GD&ĐT, chính quyền có khó khăn hơn, vất vả hơn.

Cho đến nay, Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức với đúng tinh thần chỉ đạo ấy. Đã không còn cảnh phố xá, tàu xe chen chúc những ngày thi; không còn cảnh cha mẹ cùng con mướt mải khăn gói lên thành phố ứng thí; không còn những ánh nhìn đau đáu từ phía ngoài cổng trường, những gương mặt bơ phờ mỏi mệt chờ con giữa cái nắng thiêu đốt giữa hè...

Nhưng để có được kỳ thi yên bình, những người làm công tác tổ chức thi đã nhận khó về mình với những vất vả, nỗi niềm ít ai biết đến. Và có không ít những “đêm trắng”, như cái đêm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT khi ấy biên email, báo cáo Phó Thủ tướng.

Kỳ thi THPT quốc gia năm nay, khi thí sinh đi thi như đi học, thì các đoàn kiểm tra của Bộ GD&ĐT tỏa đi khắp mọi miền đất nước kiểm tra công tác tổ chức thi, chấm thi. Bên cạnh trọng trách với kỳ thi an toàn, nghiêm túc, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đến tận điểm thi động viên thí sinh và phụ huynh; Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đến chia buồn cùng gia đình thầy giáo ở Cà Mau không may bị bệnh nặng qua đời trong thời gian được điều động làm nhiệm vụ coi thi; Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa trực tiếp đến Trung tâm Y tế huyện Đakrông để thăm hỏi và động viên thí sinh dân tộc Vân Kiều đang điều trị...

Một tờ báo lớn đã ghi lại câu chuyện về những người làm đề thi, nhiều ngày dài phải sống cách biệt với thế giới bên ngoài. Với trọng trách bảo mật đề tuyệt đối, có cán bộ phải nuốt nước mắt vào trong khi nghe tin cha qua đời mà không thể về nhà chịu tang. Rồi những dằn vặt trắng đêm, bỏ ăn, bỏ ngủ mỗi khi nghe tin bên ngoài có những đánh giá về đề thi không tốt... Những người làm công tác sao in đề cũng vậy, họ phải trải qua hơn chục ngày “nội bất xuất, ngoại bất nhập” và có người từng phải đi cấp cứu vì áp lực công việc quá lớn.

Đến phản ánh công tác chuẩn bị tại một điểm thi THPT quốc gia của Hà Nội, tôi được trò chuyện với một nữ công an rất trẻ, nhận nhiệm vụ “gác” đề thi. Trong căn phòng nhỏ không Internet, chỉ có một chiếc tủ đựng đề niêm phong, khóa kĩ, cô gái trẻ cho biết đã làm nhiệm vụ này 3 năm mà vẫn chưa quen được. “Cả ngày ngồi nhìn tủ đề này, việc tưởng quá nhẹ nhàng mà hóa ra không hề dễ. Đêm ngủ cũng không ngon, chị ạ” - nữ chiến sĩ tâm sự.

Thế nhưng, kỳ thi năm nay cũng có những “đêm trắng” như ở Hà Giang, khi thông tin nghi vấn điểm thi bất thường tại tỉnh này làm “nóng” dư luận. Ngay ngày hôm sau khi điểm thi được công bố, Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng có công văn yêu cầu Ban Chi đạo thi THPT quốc gia năm 2018 tỉnh Hà Giang kiểm tra, rà soát, xác minh toàn bộ các khâu của kỳ thi. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT trực tiếp trao đổi với Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang đề nghị phối hợp chỉ đạo điều tra. Ngày 14/7, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh đã đến Hà Giang để phối hợp điều tra làm rõ.

Một phóng viên báo Lao động ghi lại: Đoàn làm việc kín từ đầu giờ chiều đến khuya muộn. Khoảng gần 20 giờ ngày 14/7, nhiều suất đồ ăn đựng trong hộp xốp, bánh mì được đưa từ bên ngoài lên khu vực diễn ra cuộc họp và hoạt động rà soát. Riêng trong ngày thứ nhất, thời gian làm việc chỉ kết thúc sau 23 giờ. Và cuộc gặp gỡ, trao đổi với Cục trưởng Mai Văn Trinh vào hơn 1 giờ sáng ngày 17/7 tại Hà Giang có lẽ là kỷ niệm khó quên đối với những phóng viên giáo dục. Kết luận về vụ việc mà dư luận hết sức quan tâm này đã được công bố ngay chiều hôm đó.

Nhưng có vẻ sự việc không kết thúc đơn giản sau một kết luận. Không ít giáo viên ở Hà Giang trăn trở về tâm tư của nhiều học sinh học giỏi thực sự, nhưng không còn tự tin chia sẻ về điểm số. Việc làm liều lĩnh, vi phạm pháp luật của số ít người đã làm tổn thương đến rất nhiều người Hà Giang tự trọng, những học trò ròng rã nhiều năm vượt hàng tiếng đường núi hiểm trở đến trường, thi thực, học thực, những thầy cô giáo đang vượt khó, vượt khổ dạy học...

Tối muộn 17/7, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, ghi nhận, biểu dương Bộ GD&ĐT, Bộ Công an đã kịp thời, khẩn trương rà soát, xác minh kết quả thi bất thường của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 tại Hà Giang; đồng thời yêu cầu Bộ GD&ĐT phát huy ưu điểm của kỳ thi này những năm vừa qua, tiếp tục rà soát, hoàn thiện quy trình kỹ thuật bảo đảm giám sát chặt chẽ, khách quan, minh bạch đối với tất cả các khâu của kỳ thi.

Sự ghi nhận của Thủ tướng thực sự là nguồn động viên to lớn, nhất là trong thời điểm có ý kiến đánh đồng vi phạm của một số cá nhân ở Hà Giang với kỳ thi trong cả nước. Những nhận định, nhìn nhận tỉnh táo và công tâm, có lẽ những người đã từng vì sự an toàn của kỳ thi mà “đêm trắng” thời điểm này chỉ cần có thế!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiện trường vụ tổ hợp Litening rơi tại East Yorkshire, miền đông nước Anh.

Tiêm kích Typhoon bị 'mù' sau sự cố

GD&TĐ - Theo The Aviationist, chiến đấu cơ Typhoon của Không quân Anh đã gặp sự cố bất ngờ trong diễn tập khi để rơi tổ hợp chỉ thị mục tiêu Litening.

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.