Tất cả cứ lặp đi, lặp lại nhiều năm qua nhưng nhìn vào thành tích học tập của các em, có lẽ ít ai sánh bằng. Đó là những hình ảnh mà tôi bắt gặp ở cô, cậu học sinh nghèo tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 Bắc Giang.
Đã không ít lần em định bỏ học để đi kiếm tiền phụ giúp gia đình nhưng rồi mẹ bảo phải cố gắng học, phải thi được vào ngành y để sau này còn chữa bệnh cho anh. Thầy cô cùng bạn bè động viên nữa, em lại gạt nước mắt bật đèn lên để học…
Đó là tâm sự của Nguyễn Ngọc Thạch, học sinh lớp 12A1 Trường THPT Tân Yên số 1 (huyện Tân Yên, Bắc Giang), giải Nhất môn Sinh học kỳ thi học sinh giỏi văn hóa cấp tỉnh năm học 2021 - 2022 trước thềm Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022.
Học cả phần còn lại cho anh
Là con út trong gia đình có ba anh em trai, cách ngày chào đời đúng một tuần thì bố bỏ ba mẹ con Thạch đi biệt tích. Mẹ một nách ba đứa con thơ. Người anh cả từ khi sinh ra đã mang trong mình căn bệnh bại não. Ba anh em Thạch sống nương tựa vào sức lao động của mẹ và sự đùm bọc của bên ngoại.
Trong ký ức của cậu học sinh nghèo Nguyễn Ngọc Thạch vẫn còn nhớ hình ảnh một tay bà bế mình, tay còn lại vừa quạt, vừa vỗ về anh Nguyễn Quốc Trung (anh cả của Thạch) do mẹ đi xuất khẩu lao động. Lớn lên, Thạch bắt đầu theo ông bà và cậu mợ ra đồng.
“Ngày mùa thì làm ruộng với ông bà, thu hoạch xong thì đi làm cỏ, tỉa cành, phun thuốc trừ sâu cho vải. Những lúc nghỉ ngơi, bà thường bảo, sau này con phải cố gắng học thật giỏi, học cả phần của anh nữa nhé...”, Thạch tâm sự.
Góc học tập cũng là nơi để dụng cụ nông nghiệp của nhà Thạch (Ảnh Đăng Chung). |
Tuổi thơ cứ thế trôi đi trong vòng tay yêu thương của mẹ và ông bà ngoại, cậu học sinh nghèo Nguyễn Ngọc Thạch chẳng biết có ý thức được lời nhắn nhủ của bà hay không nhưng thành tích học tập mỗi năm một tiến bộ. 12 năm học, năm nào Thạch cũng đạt thành tích xuất sắc nhất của trường.
“Sau này, mỗi lần chán nản việc học hành, câu nói của bà lại văng vẳng bên tai: Con phải học thật giỏi, học cả phần cho anh. Vì anh bị bệnh nên không đi học được. Thế là em lại cố gắng học tốt hơn…”, Thạch nói.
Năm Thạch học THCS, từ Malaysia về, ngoài tích cóp được đồng nào mẹ em vay mượn thêm người thân để dựng lại căn nhà mưa xuống là dột, bão nhỏ là đổ. “Nhiều lần Thạch xin nghỉ học để đi làm lấy tiền phụ giúp mẹ nuôi anh, nhưng tôi đều gạt đi rồi khuyên cháu: Học tập là con đường ngắn nhất để đi đến thành công, khổ mấy mẹ cũng lo được cho các con. Thế là cháu lại gạt nước mắt để học…”, chị Vũ Thị Huyền - mẹ Thạch chia sẻ.
Ước mơ trở thành bác sĩ chữa bệnh cho anh
Chúng tôi tìm đến Trường THPT Tân Yên số 1 (huyện Tân Yên) sớm hơn lời hẹn với thầy Phạm Hùng Cường - Hiệu trưởng nhà trường. Cũng bởi đến sớm nên Thạch chưa về. “Có lẽ giờ này em ấy đang đi hái vải thuê cho một gia đình nào đó, vì liên hệ điện thoại mà chưa được…”, thầy Cường phỏng đoán.
Đồng thời, thầy Cường cho biết: “Thạch làm bất cứ việc gì khi có người thuê. Mấy năm trước, tranh thủ thời gian nghỉ hè, em còn xin đi làm công nhân ở khu công nghiệp. Ngày đi làm, tối về lại ôn bài…”.
Đúng như thầy Cường phỏng đoán, khi Thạch đến, em cho biết mình tranh thủ hoàn thành công việc gia đình. Chia sẻ về việc học, theo nam sinh, từ năm lớp 7, em bắt đầu yêu thích môn Sinh học. Môn học giúp em lý giải được tại sao ban đêm những giọt nước đọng trên lá cây hay những hiện tượng trong xã hội…
Vào lớp 10, qua sự rèn giũa của các thầy cô, môn Sinh học trở thành thế mạnh rõ nét hơn với cậu học sinh nghèo. “Khi phát hiện Thạch có năng khiếu về lĩnh vực này, tôi đã định hướng dần cho em để phát huy tố chất. Bắt đầu từ đội tuyển của lớp, rồi đội tuyển của trường và sau đó là đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh…”, thầy Cường thông tin.
Sau những giờ học ở lớp, Thạch trở về nhà giúp mẹ và anh từ những công việc nhỏ nhất. |
Còn cô Vương Thị Tú – giáo viên Trường THPT Tân Yên số 1 - cho biết, Thạch học giỏi các môn chứ không chỉ là môn Sinh học.
“Với cương vị Bí thư Đoàn trường khi biết hoàn cảnh của gia đình Thạch, tôi tham mưu ban giám hiệu và dần định hướng cho em theo ngành y. Biết đây là ngành nghề vất vả và khó khăn đầu vào. Tuy nhiên, với nghị lực và thế mạnh của các môn học, hy vọng sẽ đem lại nhiều kết quả tốt tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022…”, cô Tú bày tỏ.
Nói về ước mơ của mình, Thạch cho biết, trước mắt cố gắng làm tốt bài thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT, đủ điểm vào Trường ĐH Y bởi ước mơ của em là trở thành bác sĩ để chữa bệnh cho anh trai. “Anh của em lớn rồi nhưng tiềm thức vẫn như một đứa trẻ. Anh thích xem phim hoạt hình, hay khóc nhè và ăn vạ. Ăn cơm cũng phải cắt thức ăn ra thật nhỏ chứ anh không biết nhai…”, Thạch kể về anh trai.
Theo chân Thạch về thôn Quân (xã Liên Sơn, huyện Tân Yên), trong căn nhà nhỏ nằm nép mình ở cuối làng có lẽ điều đáng giá nhất là những bằng khen, giấy khen được giăng khắp tường.
Thu mẻ lạc đang phơi ở sân cùng với mẹ, Thạch cho biết, sau khi thi tốt nghiệp THPT 2022, em sẽ xin mẹ để đi làm thêm ở khu công nghiệp để lấy tiền phụ giúp mẹ và anh, vừa chuẩn bị để cho việc học đại học sắp tới.
(Bài 2: Cô học trò nghèo học giỏi “gánh mẹ” trên đôi vai nhỏ).