Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025: Chuẩn bị sớm, đầy đủ điều kiện

GD&TĐ - Chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo CT GDPT 2018, các sở GD&ĐT đã quan tâm chuẩn bị từ sớm, đầy đủ các điều kiện.

Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC
Giờ học tại Trường THPT Lam Kinh (Thanh Hóa). Ảnh: NTCC

Giải pháp cho kỳ thi đổi mới cũng được tính toán để tổ chức tốt nhất tại địa phương.

Chu đáo điều kiện, sẵn sàng tâm thế

Chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025, ông Nguyễn Quang Tuấn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Hà Nội đã triển khai mạnh mẽ phong trào “Nhà trường cùng chung tay phát triển, thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm” để lan tỏa, chia sẻ kinh nghiệm trong phương pháp giảng dạy, tổ chức học tập giữa trường với trường, quận với quận, huyện với huyện; kêu gọi giáo viên cốt cán các trường nội thành hỗ trợ giảng dạy trực tiếp hoặc trực tuyến cho học sinh trường ngoại thành.

Khảo sát chất lượng đối với học sinh lớp 12 và lớp 11 cũng được tổ chức để từ đó phân tích, đánh giá kết quả, sớm có giải pháp ôn tập chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT trong năm học này đối với học sinh lớp 12 và năm học tới với học sinh lớp 11.

Sở GD&ĐT đã phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức dạy học trên truyền hình và trực tuyến qua phần mềm Hà Nội ON, giúp học sinh lớp 12 toàn thành phố cũng như tỉnh/thành được ôn tập chủ động và phù hợp với điều kiện thực tế. Đồng thời, phối hợp với các tổ chức giáo dục để cung cấp miễn phí tư liệu học tập, tài khoản học và ôn tập trực tuyến các bộ môn văn hóa trên nền tảng số dành cho học sinh Hà Nội.

Về các công việc đang triển khai, theo ông Nguyễn Quang Tuấn, sở GD&ĐT tổ chức phổ biến, hướng dẫn phòng GD&ĐT, cơ sở giáo dục đóng góp ý kiến vào Dự thảo Quy chế thi tốt nghiệp THPT 2025. Phổ biến, hướng dẫn tới các cơ sở giáo dục và học sinh về đề tham khảo thi tốt nghiệp THPT năm 2025, làm căn cứ tổ chức hướng dẫn dạy và học, kiểm tra đánh giá, ôn tập cho học sinh.

Tiếp tục tập trung chỉ đạo tổ chức dạy, học và tổ chức thi thử, kiểm tra, khảo sát theo phương thức thi mới. Sở GD&ĐT cũng sẽ tổ chức hội nghị chia sẻ kinh nghiệm trong việc dạy và học, ôn thi tốt nghiệp THPT với các trường THPT/trung tâm GDNN - GDTX có tỷ lệ học sinh tốt nghiệp chưa cao để xây dựng giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt đối với học sinh dự thi tốt nghiệp THPT.

Chia sẻ về chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long thông tin: Sở GD&ĐT sớm có kế hoạch từ khâu tuyên truyền, tham gia góp ý các dự thảo văn bản; tổ chức thi thử (khi có điều kiện); tập huấn các quy định, nhiệm vụ cho học sinh, giáo viên, cán bộ tham gia tổ chức kỳ thi, nhất là cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát; tiếp tục thực hiện tốt công khai, minh bạch, các khâu tổ chức kỳ thi.

Đồng thời, tiến hành khảo sát nguyện vọng đăng ký dự thi của tất cả học sinh lớp 12 tham gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để chủ động các phương án và cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi 2025.

Để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo Chương trình GDPT 2018, bà Nguyễn Thị Ngọc Hà nhấn mạnh, cần kịp thời quán triệt các văn bản chỉ đạo của Bộ GD&ĐT; tiếp tục triển khai tốt công tác truyền thông, đảm bảo thông tin kịp thời, chính xác, để huy động sự chung tay, giúp sức của toàn xã hội.

Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh kịp thời; chủ trì, phối hợp với các sở ngành, UBND cấp huyện chuẩn bị tốt cơ sở vật chất, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, đảm bảo các điều kiện cần thiết phục vụ cho hoạt động tại các điểm thi thuận lợi, an toàn, nghiêm túc.

“Việc quan tâm, hỗ trợ các đơn vị trong tổ chức ôn thi tốt nghiệp THPT để kịp thời tháo gỡ khó khăn và động viên đội ngũ cũng như học sinh rất quan trọng. Cùng đó, tăng cường công tác kiểm tra nhằm hạn chế sai sót trong khâu nhập liệu, thông tin đăng ký dự thi.

Chỉ đạo cơ sở giáo dục tổ chức tốt việc hướng dẫn đăng ký tuyển sinh, phát huy ưu điểm và cách làm của các năm trước trong tổ chức cho học sinh đăng ký dự thi, quán triệt quy chế, tính kỷ luật, nghiêm túc khi tham gia kỳ thi.

Chuẩn bị tốt lực lượng thanh tra, thực hiện đúng kế hoạch công tác thanh tra, kiểm tra trước, trong và sau kỳ thi cũng là việc Vĩnh Long sẽ quan tâm để triển khai tốt nhất Kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới”, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long cho biết thêm.

chuan-bi-som-day-du-dieu-kien2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Sẵn sàng giải pháp

Công tác chỉ đạo, tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại Bắc Giang những năm qua được triển khai đồng bộ, trách nhiệm, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; đã nhận được sự đồng thuận, ủng hộ của cán bộ, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh và nhân dân.

Năm 2023, 2024, Bắc Giang không có cán bộ, giáo viên, học sinh vi phạm quy chế thi. Tuy nhiên, do có một số huyện miền núi, địa hình phức tạp nên địa phương vẫn có những khó khăn trong công tác chỉ đạo, tổ chức kỳ thi…

Chia sẻ điều này, ông Bạch Đăng Khoa - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bắc Giang cho biết, sở GD&ĐT đã đề ra 7 giải pháp tiếp tục tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những năm tiếp theo.

Thứ nhất, tăng cường chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới kiểm tra, đánh giá thường xuyên, định kỳ ở các cơ sở giáo dục theo định hướng đánh giá năng lực, bảo đảm sự đồng bộ và góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Thứ hai, chuẩn bị sớm, đầy đủ các điều kiện để tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và những năm tiếp theo. Xây dựng các phương án bảo đảm an ninh, an toàn và dự phòng để xử lý các rủi ro có thể xảy ra trong quá trình tổ chức thi, nhất là ứng phó với diễn biến phức tạp của thiên tai, dịch bệnh (nếu có).

Thứ ba, tăng cường phổ biến học tập quy chế và tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra thi. Tiếp tục phối hợp hiệu quả với công an tập huấn nghiệp vụ về thực hiện các biện pháp phòng chống, ngăn chặn gian lận thi cử, nhất là gian lận bằng các thiết bị công nghệ cao.

Thứ tư, đẩy mạnh truyền thông giáo dục nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, giáo viên, học sinh, học viên và toàn xã hội về Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Triển khai nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi của Bộ GD&ĐT. Tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn kết trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và sở GD&ĐT trong chỉ đạo tổ chức thi tại địa phương.

Thứ năm, làm tốt công tác lựa chọn nhân sự cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025; tăng cường quán triệt Quy chế thi tốt nghiệp THPT; nâng cao chất lượng của công tác tập huấn nghiệp vụ cho các đối tượng, lực lượng tham gia tổ chức thi; đặc biệt chú trọng tập huấn kỹ nghiệp vụ cho cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra, giám sát; phòng ngừa, ngăn chặn gian lận trong thi cử, nhất là gian lận sử dụng công nghệ cao...

Thứ sáu, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, chỉ đạo và tổ chức thi; thực hiện nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo để bảo đảm kết nối thông tin thông suốt, chính xác, kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo và tổ chức thi.

Thứ bảy, tiếp tục quán triệt tới các thành viên tham gia làm thi thực hiện nghiêm túc 4 đúng, 3 không, 5 rõ.

Giúp địa phương tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông Nguyễn Xuân Hồng - Giám đốc Sở GD&ĐT Nam Định đề xuất, Bộ GD&ĐT sớm ban hành quy chế thi và các văn bản hướng dẫn để địa phương có kế hoạch mua sắm bổ sung kịp thời trang thiết bị phục vụ cho kỳ thi bảo đảm đúng các quy định của pháp luật, đáp ứng thời gian tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 và các năm tiếp theo; sớm ban hành quy định về tổ chức, hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với kỳ thi, nhất là phần kinh phí khi tổ chức thanh tra, kiểm tra tại các địa phương.

Đồng thời, Bộ GD&ĐT sớm hoàn thiện các phần mềm phục vụ công tác tổ chức kỳ thi (phần mềm đăng ký dự thi, chấm thi trắc nghiệm, hỗ trợ chấm thi…). Tổ chức chạy thử phần mềm đăng ký dự thi để sở GD&ĐT rút kinh nghiệm trong việc xây dựng phương án sắp xếp các điểm thi. Tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về quy chế thi, nghiệp vụ tổ chức thi và sử dụng các phần mềm phục vụ công tác tổ chức thi; duy trì việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm và thi đua khen thưởng hằng năm về công tác tổ chức thi.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là năm đầu tiên thực hiện đổi mới nên Sở GD&ĐT Nghệ An đã chuẩn bị tâm thế, cơ sở vật chất, huy động các nguồn lực để sẵn sàng đáp ứng khi có quy chế, hướng dẫn tổ chức thi từ Bộ GD&ĐT.

Ngay từ đầu năm học, sở GD&ĐT chỉ đạo sâu sát các trường THPT, trung tâm GDNN - GDTX trên địa bàn tăng cường công tác dạy và học, nhất là tiếp cận với phương thức thi mới. Sở sẽ tổ chức nhiều cuộc đánh giá diện rộng, một số kỳ thi thử nhằm rèn luyện kỹ năng, bổ sung kiến thức để tiếp cận theo hướng đề thi mới. - Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Thái Văn Thành

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.