Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Vững quyết tâm giữa nhiều biến động

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Vững quyết tâm giữa nhiều biến động

Kỳ thi đặc biệt

Dịch Covid-19 làm xáo trộn các hoạt động giáo dục - đào tạo, kéo theo nhiều việc phải thay đổi để thích ứng. Những thay đổi liên tục do yếu tố khách quan, cộng yêu cầu ngặt nghèo về thời gian, đòi hỏi sự chủ động, luôn phải tính được mọi tình huống có thể xảy ra; đòi hỏi năng lực ứng phó nhanh và rất nhiều công sức, quyết tâm. Đó là điều ngành Giáo dục đã làm được trong thời gian qua với việc nhanh chóng điều chỉnh khung thời gian dạy học, tổ chức dạy học qua Internet và trên truyền hình, tinh giản chương trình… Học sinh vẫn hoàn thành chương trình học dù phải tạm dừng đến trường trong một thời gian khá dài.

Với kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm học phổ thông, có lẽ chưa năm nào, việc quyết định phương án cuối cùng lại nhiều gian truân như năm nay. Thời gian đầu, ngành Giáo dục, học sinh vẫn ở tâm thế sẽ tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia với mọi công việc cơ bản ổn định như năm 2019. Thông tư số 08/2020/TT-BGDĐT sửa đổi bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT được ban hành ngày 23/3/2020. Sau đó khoảng chục ngày, đề thi tham khảo cho kỳ thi này được Bộ GD&ĐT công bố.

Nhưng trong điều kiện ứng phó với dịch bệnh Covid-19, Bộ GD&ĐT đã báo cáo, xin ý kiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam về phương án tổ chức kỳ thi THPT. Sau khi phân tích tình hình dịch bệnh, quy định của pháp luật, những yếu tố liên quan đến công tác tổ chức thi, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất sẽ tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho Kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT lại nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đề tham khảo lần 2, phù hợp với mục đích, yêu cầu mới. Quy chế thi tốt nghiệp THPT cũng được ban hành ngày 26/5 sau rất nhiều nỗ lực để vừa bảo đảm chất lượng, vừa kịp thời gian. Đây cũng là khoảng thời gian Việt Nam đã cơ bản khống chế được dịch bệnh. Hàng loạt công việc quan trọng để chuẩn bị cho kỳ thi đã được 63 tỉnh thành triển khai với quyết tâm cao nhất. Ngày 24/6, Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Chỉ thị số 26/CT-TTg về việc tăng cường chỉ đạo Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2020.

Thế nhưng, ngành Giáo dục và học sinh cả nước một lần nữa đối mặt với diễn biến mới khi dịch Covid-19 xuất hiện ở Đà Nẵng, Quảng Nam. Tình hình dịch bệnh phức tạp đến nỗi, Đà Nẵng đề nghị được dừng tổ chức thi và xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh của thành phố. Quảng Nam đề xuất 3 phương án, 1 trong 3 phương án đó cũng là dừng thi trên địa bàn. Trên nhiều diễn đàn, mạng xã hội, ý kiến trái chiều liên quan đến việc có nên tiếp tục hay không việc tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Bài toán quá khó cho những người làm chính sách, để làm sao vừa thực hiện đúng luật, tạo công bằng cho mọi học sinh; vừa bảo đảm an toàn về sức khỏe.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 27/7, sau nhiều cân nhắc, tính toán, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ như thành phố Đà Nẵng và các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh Quảng Nam lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp. Cùng dự thi đợt này có các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước. Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Đến nay, trừ vùng có dịch, các địa phương trên cả nước đã sẵn sàng các điều kiện để tổ chức thi tốt nghiệp THPT từ ngày 8 - 10/2020.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020: Vững quyết tâm giữa nhiều biến động ảnh 1
Kiểm tra đột xuất tại Trường THPT Đông Anh, huyện Đông Anh về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020.

Mục tiêu kép: An toàn kỳ thi và sức khỏe

Chia sẻ của PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT), Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, việc quyết định phương án tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trong bối cảnh Covid-19 là sự tính toán đa chiều. Dù nhiều khó khăn, nhưng thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, triển khai chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các địa phương, Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT các tỉnh đã tích cực nỗ lực chuẩn bị. Đến nay, các tỉnh thành, kể cả Đà Nẵng - dù tổ chức thi vào đợt 2 - đều sẵn sàng cho kỳ thi.

Cụ thể, toàn bộ cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi, sắp xếp phòng thi, các thông tin đến với thí sinh đều đầy đủ. Hoàn thành chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ kỳ thi, như: Điểm thi, phòng thi, camera, máy tính, máy quét, hệ thống công nghệ thông tin… Hoàn thành lựa chọn cán bộ, giáo viên tham gia tổ chức thi. Đã triển khai tập huấn cho cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi, bảo đảm mỗi người khi vào phần việc của mình hiểu rõ phải làm gì, quy trình ra sao và kết quả đạt được thế nào. Công tác đề thi cơ bản được triển khai theo đúng kế hoạch…

Nhấn mạnh thí sinh, cán bộ giáo viên phải được thi, làm thi trong một môi trường an toàn, ông Mai Văn Trinh đề nghị địa phương triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh Covid-19. Trong đó lưu ý khử khuẩn cho phòng thi, điểm thi trước và sau khi thi. Mỗi điểm thi phải bố trí đủ phòng thi dự phòng; có bộ phận y tế thường trực, bao gồm cán bộ chuyên môn, phòng y tế và các thiết bị y tế, đủ cơ số thuốc để sẵn sàng ứng phó với các trường hợp xảy ra. Khuyến khích sử dụng cồn rửa tay trước khi vào phòng thi. Các điểm thi đồng thời phải trang bị máy đo thân nhiệt để phát hiện thí sinh có nghi vấn, ho, sốt để kịp thời có giải pháp phù hợp.

Với thí sinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nhắn nhủ, cần thực hiện đúng hướng dẫn của ngành Y tế để chăm lo sức khỏe cho mình, phòng ngừa dịch bệnh Covid-19; cùng với đó, tuân thủ những quy định, hướng dẫn tại điểm thi. Thí sinh ở vùng thuận lợi được thi trước hãy vững vàng để thực hiện tốt nhất bài thi của mình. Thí sinh đang trong vùng cách ly cũng yên tâm sẽ được dự thi vào thời điểm phù hợp. Quyền lợi hợp pháp, đầy đủ của các em sẽ được bảo đảm với những giải pháp đồng bộ của cả hệ thống.

Ngay cả khi dịch Covid-19 chưa bùng phát trở lại, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương có phương án dự phòng, cả trong trường hợp thiên tai bất thường và chủ động có phương án ứng phó với dịch bệnh. Do đó, khi dịch bệnh bùng phát trở lại, các địa phương đều không bất ngờ. Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Y tế, bám sát các chỉ đạo của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19, đặc biệt căn cứ tình hình cụ thể các địa phương, đã ra các văn bản hướng dẫn rất cụ thể cho việc tổ chức thi trong hoàn cảnh này. Với sự chuẩn bị như vậy, mong rằng các địa phương không lơ là, chủ quan, để chúng ta làm chủ tình hình và tổ chức kỳ thi trong điều kiện an toàn, tốt nhất. Đây cũng là trách nhiệm với các thí sinh và toàn xã hội. - PGS Mai Văn Trinh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ