Kỳ thi THPTQG 2017: Mọi tấm lòng hướng về thí sinh

GD&TĐ - Hiện nay, các địa phương với tâm thế chủ động cao nhất đã chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật lực, sẵn sàng cho kỳ thi THPT quốc gia 2017. 

Thí sinh thi THPT quốc gia 2016
Thí sinh thi THPT quốc gia 2016

Phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm; nhà trường, gia đình chặt chẽ phối hợp là cách làm của hầu hết các trường học thời điểm này để hỗ trợ tốt nhất cho thí sinh - tâm điểm của kỳ thi. Tình người ấm áp chắc chắn sẽ là điểm nhấn đặc biệt cho kỳ thi năm nay.

Thầy cô theo học trò đến trường thi

Là một đơn vị đầu vào thấp ở Đồng Tháp, năm nay, Trường THPT Phú Điền có 210 học sinh dự thi THPT quốc gia. Việc ôn tập cho học sinh trước kỳ thi quan trọng này được nhà trường kéo dài đến ngày 17/6.

Theo chia sẻ của thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Định, nhà trường đã và đang tập trung cao nhất trong việc ôn tập, chuẩn bị mọi điều kiện cho thí sinh bước vào kỳ thi. Vì học sinh hầu hết là con em nông dân, khoảng cách từ trường đến trung tâm huyện - nơi dự thi - khoảng 12km nên nhà trường bố trí xe, hỗ trợ các học sinh có nhu cầu đến điểm thi. Đặc biệt, 15 cán bộ, giáo viên của trường, trong đó có giáo viên tất cả các môn thi, sẽ theo sát học sinh trong suốt thời gian thi.

"Giáo viên bộ môn sẽ tập trung học sinh yếu sau mỗi buổi thi để củng cố kiến thức, động viên tinh thần các em cho buổi thi tiếp. Các thầy cô cũng nắm được từng số điện thoại liên lạc, địa chỉ nhà học sinh để rà soát, nhắc nhở, hỗ trợ các em kịp thời. Bản thân hiệu trưởng đã trực tiếp làm việc với phụ huynh học sinh về công tác phối hợp, giám sát học sinh; trò chuyện tâm tình với học sinh học lực yếu với hy vọng các em sẽ cố gắng tối đa. Chúng tôi cũng sẽ có phần thưởng động viên học sinh thi đạt kết quả cao và học sinh năng lực yếu nhưng thi tốt" - thầy Nguyễn Văn Định chia sẻ.

Không chỉ ở Trường THPT Phú Điền, hầu hết các cơ sở giáo dục có học sinh dự thi THPT quốc gia năm nay, giáo viên đều hy sinh thời gian hè để hỗ trợ học sinh ôn tập. Nhiều trường học ở Điện Biên, bên cạnh nhiệm vụ củng cố kiến thức, không ít giáo viên còn bỏ công sức chăm lo cho học sinh từng bữa ăn, giấc ngủ.

Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên Nguyễn Sỹ Quân cho biết: Mọi công tác chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia 2017 ở địa phương đang được thực hiện nghiêm túc, đúng tiến độ; huy động gần 600 cán bộ coi thi của địa phương và từ trường đại học phối hợp. Học sinh dự thi là đối tượng được quan tâm đặc biệt.

Toàn tỉnh có 20 điểm thi THPT quốc gia, trong đó có 11 điểm thi liên trường đặt ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố và 9 điểm thi độc lập - là những trường ở xa, khoảng cách không gần nhau. Cách bố trí này thuận lợi cho học sinh trong việc đi lại, không phải vượt đường xa dự thi.

"Những trường bán trú, nội trú của Điện Biên luôn mở cửa chào đón thí sinh có nhu cầu ở lại ôn thi. Trường tổ chức nấu ăn tập trung hỗ trợ các em thuộc hộ nghèo, gia đình khó khăn. Người nấu có thể từ Ban đại diện cha mẹ học sinh hoặc do chính học sinh và giáo viên... Nguồn kinh phí được huy động từ UBND các huyện, Hội khuyến học, tổ chức xã hội, các nhà hảo tâm...

Sau khi kết thúc chương trình học vào 31/5, trường tổ chức ôn tập thêm cho học sinh trong 20 ngày trước thi. Như vậy, có giáo viên vừa giúp học sinh ôn tâp, vừa hỗ trợ chăm sóc học trò" - ông Nguyễn Sỹ Quân cho hay.

Lực lượng tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ thí sinh
Lực lượng tình nguyện sẵn sàng hỗ trợ thí sinh 

Mọi phương án đều được tính chi tiết

Tỉnh Hưng Yên năm nay có 11.651 thí sinh dự thi THPT quốc gia với 28 điểm. Theo ông Nguyễn Văn Phê - Giám đốc Sở GD&ĐT - mọi công tác chuẩn bị trước kỳ thi đã chu đáo, từ giao thông, điện nước, phòng cháy, y tế, an ninh...; việc in sao đề được tiến hành từ 10/6; các phòng thi đều là nhà kiên cố, cao tầng nên không lo mưa bão, thời tiết thất thường. Học sinh đi đến điểm thi gần, thuận tiện, trừ điểm thi tại Trường ĐHSP Kỹ thuật Hưng Yên dành cho thí sinh tự do. Tuy nhiên, trường có ký túc xá nên thuận lợi cho thí sinh có nhu cầu ở lại. Tại điểm thi này, đoàn thanh niên bố trí lực lượng hỗ trợ, hướng dẫn thí sinh tích cực.

Là một điểm thi tại Hưng Yên, Trường THPT Dương Quảng Hàm năm nay sẽ đón thí sinh Trung tâm GDTX Văn Giang cùng đến dự thi cùng với học sinh trong trường. Với số lượng khoảng 500 thí sinh, trường này bố trí 21 phòng thi và dành 2 phòng dự bị dành cho học sinh nghỉ giữa các môn.

Thầy hiệu trưởng Nguyễn Văn Thiều cho biết, ngoài công tác chuẩn bị theo đúng yêu cầu của quy chế thi, việc hỗ trợ thí sinh dự thi và cán bộ làm công tác thi rất được quan tâm. Theo đó, mỗi dãy 5 phòng thi đều bố trí điểm phục vụ thí sinh nước uống miễn phí; trích Quỹ khuyến học Dương Quảng Hàm hỗ trợ 3 bữa trưa cho 60 giám thị; chuẩn bị bản tóm tắt nghiệm vụ coi thi phát cho từng giám thị...

"Trường có nhà đa năng xấp xỉ 500 chỗ cho các thầy cô nghỉ ngơi; chuẩn bị 5 phòng với 15 chỗ nghỉ cho giám thị có nhu cầu. Đặc biệt, một công ty taxi hỗ trợ 1 xe thường trực ngoài trường trong các ngày thi, sẵn sàng hỗ trợ khi có trường hợp khẩn cấp" - thầy Nguyễn Văn Thiều chia sẻ.

Hà Nội, một trong những địa phương có số điểm thi lớn nhất cả nước (112 điểm thi tại 30 quận huyện) cũng đã sẵn sàng. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ, với kỳ thi này, Ban chỉ đạo thi thành phố đã chỉ đạo kỹ, quyết liệt; giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, quận huyện; công tác phối hợp với 12 học viện, trường đại học trên địa bàn được triển khai nghiêm túc. Năm nay, học sinh không phải đi thi xa vì học sinh quận huyện nào thi tại quận huyện đó; trừ thí sinh tự do thi tại Trường ĐH Điện lực.

"Có thể nói, các công tác liên quan đến đảm bảo an ninh, an toàn, quy chế trường thi đã thực hiện đúng theo quy chế của Bộ GD&ĐT. Chúng tôi có phương án của thành phố do Công an thành phố trực tiếp xây dựng để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc. Đặc biệt, công tác phân luồng giao thông sẽ được quan tâm đặc biệt giúp thí sinh đến trường thi thuận lợi" - ông Nguyễn Hữu Độ cho hay.

Tại Bến Tre - một tỉnh vùng sông nước - việc chuẩn bị các phương án đối phó với tình huống mưa dông bất ngờ, triều cường được quan tâm đặc biệt. Theo TS Nguyễn Văn Huấn – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT -

Sở đã yêu cầu các trường THPT, trường THCS trên địa bàn được chọn đặt điểm coi, chấm thi chủ động sửa chữa cơ sở vật chất, đảm bảo không bị dột, tạt, hư hỏng khi mưa lớn; phối hợp với chính quyền địa phương chuẩn bị phương án để xử lý tốt các tình huống khi mưa dông hay bão bât ngờ, không làm ảnh hưởng đến thí sinh khi tham gia dự thi.

"Cơ bản các điểm thi được chọn đều đảm bảo về cơ sở vật chất. Chỉ một số điểm có khả năng bị ngập do mưa bão, triều cường dâng cao, chúng tôi yêu cầu nâng cao lối đi, sân trường, để nếu tình huống bất thường học sinh, giáo viên vẫn có thể đi được. Sở GD&ĐT cũng yêu cầu lãnh đạo các trường THPT, trường THCS phối hợp với Cảnh sát PCCC, Công an tỉnh kiểm tra, rà soát, chuẩn bị các phương tiện phòng cháy, chữa cháy tại những nơi tổ chức các điểm coi thi, chấm thi đảm bảo đủ phương tiện xử lý sự cố cháy ngay từ khi mới xảy ra..." - ông Nguyễn Văn Huấn cho biết.

Liên quan đến công tác hỗ trợ thí sinh, theo ông Nguyễn Văn Huấn, tại tất cả 32 điểm thi của Bến Tre đều bố trí lực lượng tình nguyện hướng dẫn thí sinh đến điểm thi; chuẩn bị dù che cho thí sinh nếu có mưa. Đặc biệt, mỗi điểm đều bố trí từ 1 - 2 xe máy, sẵn sàng hỗ trợ thí sinh trường hợp khẩn cấp, như quên giấy tờ. Một số điểm thi vận động được các mạnh thường quân hỗ trợ nước uống, suất ăn cho thí sinh.

"Những trường hợp này, tỉnh đoàn đã lên danh sách cụ thể nơi được hỗ trợ để y tế kiểm tra an toàn thực phẩm, đảm bảo sức khỏe cho thí sinh" - ông Nguyễn Văn Huấn cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ