Kỹ năng hùng biện, thuyết trình: Phụ huynh đừng "khoán trắng" cho nhà trường

GD&TĐ - Hùng biện, thuyết trình là kỹ năng mềm rất quan trọng, có thể mang lại nhiều cơ hội trong cuộc sống. Không ít phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường về kỹ năng này.

Học sinh tiểu học tại TPHCM tự tin thuyết trình về mô hình “Vườn rau sạch tại trường”. Ảnh: P.Nga
Học sinh tiểu học tại TPHCM tự tin thuyết trình về mô hình “Vườn rau sạch tại trường”. Ảnh: P.Nga

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, cần đầu tư bài bản chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào trường học.

Cha mẹ “khoán trắng”, con khó tự tin

Con chị Nguyễn Thu Thủy (ngụ tại quận Bình Thạnh, TPHCM) khá trầm tính. Bởi vậy vào dịp hè, chị thường đăng kí cho con tham gia lớp kỹ năng thực hành xã hội tại Nhà thiếu Nhi thành phố. Chị cũng đăng kí lớp MC nhí để con rèn khả năng thuyết trình, tự tin trước đám đông. “Thấy cháu có tiến bộ, tự tin hơn khi đi ra ngoài, ở trường… nên ba mẹ cũng rất vui”,  chị Thủy nói.

Chị Thu Thủy cũng như rất nhiều phụ huynh khác, luôn mong muốn con tự tin trước đám đông, giao tiếp tốt. Tuy nhiên, không ít phụ huynh “khoán trắng” cho nhà trường về kỹ năng này. Nhiều người cho rằng, ở trường học, con cái họ sẽ được rèn các kỹ năng cần thiết. Không ít phụ huynh cho rằng, nhà trường cần xây dựng chuyên đề học tập rèn kỹ năng thuyết trình như một môn học.

Từng là một giảng viên, sau này khởi nghiệp với lĩnh vực công nghệ - Công ty CyberSoft (tại TPHCM), thạc sĩ Lê Quang Song chia sẻ, rất nhiều bạn trẻ thiếu kỹ năng mềm đơn cử như thuyết trình, hùng biện, giao tiếp… Để hình thành các kỹ năng mềm này vô cùng quan trọng và cần phải có một quá trình, từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cho tới sau khi đã hoàn thành các bậc học, đi làm…

Thực tế, không phải ai cũng vượt qua giới hạn của bản thân để tự tin thuyết trình trước đám đông, đưa ra những quan điểm của mình về một vấn đề nào đó trong cuộc sống, tham gia những cuộc thi hùng biện. Điều này cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, tính cách, sở trường, công việc…

Theo thầy Võ Kim Bảo, giáo viên Trường THCS Nguyễn Du, Quận 1, có nhiều loại trí thông minh, trí thông minh ngôn ngữ chỉ là một trong số đó và không phải đứa trẻ nào cũng có trí thông minh ở lĩnh vực này. Tuy nhiên, những kỹ năng cơ bản cần thiết về giao tiếp, về thuyết trình là rất cần thiết đối với mỗi một học sinh.

“Để hình thành một môn học cụ thể, theo tôi sẽ vô cùng khó vì phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà thực tiễn chưa cho phép (ở công lập). Việc giáo dục các kỹ năng mềm chủ yếu qua các chuyên đề, được lồng ghép vào trong nhiều bộ môn, hoạt động khác ở trong nhà trường và nằm trong chuyên đề ngoại khóa kỹ năng sống… và tự bản thân mỗi môn học đã bao hàm cả kỹ năng này vào.

Còn ở ngoài nhà trường, phụ huynh cũng rất quan tâm, tìm hiểu các lớp ngoại khóa, dạy kỹ năng để cho con tham gia, trải nghiệm. Nhiều người đi tìm các lớp học online, các câu lạc bộ như MC nhí cho con hay khuyến khích trẻ tham gia nhiều hoạt động vui chơi tập thể, các cuộc thi, khuyến khích trẻ đọc sách để có ngôn từ phong phú…

Thực ra có nhiều cách để giúp trẻ hình thành các kỹ năng này. Điều đó không phải phụ thuộc vào một cuốn giáo trình cụ thể, mà cần chính là cả một quá trình, cần tạo cho trẻ môi trường, cơ hội để giúp trẻ có sự trải nghiệm từng ngày”, thầy Bảo ý kiến.

Đồng hành với con trong “trường đời”

Là một người làm công tác truyền thông, thạc sĩ Nguyễn Văn Tài - Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông (Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TPHCM), cho rằng, kỹ năng thuyết trình trước đám đông là điểm cộng rất lớn cho các bạn trẻ trong công việc. Để có thể tự tin làm chủ buổi diễn thuyết, hay thuyết trình, hùng biện của mình, không có gì ngoài việc rèn luyện, trải nghiệm, học hỏi.

Ngoài ra cần chú ý đến các yếu tố trong quá trình này như về mặt hình thức, về giọng nói, làm chủ cảm xúc, về kiến thức… Với vai trò quan trọng của kỹ năng này, việc đưa vào giảng dạy cho học sinh những chuyên đề về kỹ năng thuyết trình, hùng biện là hết sức cần thiết và cần triển khai càng sớm càng tốt.

“Giảng dạy các kỹ năng mềm này cho học sinh từ sớm là điều rất quan trọng. Vì là môn kỹ năng nên việc được thực tập, thực hành càng nhiều càng sớm sẽ có lợi cho các em trong việc hình thành, phát triển và được vận dụng ở các môn học khác, hoạt động khác nhau”, anh Tài nói.

Ngoài việc rèn kỹ năng ở trường, nếu có điều kiện, phụ huynh hãy tạo điều kiện để các em gia nhập các CLB về kỹ năng, hùng biện, hay đăng ký một vài khóa học về kỹ năng nói trước đám đông, người dẫn chương trình. Việc tích luỹ cho mình về kiến thức cơ bản, sẽ giúp các em tự tin thực hành càng nhiều càng tốt để tích lũy kinh nghiệm, trải nghiệm cho bản thân và nghề nghiệp sau này.

Giảng viên Nguyễn Vũ Thắng, đồng thời là Giám đốc Công ty TNHH MTV nghiên cứu, sản xuất, thương mại khoa học và công nghệ Chiyo (TPHCM) chia sẻ, để có một môn học đào tạo kỹ năng mềm thì phải thực hiện nhiều yếu tố như: Yếu tố về học thuật, về chuẩn đầu ra, đội ngũ giảng dạy, nguồn nhân lực, vốn… Ở các trường quốc tế, hoàn toàn có thể xây dựng thành môn học kỹ năng thuyết trình, phản biện và đưa vào giảng dạy. Ở trường công lập có thể xây dựng thành các chuyên đề tích hợp môn kỹ năng sống để giảng dạy.

Ngoài ra, khi giáo dục con trẻ, phụ huynh có thể tìm kiếm các kiến thức qua Internet, qua các cuốc sách, giáo trình do những chuyên gia trong lĩnh vực này chia sẻ để hiểu hơn về kỹ năng thuyết trình, hùng biện. Mỗi một em cũng phải nỗ lực, tự học, trau dồi kiến thức, kỹ năng cho bản thân.

“Theo tôi, đối với kỹ năng mềm, thì sự trải nghiệm trong cuộc sống, qua những tình huống hằng ngày, qua công việc, qua nghề nghiệp của bản thân… mà tôi hay gọi là sự trải nghiệm “trường đời” là vô cùng quan trọng”, ông Nguyễn Vũ Thắng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.