Kỹ năng học tập suốt đời: Cánh cửa mơ ước vào kỷ nguyên 4.0

GD&TĐ - Đây là một nội dung sâu sắc đã được chia sẻ tại tọa đàm “Giáo dục nghề nghiệp – Con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước”. Sự kiện được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức ngày vừa qua, tại Trường CĐN Công nghệ cao Hà Nội.

Kỹ năng học tập suốt đời: Cánh cửa mơ ước vào kỷ nguyên 4.0

Cần chương trình tăng cường để hoàn thiện nhiều kỹ năng

Là một cựu giáo sinh trong giáo dục đào tạo nghề, bà Joanna Wood - Tham tán Giáo dục Khoa học Australia chia sẻ: Bà đã làm việc ở khu vực kinh tế tư nhân, ở nhiều vị trí khác nhau và đã có 16 năm làm việc cho chính phủ

Australia, đặc biệt những năm gần đây là trong lĩnh vực giáo dục đào tạo nghề. Đây chính là con đường sự nghiệp mà bà đã trải qua và chủ đề của buổi tọa đàm “Con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước” chính là sự đam mê và mong muốn được chia sẻ.

Theo một báo cáo mới đây, 4 trong số 5 phụ huynh của Australia rất muốn con mình vừa theo học trường ĐH và vừa theo đuổi một chương trình về đào tạo nghề nghiệp và nhận thức như vậy cũng đang có ở các bậc phụ huynh ở Việt Nam. Ở

Australia, thu nhập trung bình hàng năm của một cựu sinh học nghề là 56.000 AUD, cao hơn so với thu nhập của cử nhân là 54.000 AUD. Như vậy, có thể thấy, giáo dục đào tạo nghề mang lại sự lựa chọn đa dạng về nghề, bằng cách cung cấp cho học viên những kỹ năng thực tế và kinh nghiệm thực tiễn để sẵn sàng cho công việc.

Theo bà Joanna Wood, chính phủ Australia đã xây dựng một hệ thống dạy nghề toàn diện để mọi công dân có thể học tập những kỹ năng nghề liên tục và phù hợp với thực tế. Sẵn sàng đón nhận những cơ hội mới, làm chủ công việc của chính mình. Tại Việt Nam hiện nay, nhiều sinh viên ra trường vẫn cần phải được đào tạo lại kỹ năng nghề theo yêu cầu của doanh nghiệp, điều đó cho thấy, ngoài những kỹ năng chuyên môn, nhà trường cần có những chương trình tăng cường để hoàn thiện những kỹ năng khác như kỹ năng ngoại ngữ, các kỹ năng mềm...

Bà Yasmin King – Giám đốc Điều hành SkillsIQ là một tổ chức Dịch vụ Kỹ năng mới với vai trò hỗ trợ phát triển các sản phẩm đào tạo chia sẻ: Trí tuệ nhân tạo và tự động hóa đem đến nhiều thay đổi trong các lĩnh vực sản xuất, việc làm...

Những thay đổi này đang tác động mạnh mẽ, làm thay đổi những kỹ năng lao động. Người lao động phải cập nhật được những kỹ năng mới để đáp ứng những thay đổi của việc làm. Tuy nhiên, có 3 yêu cầu căn bản mà người lao động phải có là: Làm việc nhóm, trao đổi thông tin và tư duy sáng tạo để có thể bảo đảm việc làm trong tương lai.

Kỹ năng nghề đỉnh cao và việc làm tốt

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Trương Anh Dũng cho biết, thông qua các giải pháp hỗ trợ tích cực, ngành GDNN tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ HSSV học tập nghề nghiệp và kết nối việc làm. Nỗ lực thay đổi chương trình đào tạo, để HSSV được trang bị những kỹ năng tự học và những kỹ năng học tập suốt đời.

Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Đại sứ quán Australia, tổ chức chương trình “Học nghề - Con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước”, nhằm trao đổi kinh nghiệm của các chuyên gia nghề của Australia và các sinh viên thành công trong GDNN, định hướng, khơi dậy niềm đam mê và theo đuổi nghề nghiệp cho các em học sinh sinh viên. Các chuyên gia đã chia sẻ những thành công thực tế, cụ thể trong GDNN. Minh chứng rõ ràng nhất là bà Joanna Wood tham tán ĐSQ Australia, bà đã bắt đầu từ giáo dục đào tạo nghề để có được sự thành công của ngày hôm nay.

Tiếp tục thông điệp giáo dục nghề nghiệp - Con đường dẫn đến sự nghiệp mơ ước, quản lý GDNN cần quan tâm hơn nữa trong công tác truyền thông, quảng bá hình ảnh của đào tạo nghề. GDNN mang lại những kỹ năng nghề đỉnh cao, việc làm tốt, thu nhập ổn định cho người lao động. Có kỹ năng nghề, người lao động sẽ có tương lai tốt đẹp, bền vững trong sự phát triển kinh tế hội nhập hiện nay.

Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh cho biết: Trong 4 lĩnh vực hợp tác giữa Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam và Bộ GD&ĐT Australia, đặc biệt quan tâm đến hợp tác trong lĩnh vực nghề nghiệp giữa hai quốc gia, trong đó có việc chia sẻ kinh nghiệm giữa hai quốc gia để nâng cao chất lượng cũng như vị thế của Giáo dục nghề nghiệp Việt Nam.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ