Năm 2024, nhiều học viên các lớp đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh VB2.12, VB2.13 (A, B), VB22.01 gửi đơn kiến nghị tới Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ về việc chưa nhận được bằng tốt nghiệp, cũng như lộ trình cấp bằng.
Theo phản ánh của người học, dù đã dự thi và trúng tuyển vào lớp văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh, đồng thời hoàn thành đầy đủ nội dung chương trình, nhưng sau 1 năm học vẫn chưa nhận được bằng tốt nghiệp hay lộ trình cấp bằng.
Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Lê Văn Một - Phó trưởng ban thường trực Thanh tra pháp chế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, nhà trường đã kết luận thanh tra đào tạo văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh các lớp VB2.12; VB 2.13 (A, B; VB 22.0.
Cụ thể, về tính pháp lý của việc mở các lớp văn bằng 2, nhà trường kết luận: Từ năm học 2020 – 2021 đến nay, nhà trường không tổ chức tuyển sinh đầu vào văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh. Hiệu trưởng không cho phép đặt lớp VB2 nào, cũng như không ký hợp đồng hợp tác đào tạo với bất cứ đơn vị nào ngoài trường.
Việc mở lớp tuyển sinh và đào tạo các lớp VB2.12, VB2.13 (A,B) tại cơ sở Nguyễn Đức Cảnh và Vũ Trọng Phụng có sự kết nối của bà Trần Thị Thúy Hà và một số cá nhân khác trong trường. Việc mở các lớp này không có cơ sở pháp lý, không đúng với quy định của nhà trường và Bộ GD&ĐT.
Cá nhân bà Trần Thị Thúy Hà – khi đó là Phó Chủ nhiệm khoa TAB đã lấy danh nghĩa của Khoa để trình xin chủ trương mở các lớp văn bằng 2, trong khi Khoa không có chủ trương và không biết gì về việc này. Điều đó là vi phạm quy định về quản lý hành chính và vi phạm nhân danh giả mạo Khoa TAB. Vì thế, các tờ trình trên không có giá trị pháp lý.
Liên quan đến tuyển sinh các lớp văn bằng 2, PGS.TS Lê Văn Một chia sẻ, Kết luận thanh tra nhấn mạnh, việc tổ chức tuyển sinh các lớp VB 2 nêu trên chưa thực hiện đúng quy định, quy trình.
Việc ký các quyết định trúng tuyển do Phó Hiệu trưởng Vũ Văn Hóa ký khi không được Hiệu trưởng ủy quyền là trái quy định của Bộ GD&ĐT và của trường. Vì vậy, việc công nhận trúng tuyển đầu vào các lớp văn bằng 2 là chưa có cơ sở và các quyết định trúng tuyển đầu vào này không có hiệu lực.
Về kế hoạch đào tạo và thời khóa biểu, qua xác minh hồ sơ cho thấy, các kế hoạch đào tạo không ghi tên giảng viên dạy, không phân công giảng viên giảng dạy và không có chữ ký lãnh đạo trường… Điều này là chưa đúng với quy định của nhà trường.

Cũng theo PGS.TS Lê Văn Một, Kết luận thanh tra chỉ rõ, Chương trình, kế hoạch đào tạo và thời khóa biểu 4 học kỳ để tổ chức đào tạo các lớp VB 2 tại các cơ sở Nguyễn Đức Cảnh và Vũ Trọng Phụng nêu trên không đủ điều kiện để tổ chức đào tạo.
Việc tổ chức và quản lý đào tạo các học phần mà bà Trần Thị Thúy Hà và một số cá nhân do bà Hà nhờ giảng dạy đã thực hiện tại các cơ sở Nguyễn Đức Cảnh, Vũ Trọng Phụng chưa đúng quy định hiện hành về đào tạo trình độ đại học của Bộ GD&ĐT (khoản 3 Điều 7 Thông tư 08/2021) và quy định tại Điều 9 của Quy định số 596/2017 của Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Do đó, việc tổ chức đào tạo không được công nhận.
Về việc thi kết thúc học phần, đánh giá khóa luận tốt nghiệp, việc ký xác nhận các bảng điểm toàn khóa nêu trên là chưa đúng quy định. Theo kết luận, các kết quả học tập của người học không được công nhận và bảo lưu nên việc xác nhận các bảng điểm toàn khóa này không có giá trị.
Về việc ký Giấy chứng nhận tốt nghiệp của lớp VB2.12 và ký xác nhận đã hoàn thành chương trình VB2.13, PGS.TS Lê Văn Một trao đổi, trên cơ sở sở kiểm tra, xác minh cho thấy, việc ký xác nhận 3 giấy chứng nhận tốt nghiệp và 1 giấy xác nhận đã hoàn thành chương trình học nêu trên là không đúng quy định và không có hiệu lực; vì theo kết luận, các kết quả học tập của người học không được công nhận và bảo lưu nên việc xác nhận các bảng điểm toàn khóa này không có giá trị.
Về việc thu và quản lý học phí, Kết luận các khoản thu học phí của các lớp VB2 nói trên hoàn toàn do cơ sở Nguyễn Đức Cảnh tự thu và quản lý. Tại cơ sở Vũ Trọng Phụng, không có báo cáo và minh chứng thu học phí nên chưa có số liệu về các khoản thu và quản lý sử dụng. Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội không liên quan gì đến việc thu và quản lý sử dụng học phí nêu trên.
Liên quan đến vụ việc trên, đại diện Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho biết, sau thanh tra, nhà trường đã đưa ra hình thức kỷ luật đối với từng cá nhân.
Bà Trần Thị Thúy Hà - nguyên Phó chủ nhiệm khoa Tiếng Anh B bất hợp tác, kỷ luật buộc thôi việc, chấm dứt hợp đồng lao động kể từ ngày 24/2/2025.
Ông Vũ Văn Hoá, trước đó đã có đơn xin nghỉ hưu, được hiệu trưởng phê chuẩn, bắt đầu nghỉ kể từ 1/3/2025.
Ông Nguyễn Văn Học và ông Lê Anh Sắc, Phó trưởng Phòng quản lý đào tạo cùng chung hình thức kỷ luật khiển trách, cách chức cho thôi nhiệm vụ, đồng thời chuyển công tác sang đơn vị khác kể từ ngày 25/2. Hiện, Phòng tổ chức cán bộ tạm thời quản lý 2 người này chờ phân công nhiệm vụ mới.
Hai nhân viên Phòng quản lý đào tạo có liên quan đến vụ việc trên chịu hình thức kỷ luật khiển trách, chuyển công tác sang đơn vị khác.
Theo PGS.TS Lê Văn Một, vì nhà trường không mở lớp, không thu và quản lý, sử dụng học phí đối với các lớp văn bằng 2, người học muốn giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, kể cả học phí, cần trực tiếp làm việc với các cá nhân, cơ sở đã mở lớp và tổ chức đào tạo, thu học phí để giải quyết việc này. “Nếu người học muốn học văn bằng 2 ngành Ngôn ngữ Anh phải nộp hồ sơ về trường để trường thực hiện các bước tuyển sinh và đào tạo theo quy định của trường và Bộ GD&ĐT” - PGS.TS Lê Văn Một nói.