Kỳ lạ bức tượng đứng lên ngồi xuống

GD&TĐ - Làng Bảo Hà (xã Đồng Minh, Vĩnh Bảo) là một địa danh nổi tiếng ở thành phố Cảng Hải Phòng về nghề truyền thống tạc tượng, múa rối. Bức tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà có thể cử động được là một trong những câu chuyện thú vị minh chứng cho óc sáng tạo tuyệt vời bằng đôi bàn tay tài hoa của những nghệ nhân tạc tượng gỗ vùng đất Đồng Minh.

Miếu Bảo Hà di tích lịch sử quốc gia
Miếu Bảo Hà di tích lịch sử quốc gia

Tương truyền, ông tổ nghề tạc tượng làng Bảo Hà tên là Nguyễn Công Huệ. Ông có biệt tài làm các con giống ngộ nghĩnh bằng các vật dụng có sẵn trong vườn nhà. Giặc Minh biết đến tài hoa của ông bèn bắt ông đi khổ sai. 10 năm sau trở về làng, ông truyền lại cho dân làng 4 nghề: dệt, châm cứu lá ngải, điêu khắc gỗ và sơn mài. Để tỏ lòng biết ơn, tại miếu Cả làng Bảo Hà hiện lưu giữ tượng chân dung cụ Nguyễn Công Huệ, tương truyền do chính tay cụ tạc.

Tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương (tượng ngồi)
Tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương (tượng ngồi)

Miếu Bảo Hà (hay còn gọi là miếu Cả), là trung tâm tín ngưỡng lâu đời của địa phương, di tích lịch sử quốc gia được công nhận năm 1991. Nơi đây gìn giữ hầu như nguyên vẹn những tác phẩm tiêu biểu, điển hình của nghệ thuật tạc tượng truyền thống Bảo Hà. Không chỉ có tượng Phật, tượng Thánh, tượng truyền thần, nghệ thuật điêu khắc Bảo Hà còn được thể hiện trên những bức hoành phi, đại tự, câu đối, nhang án, cửa võng, phù điêu…. với độ tinh xảo, nghệ thuật cao.

Tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương (tượng đứng)
Tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương (tượng đứng) 

Đỉnh cao của nghệ thuật tạc tượng Bảo Hà được lưu giữ trong hậu cung của miếu. Bức tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương hơn 500 năm tuổi, được xem là bảo vật xứ Đông, có thể đứng lên ngồi xuống như người thật.

Tượng được đích thân ông tổ nghề tạc tượng Bảo Hà Nguyễn Công Huệ làm ra, mang sắc diện tuấn tú khác thường, nét chạm tinh tế toát lên khí tượng đế vương. Đây là tác phẩm sáng tạo trên cơ sở kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối. Những nghệ nhân xưa sử dụng cách chuyển động trong múa rối để “thổi hồn” vào bức tượng, tạo nên sự kỳ lạ, độc đáo.

Miếu Bảo Hà - nơi lưu giữ bức tượng đứng lên, ngồi xuống, một báu vật xứ Đông
 Miếu Bảo Hà - nơi lưu giữ bức tượng đứng lên, ngồi xuống, một báu vật xứ Đông

Cụ Nguyễn Văn Nghĩa, 85 tuổi, thủ nhang miếu Bảo Hà cho biết, bức tượng độc đáo này có cách đây hơn 500 năm, là “của hiếm” trong số những bức tượng hiện có ở Việt Nam. Người dân địa phương tự hào coi đây là một báu vật của làng nghề truyền thống.

Ông Phạm Văn Vưng, cán bộ văn hóa xã Đồng Minh cho hay: Bảo Hà là một trong số ít ngôi làng tại vùng quê Bắc bộ sở hữu 2 di tích quốc gia. Cùng với miếu Cả, di tích lịch sử quốc gia chùa Linh Miễu cũng được xem là kho tàng sống động của nghệ thuật điêu khắc gỗ dân gian. 

Nghệ nhân Đỗ Văn Mẵng, người gìn giữ tinh hoa nghề tạc tượng gỗ làng Bảo Hà
 Nghệ nhân Đỗ Văn Mẵng, người gìn giữ tinh hoa nghề tạc tượng gỗ làng Bảo Hà

Trong chùa, hiện đang thờ hơn 40 pho tượng cổ tuyệt đẹp. Đó là những tác phẩm mang hồn cốt đặc trưng của tượng Bảo Hà. Pho nào pho nấy mang thần thái riêng không  lẫn với phong cách dân gian khác. Bằng tình yêu và sự tỉ mỉ, bàn tay tài hoa của người nghệ nhân Bảo Hà "thổi hồn" vào thớ gỗ, làm cho những bức tượng vô tri ánh lên sắc diện và hồn vía con người, đẹp như ngọc, bất chấp thời gian.

Sự kỳ thú linh thiêng của bức tượng đức Thánh Linh Lang Đại Vương cùng những tinh hoa nghề tạc tượng gỗ làng Bảo Hà biến vùng quê này trở thành một trong những điểm đến lý thú của chương trình du khảo đồng quê, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.