Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quản lý nợ công

GD&TĐ - Ngày 16/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm tới an toàn nợ công; trách nhiệm trong quản lý nợ công.

Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quản lý nợ công

Lo ngại rủi ro nợ công

Ý kiến chung của đại biểu Quốc hội là việc sửa đổi Luật Quản lý nợ công 2009 để cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội thành chính sách, pháp luật của Nhà nước đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới là hết sức cần thiết.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) đề nghị ban soạn thảo đánh giá cụ thể hơn về thực trạng tình hình ngân sách Nhà nước, trả nợ thay cho các doanh nghiệp Nhà nước, tình hình và thực chất ngân hàng chính sách, cần giải trình lý do nợ do ngân hàng Nhà nước phát hành không thuộc nợ công cũng như một số khoản nợ khác như: Nợ xây dựng cơ bản của các tỉnh, huyện, xã trong trường hợp không đủ khả năng chi trả, nợ hoàn thuế giá trị gia tăng...

Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) cho rằng dự án luật có liên quan đến rất nhiều luật hiện hành, do vậy việc bảo đảm tính thống nhất là cần thiết. Tuy nhiên, theo đại biểu Cường thì dự thảo luật chưa đáp ứng yêu cầu này, ví dụ thẩm quyền, đối tượng tổ chức giám sát của các cơ quan quản lý Nhà nước và giám sát của Quốc hội và Mặt trận Tổ quốc có sự khác nhau.

Về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan trong quản lý, sử dụng nợ công tại khoản 4 Điều 15, đại biểu Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ) đề nghị cân nhắc kỹ đối với quy định này, cụ thể là không sử dụng ngân sách Nhà nước để trả các khoản vay do Chính phủ bảo lãnh để cho vay lại.

Lo ngại rủi ro nợ công, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng cần phải giám sát cả những khoản nợ ngoài phạm vi nợ công vì khi có rủi ro đối với những khoản nợ này sẽ ảnh hưởng đến an toàn nợ công. Cũng theo đại biểu Hàm: Luật chưa quy định rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức trong quản lý nợ công; vì vậy, khó xử lý khi để xảy ra thất thoát lãng phí.

Một đầu mối quản lý

Sau phần thảo luận của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình nhiều vấn đề.

Về nội dung nhiều đại biểu quan tâm là phạm vi của nợ công, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết, phạm vi của nợ công là nợ trực tiếp của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương và nợ dự phòng.

Về vấn đề nợ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không thuộc nợ công. “Với vai trò quản lý Nhà nước thì NHNN Việt Nam không có chức năng huy động vốn cho Chính phủ nên hoạt động huy động vốn của NHNN Việt Nam không thuộc phạm vi của nợ công” - Bộ trưởng nói.

Về nợ của các đơn vị sự nghiệp công lập thì các khoản Chính phủ cho đơn vị sự nghiệp công lập vay lại như bệnh viện, trường học đã được tính vào nợ Chính phủ. Theo quy định hiện hành, các khoản vay theo cơ chế thị trường tự vay tự trả của đơn vị sự nghiệp công lập được thực hiện như quy định áp dụng với doanh nghiệp.

Về đầu mối quản lý nợ công, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, quan điểm Bộ Tài chính trình là một đầu mối. Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói rõ thêm, một đầu mối ở đây không phải là Bộ Tài chính; Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc NHNN cũng được nhưng kinh nghiệm tổ chức các nước là Bộ Tài chính.

Cũng trong ngày 16/6, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đường sắt (sửa đổi), biểu quyết thông qua Luật Đường sắt (sửa đổi); thảo luận về dự án Luật Tố cáo (sửa đổi).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

Kế hoạch bí mật cứu Ukraine

GD&TĐ - Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã vạch kế hoạch chuẩn bị lực lượng gìn giữ hòa bình để cứu chính phủ Ukraine hiện nay.