Đây là triển lãm chuyên đề lần thứ ba của ông, sau triển lãm sưu tập sơn dầu năm 1995 và triển lãm sơn mài năm 2001. Những bức ký họa được “vẽ nhanh, vẽ vội” đầy cảm xúc chân thành cách đây nửa thế kỷ đã gây ấn tượng mạnh với người xem đồng thời bộc lộ khả năng, nội lực của tác giả.
Không gian thời chiến được tái hiện, khi khốc liệt, lúc yên bình, chính là những rung động thuần khiết của họa sĩ trước cuộc sống, tôn trọng thần thái cuộc sống – như nhận xét của họa sĩ Lê Trọng Lân trong diễn văn khai mạc.
85 bức ký họa thời chiến trong triển lãm lần này chỉ là một phần trong kho di sản quý của họa sĩ Trần Huy Oánh khi ông đi vẽ ở Nam Định, Hải Dương,Thanh Hóa, Vĩnh Linh, đường Trường Sơn và các trọng điểm khác ở mặt trận, từ năm 1965 đến 1973.
Chính tác giả của những bức ký họa đi qua nửa thế kỷ với hàng chục triển lãm mỹ thuật từng tham gia cả trong và ngoài nước, vẫn không khỏi xúc động nghẹn ngào khi công bố các tác phẩm của mình với công chúng, bạn bè, đồng nghiệp.
Suốt hơn 50 năm hoạt động mỹ thuật, nhiều năm tham gia giảng dạy và từng là Phó hiệu trưởng trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nguyên Phó Tổng thư ký, Chủ tịch Hội đồng nghệ thuật Hội mỹ thuật Việt Nam, PGS Họa sĩ Trần Huy Oánh không chỉ đóng góp vào kho tàng các tác phẩm mỹ thuật có giá trị trong nhiều bộ sưu tập hội họa Việt Nam và quốc tế, mà còn góp phần đào tạo nhiều thế hệ họa sĩ trưởng thành.
Đã 77 tuổi, ông vẫn đang tham gia giảng dạy chươngtrình Master nghệ thuật tại Đại học Mỹ thuật Hà Nội.
Triển lãm “Ký họa thời chiến” của PGS. Họa sĩ Trần Huy Oánh là một hoạt động có ý nghĩa dịp kỷ niệm Ngày nhà giáo Việt Nam 20/11 và thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22/12.