Kỳ 3: "Quả bóng" trách nhiệm hay sự bất lực của chính quyền địa phương?

Kỳ 3: "Quả bóng" trách nhiệm hay sự bất lực của chính quyền địa phương?
(GD&TĐ) - “Một năm trở lại đây, chúng tôi rất đau đầu với cái cô Đích này. Ngoại cảm với tâm linh cái gì, đồng cốt cũng không phải, lừa bịp hết. Học chưa hết phổ thông, lấy đâu ra 7 - 8 ngoại ngữ. Nhưng mà xử lý thế nào? Phạt vi cảnh rồi cũng chỉ đến thế. Dẹp xong lại đâu vào đấy theo đúng cái kiểu bắt cóc bỏ đĩa. Quyền của cấp xã chỉ có hạn. Mà đề xuất lên huyện thì loanh quanh lại quay về trách nhiệm của xã. Cô Đích này đang làm cho chúng tôi “khốn khổ” vì phải giải quyết những vụ việc ma quỷ của cô ta đây”. Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng (huyện Sóc Sơn) -  nơi cô đồng Đích đang sinh sống và hành nghề - không dấu được sự bất bình lẫn... bất lực khi trao đổi với chúng tôi về các hoạt động bói toán, bắt ma của cô đồng Đích ngay trên địa bàn mình quản lý.

Chân dung thực của cô đồng Đích

Cô đồng Đích tên thật là Nguyễn Thị Đích, sinh năm 1976. Theo tìm hiểu của chúng tôi, gia đình bà Đích vốn là một gia đình thuần nông; bản thân bà Đích từ nửa đầu năm 2008 về trước là một người mua bán sắt vụn, phế liệu. Theo kết quả điều tra của công an xã Tân Hưng, đầu năm 2008, bà Đích có thời gian lên biên giới phía Bắc (khu vực tỉnh Lạng Sơn) buôn bán phế liệu. Từ khi về, bà Đích bắt đầu có những biểu hiện khác thường. Lúc đầu, bà ta đến một số hộ dân chỉ cho tìm mồ mả. Thời gian đó là khoảng trung tuần tháng 6 năm 2008. Sau đó có một số hộ dân chủ động tới nhờ tìm mộ. Riêng việc này đã xảy ra rắc rối đến gần đây chính quyền xã mới xử lý tạm ổn: Bà Đích được gia đình ông Lê Danh Nhật trong thôn nhờ tìm mộ của ông thân đã bị thất lạc mấy chục năm. Theo lời chỉ dẫn của bà Đích, ông Nhật đã huy động anh em ra đào mộ của... ông nội ông Nguyễn Thành Đảng ở cùng thôn. Sự việc này khiến gia tộc ông Đảng đương nhiên phải có phản ứng và đã làm đơn gửi ra xã tố cáo ông Nhật...

Đó chỉ là một trong số các vụ liên quan đến “cô đồng” Đích mà UBND và Công an xã Tân Hưng phải tiến hành giải quyết trong riêng 6 tháng năm 2008 kể từ khi cô Đích bắt đầu hoạt động lên đồng, “bắt ma”. “Vụ tranh chấp giữa ông Nhật với ông Đảng, chúng tôi đã giải quyết theo đúng thẩm quyền ở xã. Hai bên sau lại vẫn kiện nhau lên đến cấp huyện. Tòa án gửi công văn yêu cầu giải quyết sang công an huyện, cuối cùng vẫn quay lại xã”, ông Thu cho biết, “cuối cùng chính quyền xã kết luận: Bây giờ việc cô đồng xác định việc mồ mả nhà ông Nhật như vậy là không có cơ sở khoa học. Thứ nhất về luật là không đúng, hai nữa về cơ sở khoa học nếu gia đình xác nhận như vậy thì đi thử ADN. Gia đình ông Nhật vẫn không nghe. Chính vì thế UBND xã phải tiếp tục chỉ đạo, yêu cầu trả lại đúng vị trí. Nhưng gia đình ông Nhật vẫn không trả về đúng vị trí. Gia đình ông Đảng lúc ấy cuối năm bức xúc quá rồi, tiếp tục làm đơn trình bày ra xã quyết định tự gia đình trả mộ về vị trí cũ và xã cũng có quan điểm như gia đình ông Đảng. Sau đó sự việc mới lắng xuống đến nay”.

Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Tân Hưng
Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Tân Hưng
Chính quyền phải "buông" vì thiếu một chế tài xử lý?
Ông Đỗ Văn Nghị, Phó Chủ tịch UBND kiêm Trưởng công an xã Tân Hưng, cho biết: “Ban đầu xuất hiện sự việc của cô đồng Đích, chúng tôi cũng rất ngạc nhiên. Tự nhiên người từ đâu cứ ầm ầm kéo đến. Trước tình hình đó, công an xã đã đến để làm rõ vấn đề. Với chức năng chuyên môn của mình, chúng tôi đã mời cô Đích ra xã làm việc và cô ta cũng thừa nhận đấy là hoạt động mê tín dị đoan thôi”.

Theo chúng tôi được biết, từ tháng 6/2008 đến nay, UBND và công an xã Tân Hưng đã mời bà Nguyễn Thị Đích đến làm bản kiểm điểm, ghi lời khai 3-4 lần, yêu cầu không được hoạt động mê tín dị đoan, nhưng sau đó, đâu lại vào đấy. “Cả lực lượng an ninh của huyện cũng vào cuộc với chúng tôi để giải quyết hoạt động bói toán, tụ tập đông người ở nhà cô Đích, đồng thời phối hợp với chính quyền thôn Cốc Lương làm “mạnh” đến nửa tháng, cấm tất cả các xe, cũng không cho người lạ đến tụ tập. Chúng tôi làm mạnh như vậy, cô ta tạm thời ngừng hoạt động một thời gian, nhưng sang đến năm 2009 lại tổ chức hoạt động trở lại. Cái khó của chúng tôi là thiếu một chế tài để xử lý những vụ việc như thế này”,
nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thu cho biết thêm: “Nhân dân địa phương chúng tôi từ nửa năm nay đã không
Ông Nguyễn Văn Thu, Chủ tịch UBND xã Tân Hưng
Ông Nguyễn Văn Thu, CT.UBND xã Tân Hưng
còn tán thành những việc của cô Đích này, nhất là từ khi những lời khai nhận của cô Đích được thâu âm và phát lên hệ thống phát thanh của xã, nhưng một bộ phận anh em họ hàng và một bộ phận ăn theo trong đường dây cò mồi chân gỗ vẫn bám lấy...”. Ngừng một lúc, ông bổ sung: “Cái khó nữa của chúng tôi là ngay Công an huyện cũng không thực sự vào cuộc sâu và cũng không có những định hướng dựa theo chính sách pháp luật để giúp xã trong việc xử lý sự việc dù chúng tôi đã đề xuất. Họ bảo việc này xử lý rất khó, thuộc thẩm quyền của xã. Mà chúng tôi thì đã làm hết khả năng của mình rồi”.

Phải chăng có cả một dây tổ chức, môi giới cho hoạt động của cô đồng Đích?

Trao đổi với chúng tôi, ông Đỗ Văn Nghị cho biết khi triển khai lực lượng để dẹp những hoạt động của bà Đích vào khoảng cuối năm 2008, Công an xã Tân Hưng đã tạm giữ một chiếc xe ô tô gắn biển xanh 80 B thường xuyên hiện diện trên địa bàn, mời lái xe ra lập biên bản; sau mới tìm hiểu ra cánh lái xe này như một bộ phận môi giới liên tỉnh, chuyên đi mời những người cả tin về. Chính quyền địa phương đã xử phạt và cấm chiếc xe này đến địa bàn. Theo điều tra cho thấy chiếc xe gắn biển xanh đó vốn thuộc sở hữu của Bộ Công an nhưng đã được thanh lý cho một công dân và đã bị lợi dụng để đi hành nghề tuyên truyền cho cô đồng Đích. Rất nhiều khách ở tỉnh xa được chính chiếc xe này đưa đến nhà cô đồng.
Bản tự kiểm điểm của cô đồng Đích gửi công an huyện Sóc Sơn, thừa nhận vi phạm pháp luật
Bản tự kiểm điểm của cô đồng Đích gửi công an huyện Sóc Sơn, thừa nhận vi phạm pháp luật

Còn đối với những hoạt động của cô Đích, cả ông Nguyễn Văn Thu và ông Đỗ Văn Nghị đều cho rằng chỉ có thể lập biên bản phạt hành chính chứ “xử lý mạnh hơn thì không có bằng chứng”. Ông Nghị cho biết thêm: “Chúng tôi cử anh em chuyên môn đến với máy quay, máy ảnh là cô ta im lặng ngay, người dân thì tản mát hết nên không thu được bằng chứng”. Nhóm PV làm phóng sự này đã “lưu ý” chính quyền xã rằng PV đã có trong tay đĩa ghi hình, băng ghi âm, hình ảnh... về hoạt động của Nguyễn Thị Đích và được ông Thu khẳng định: “Nếu có bằng chứng như thế thì chúng tôi xử lý được ngay”.

Chúng tôi lưu ý lãnh đạo địa phương về những chiếc xe ô tô đỗ ven đê lối rẽ vào nhà cô đồng Đích. Ông Đỗ Văn Nghị thừa nhận: “Ngày nào cũng có 3- 4 cái ô tô đỗ trên đê với cả trăm xe máy gửi trong ngõ như thế. Nhưng thực chất, những cái ô tô đó là những chiếc xe chuyên môn đưa đón người mê tín tới nhà bà Đích này. Hôm nay các anh chị thấy mấy cái xe đó, mai lại vẫn là mấy cái xe đó và tuần sau đến vẫn thế. Chúng tôi cho đây là hệ thống mê tín dị đoan có tổ chức chứ không đơn giản”.

Với hàng loại bằng chứng gồm cả băng ghi âm lời thừa nhận hành nghề mê tín dị đoan của bà Nguyễn Thị Đích, cả bản kiểm điểm, đã xử phạt hành chính từ năm 2008... song đến năm nay, hoạt động mê tín tại nhà của bà Đích ngày càng rầm rộ hơn, mà chính quyền địa phương vẫn cho rằng: “Việc xử lý triệt để là rất khó”. Để “quy tội” cho cô đồng Đích thì theo chính quyền xã “phải có người phát giác, tố cáo”. “Chức năng của công an xã chỉ là bảo đảm trật tự địa bàn, kiểm tra người lạ cư trú quá giờ hành chính. Giờ mình đến, họ có tụ tập đông người nhưng thấy mình họ ngồi im thì mình cũng không có căn cứ gì để xử lý”. Trước những câu hỏi của chúng tôi, ông Nghị phân trần: “Việc này phải đòi hỏi sự kết hợp giải quyết của các cấp chính quyền chứ những việc này nhiều khi cứ bị cho là của riêng công an. Nếu chỉ riêng lực lượng công an thì không thể nào giải quyết dứt điểm được những sự việc như thế này. Chức năng quyền hạn của công an xã thì rất hạn chế thôi. Anh em cũng đã hết cố gắng nhưng đúng là lực bất tòng tâm, nhiều lúc chán không buồn động đến. Bắt cô ấy thì không bắt được... Xử lý hành chính thì giải quyết được gì. Mỗi lần lập biên bản phạt mấy trăm nghìn, đáng là gì so với số tiền gia đình anh em cô ta kiếm được từ hoạt động của mình”.

Làng quê Cốc Lương vẫn phải chịu cảnh ồn ào mỗi ngày vì có hàng trăm người rầm rập kéo đến nhà cô đồng Đích xem bói, bắt ma... Còn chính quyền địa phương vẫn loay hoay với câu hỏi về các bằng chứng và chế tài xử lý...
Nhất Nguyên - Nguyễn Đăng


Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ