(GD&TĐ) - Trong một lần trò chuyện gần đây, liên quan đến ý kiến đề xuất một mức điểm sàn thấp hơn cho các trường NCL, NGƯT Nguyễn Thạc San - Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Công thương - nói với chúng tôi một câu gợi nhiều suy nghĩ: “Chúng ta không có lý gì nói rằng trường tư thuộc tốp dưới, còn trường công thuộc tốp trên. Tuy chưa phải là nhiều, nhưng tôi đã thấy một vài trường tư rất mạnh. Họ không mạnh về tầm nhìn, về sứ mạng thì họ cũng mạnh trong cung cách quản trị, đột phá về chương trình đào tạo”. Ngẫm lại, nhận xét đó là xác đáng. Ai bảo trường NCL là tốp dưới khi thực tiễn hệ thống đã có những trường đang mạnh mẽ vươn lên?
Khi trường NCL... chọn đầu vào
Trong bối cảnh nhiều trường NCL phải vất vả lắm mới tuyển đủ chỉ tiêu cho các mùa tuyển sinh, vẫn có không ít trường không chỉ tuyển đủ chỉ tiêu mà còn... lựa chọn đầu vào với điểm cao hơn. Thậm chí, nhiều ngành ở các trường này, tỷ lệ chọi còn gắt gao hơn nhiều trường công!
ĐH Văn Lang (TPHCM) là một ví dụ. Từ 2002 đến nay, trường luôn tuyển đủ và đúng chỉ tiêu của Bộ, với quy mô 11.000 SV. Trường đào tạo 18 ngành, trong đó có những ngành có điểm tuyển sinh tương đối cao. Năm 2012, ngành Thiết kế nội thất (26,5), ngành Thiết kế Đồ họa (24,5), ngành Kiến trúc (23.5) (các khối V, H môn vẽ nhân đôi), ngành Tài chính Ngân hàng (16.0), ngành Kế toán (15.0)… Đặc biệt ngành Công nghệ thông tin - Kỹ thuật Phần mềm, dù điểm tuyển ngang điểm sàn, nhưng một số thí sinh điểm cao (19.0) đã đăng ký vào học, do đánh giá cao uy tín của chương trình và chất lượng đào tạo của ngành này. Đây là ngành đào tạo theo chương trình của Carnegie Mellon University - trường ĐH xếp hạng số 1 của Mỹ trong lĩnh vực này.
Một góc phòng Lab, dành riêng cho SV CNTT của chương trình Trường ĐH Carnegie Mellon University |
Là trường ĐH dân lập (NCL) đầu tiên ra đời ở các tỉnh phía Nam, sau 20 năm xây dựng và phát triển, đến nay, ĐH Ngoại ngữ & Tin học TPHCM (HUFLIT) đã có 22 chuyên ngành đào tạo, số lượng tuyển sinh hằng năm luôn giữ vững trên 2000… Trên 95% trong số 13.640 SV tốt nghiệp của trường đều nhận được việc làm phù hợp và được các nhà tuyển dụng đánh giá cao. Ngoạn mục là, phần lớn các ngành của trường có điểm đầu vào đều vượt chuẩn của Bộ. Có những ngành luôn luôn bị… thừa SV như Quản trị kinh doanh, Du lịch khách sạn, Đông phương, Công nghệ thông tin…. Có thể nói các ngành của khoa Đông Phương của trường đào tạo hiện nay chất lượng không kém bên ĐH KHXH&NV, được các doanh nghiệp của Nhật Bản, Hàn Quốc ưng ý trong tuyển dụng. Phụ huynh và học sinh thích vào các ngành này vì… cuối khóa, doanh nghiệp thường có đơn đặt hàng nhân lực.
Thành lập từ năm 1991, đến nay đã hơn 20 năm hoạt động, ĐH Hoa Sen luôn được phụ huynh và xã hội xếp vào hạng các trường “top trên” khi mức điểm thi đầu vào hàng năm rất cao. Nhiều nhóm ngành đào tạo nhà trường còn vượt trội so với với các ĐH công như: Khách sạn - nhà hàng, Thí nghiệm Hóa - môi trường, Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất và Quản trị nhân lực với điểm chuẩn và tỉ lệ chọi cực cao. Quy mô đào tạo không ngừng mở rộng, đến nay trường đang đào tạo 39 chuyên ngành bậc ĐH-CĐ, và 5 ngành đào tạo hợp tác quốc tế, với quy mô hơn 30.000 sinh viên.
Từ chỗ chỉ có 2 khoa với 6 ngành nghề đào tạo trình độ đại học năm 1997, đến nay, Đại học Lạc Hồng đã có 11 khoa đào tạo 21 ngành nghề trình độ đại học, 4 ngành đào tạo sau đại học với quy mô hơn 24.000 sinh viên. Tuy là một trường NCL nhưng suốt 3 năm qua, ĐH Lạc Hồng đã khẳng định mình không phải trường “chiếu dưới” khi liên tiếp giành giải cao nhất của cuộc thi Sáng tạo Robocon Việt Nam và Châu Á - Thái Bình Dương. Trường không chỉ nổi trội với công tác đào tạo nhóm ngành về sức khỏe (dược sĩ), kỹ thuật (Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật hóa học) mà còn khẳng định thương hiệu đào tạo ở nhóm ngành cơ điện tử khi chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm luôn dư.
Ba mũi giáp công chiến lược
Vì sao, những trường NCL nói trên vẫn ung dung nguồn tuyển và phát triển mạnh mẽ, cho dù khó khăn vẫn rất nhiều? Câu trả lời nằm ở cách làm giáo dục và sáng tạo của từng đơn vị. Trong đó, ba mũi “giáp công” được các trường thực hiện nghiêm túc là: ổn định cơ sở vật chất, xây dựng đội ngũ chất lượng và kết nối mạnh mẽ với doanh nghiệp.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, loại hình trường ĐH, CĐ NCL là sản phẩm của tư duy đổi mới giáo dục đào tạo, ra đời từ năm 1988 và phát triển mạnh thành hệ thống các trường ĐH, CĐ NCL như hiện nay. Từ 45 trường ĐH, CĐ NCL năm 2006 đến năm 2012 là 82 trường. Sự lớn mạnh của các trường NCL đã chia sẻ gánh nặng đào tạo với các trường công lập, giảm thiểu chi phí đào tạo cho Nhà nước. Tính đến thời điểm hiện tại, Việt Nam đã có 81 trường ĐH, CĐ NCL với quy mô sinh viên chiếm 14,7% tổng số sinh viên cả nước, cung cấp hàng vạn lao động có trình độ ĐH, CĐ. So với thế giới, tỷ lệ này vẫn còn thấp. Tỷ lệ sinh viên ở các trường ngoài công lập trên thế giới khá cao, Hàn Quốc là trên 65%, Nhật Bản và Malaysia là hơn 50%... |
Với ĐH Văn Lang, ngôi trường sắp tròn tuổi 18, thành công được khẳng định từ một quan điểm rất đúng đắn trong đầu tư: Làm giáo dục là một quá trình lâu dài, phải “an cư lạc nghiệp”. Từ những cơ sở vật chất phải thuê mướn ban đầu, đến nay toàn bộ cơ sở vật chất của trường đều thuộc sở hữu của tập thể nhà trường. Trụ sở trường đặt tại Quận 1, trung tâm TPHCM, diện tích sàn xây dựng khoảng 10.000m2. Cơ sở 2 đặt tại quận Bình Thạnh, diện tích sàn xây dựng khoảng 11.344m2. Ký túc xá của trường (2.417m2) có 600 chỗ ở, ưu tiên phục vụ sinh viên năm thứ nhất. Hiện tại, nhà trường đầu tư giải tỏa, thu hồi xong khu đất rộng 5,8 ha tại quận Gò Vấp, ngày 9/3/2013 vừa qua đã khởi công dự án xây dựng khu trường mới. Cơ sở vật chất tốt đã trở thành sức hấp dẫn của trường, thu hút người học và giảng viên, cán bộ cơ hữu. Đó cũng là bài học đầu tư lâu dài, an cư lạc nghiệp của nhiều đơn vị khác như: ĐH Bình Dương, ĐH Thăng Long, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM…
Hầu hết các trường NCL đang vươn lên mạnh mẽ đều xây dựng cho mình một tỷ lệ GV cơ hữu ấn tượng, với những chính sách đầu tư thích đáng. HUFLIT có một tập thể sư phạm với 134 GV trong tổng số 224 CBVC của trường, với hơn 60% GV đạt trình độ từ thạc sĩ trở lên. NGƯT Huỳnh Thế Cuộc - Hiệu trưởng sáng lập trường Huflit - khẳng định: “Giáo dục không phải là chỗ kiếm tiền. Nếu muốn kiếm tiền thì đầu tư nhiều lĩnh vực khác lợi nhuận cao hơn. Đối với giáo dục, lãi lớn nhất là từ chất xám, từ con người. Hiện nay, 80% CB - GV cơ hữu của trường có bằng ThS trở lên. Trường khuyến khích CB - GV học lên tiến sĩ, được hưởng 100% lương và trợ cấp thêm 30 triệu đồng/bằng TS.”
Sinh viên Trường ĐH Văn Lang |
Trường ĐH Hoa Sen cũng có đội ngũ hùng mạnh với 338 GV cơ hữu (78,6% đạt Th.S trở lên) song hành đội ngũ GV thỉnh giảng lên tới 250 người. Hầu hết giảng viên thỉnh giảng được đào tạo hoặc đã tu nghiệp ở nước ngoài và hiện nay đang giảng dạy tại các trường đại học uy tín tại Thành phố Hồ Chí Minh. ĐH Bình Dương hiện có 360 GV cơ hữu, có 6 GS, 40 PGS, 52 TS, 130 ThS; ĐH Thăng Long có CB - GV cơ hữu với 155 người (12 GS; 5 PGS; 8 TS và 88 ThS); ĐH Văn Lang có hơn 480 người, trong đó cán bộ, giảng viên trẻ được đào tạo chính quy bài bản từ các nguồn trong và ngoài nước chiếm khoảng 65%...
Đó là những con số biết nói về yếu tố quyết định chất lượng đào tạo. TS Nguyễn Dũng - Hiệu trưởng ĐH Văn Lang - khẳng định: “Quan trọng nhất là đầu tư cho đội ngũ giảng viên, cán bộ của trường. Đây chính là nguồn lực cơ bản cho đảm bảo chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp và chương trình đào tạo, giúp nhà trường phát triển cân đối trong chiến lược đầu tư cho cơ sở vật chất và đầu tư cho con người”.
Cùng với ổn định cơ sở vật chất và đội ngũ, việc tận dụng quan hệ với doanh nghiệp để đổi mới chương trình, mở rộng thực tập, tận dụng trang thiết bị máy móc hiện đại và hỗ trợ đầu ra cho sinh viên tốt nghiệp là đường phát triển của các trường mạnh. Trường ĐH Lạc Hồng là một điển hình. Tính đến năm học 2011 – 2012, nhà trường đã ký kết được 558 thỏa thuận hợp tác đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực với các doanh nghiệp nghiên cứu nhiều đề tài có giá trị thực tiễn cao và cho ra đời các sản phẩm chuyển giao công nghệ thành công cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Nhờ gắn kết nhà trường với doanh nghiệp, Trường Đại học Lạc Hồng đã xây dựng một chương trình mềm dẻo, linh hoạt, trong đó tỷ lệ lý thuyết – thực hành là 6:4. Sắp tới trường sẽ dần điều chỉnh theo tỷ lệ 5:5 và chú trọng xây dựng chương trình đào tạo của các khoa theo đặc thù của địa phương. Ngoài ra sinh viên còn được thường xuyên đi tham quan các nhà máy, xí nghiệp để học hỏi và làm quen với môi trường tiên tiến. Nhà trường bố trí thời gian thực tập cho sinh viên là 5 tháng. Với thời gian đó, sinh viên không chỉ được học tập và rèn luyện bản thân trong môi trường công nghiệp mà còn có cơ hội để doanh nghiệp tìm hiểu, hướng dẫn và giúp các em hiểu về công việc tương lai.
Và sách lược độc đáo, hiệu quả
Bên cạnh việc chú trọng những vấn đề căn cơ, lâu dài, các trường còn kết hợp với sự tự chủ, khả năng lấy quyết định nhanh để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh góp phần tạo uy tín bền vững.
Sự chủ động, sáng tạo từ thực tiễn đã giúp các đơn vị mạnh vững vàng hơn trong khó khăn. Học phí minh bạch, không tăng trong suốt khóa học là một chính sách cốt lõi trong hệ thống chính sách chăm sóc người học của ĐH Văn Lang. Dù có những thời điểm hết sức khó khăn, nhà trường vẫn kiên quyết giữ vững chính sách học phí minh bạch: học phí công bố một lần từ đầu khóa, trước khi thí sinh đăng ký xét tuyển vào trường; học phí không tăng trong toàn khóa học 4 – 5 năm; ngoài học phí ra, sinh viên không phải đóng thêm bất kỳ khoản tiền nào khác. Chính sách học phí này được giữ vững từ năm 2002 đến nay, nhà trường thực hiện đúng cam kết, tạo sự yên tâm lớn cho thí sinh và gia đình.
Ở HUFLIT, để “An dân” đội ngũ, một chính sách thường niên cũng đã được nhà trường áp dụng là: nếu 2 anh/chị em trong một gia đình cùng học thì mỗi người được giảm 25% học phí. Năm học 2012 - 2013 toàn trường có 40 cặp được miễn giảm. Con CBNV-GV học tại trường được giảm 50% học phí. Ngoài hỗ trợ con em học phí, chính sách này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc kích thích đội ngũ giảng dạy chất lượng hơn, đào tạo sinh viên cũng như đào tạo con em mình.
Tại ĐH Hoa Sen, cấp học bổng khuyến khích học các ngành khó tuyển là một cách làm khá sáng tạo từ thực tiễn tuyển sinh. Các tiêu chí cấp học bổng (cho tất cả các ngành) được cải tiến qua nhiều lần để đạt sự ổn định từ 3, 4 năm trở lại đây vì đã cân bằng hợp lý giữa các yếu tố như học lực, động cơ học tập và hoàn cảnh gia đình; căn cứ vào kết quả học suốt 3 năm phổ thông, cấp trước khi thí sinh đi thi, chứ không chỉ phụ thuộc kết quả (ít nhiều may rủi) của kỳ thi tuyển sinh. Phụ huynh và thí sinh qua đó thấy rõ trường nỗ lực tạo công bằng cơ hội, không phải dùng “chiêu khuyến mãi”.
Năm 2012, 4 trường ĐH NCL khu vực ĐBSCL gồm ĐH Cửu Long, Tây Đô, Kinh tế Công nghiệp Long An, Võ Trường Toản với sáng kiến của Trường ĐH Cửu Long đã có sáng kiến thành lập “Liên kết Hội đồng các trường NCL khu vực ĐBSCL” để giúp đỡ nhau trong công tác: Kinh nghiệm lãnh đạo, đào tạo, sử dụng chung tài nguyên của nhau, giao lưu các trường… Bước đầu hoạt động liên kết đã có kết quả tốt. Đây được xem như giải pháp thiết thực nhằm hỗ trợ lẫn nhau trong vấn đề mở ngành, trao đổi kinh nghiệm, trao đổi giảng viên, nghiên cứu khoa học…
Cái khó ló cái khôn, những trường NCL đang vững vàng vươn lên đã thành công vì tôn trọng nguyên tắc trong đầu tư trong giáo dục và không ngừng sáng tạo, đổi mới trong thực tiễn...
Ông Lê Đức Vinh - Giám đốc Hành chánh - Nhân sự công ty sản xuất máy tính Fujitsu (Đồng Nai): Có niềm tin ở sinh viên ngoài công lập Tôi có niềm tin với chất lượng đào tạo sinh viên khối ngành kỹ thuật, công nghệ của các trường ĐH NCL. Đơn cử như Trường ĐH Lạc Hồng hay Bình Dương. Công ty tôi cũng có liên kết với một vài trường ĐH lớn trong hình thức Doanh nghiệp và Nhà trường cùng đào tạo nguồn nhân lực, nên tôi có thể nhận định, sinh viên hiện nay khá ổn. Dù các kỹ năng mềm, kỹ năng cơ bản trong công việc các em còn yếu, nhưng nhiều em dù học trường ĐH NCL ra nhưng tay nghề rất khá. Chuyện tuyển dụng sinh viên rồi phải đào tạo lại họ mới làm việc được là chuyện của ngày xưa rồi. Sinh viên ngày nay năng động và ham học hỏi, các em va chạm môi trường làm việc từ rất sớm nên những khái niệm về chuyện sinh viên NCL luôn “hổng” kiến thức không còn phù hợp. Bởi thực tế, chất lượng đào tạo của một vài trường ĐH NCL quanh khu vực cho thấy nguồn nhân lực của họ không đến nỗi quá tệ. |
Nhóm PV Giáo dục
Kỳ 3: Khủng hoảng do đâu?