Ku Rớt trên chuyến tàu hồi hương

GD&TĐ - Trên chuyến tàu hồi hương từ TP Hồ Chí Minh về quê Quảng Bình, người mẹ vượt cạn thành công nhờ sự giúp đỡ của các nhân viên phụ trách y tế. Đứa con trai kháu khỉnh chào đời được đặt cái tên Ku Rớt.

Những chuyến tàu đã đưa gần 3.000 công dân Quảng Bình hồi hương, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ.
Những chuyến tàu đã đưa gần 3.000 công dân Quảng Bình hồi hương, trong đó có nhiều phụ nữ mang thai, nuôi con nhỏ.

“Vượt cạn” trên tàu

“Hôm đó trời tối, khi tàu đang chạy thì tôi bắt đầu thấy đau bụng, một lúc sau thì chuyển dạ, thực sự lúc này tôi lo lắm. Thế nhưng cũng may là có các bác sĩ trên tàu hỗ trợ, động viên, giúp đỡ nên tôi đã hạ sinh cháu an toàn.

Đón con chào đời tôi mừng và hạnh phúc, nước mắt cứ chảy ra. Mọi người trên tàu đã động viên, chúc mừng 2 mẹ con. Đây là kỷ niệm đặc biệt và không bao giờ quên với mẹ con tôi…”.

Đó là những lời chia sẻ về hành trình “vượt cạn” khó có thể nào quên của chị Nguyễn Thị Nhâm (SN 1992), quê ở thôn Hà Thiệp, xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình). Chị Nhâm lấy chồng tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Vì tình hình dịch bệnh Covid-19 nên mãi đến những ngày gần sinh chị mới có thể trở về quê ngoại, trên chuyến tàu hỗ trợ công dân về quê của tỉnh Quảng Bình.

Chị Nhâm tâm sự, chị và chồng đều làm công nhân tại TPHCM sau nhiều năm tìm hiểu, đến năm 2017 thì anh chị tổ chức lễ cưới và tiếp tục ở lại đây làm việc. Hai người đã có một bé trai 3 tuổi và đang gửi nhờ bà ngoại ở Quảng Bình chăm sóc để yên tâm đi làm ăn.

Khi dịch bệnh hoành hành cũng là lúc chị Nhâm mang thai đứa con thứ 2. Vì dịch nên trong nhiều tháng qua cả 2 vợ chồng đều phải tạm ngừng việc. Cuộc sống quá đỗi khó khăn nên vợ chồng bàn nhau để chị Nhâm về quê vừa sinh con, vừa chăm sóc đứa con đầu lòng đã bao ngày xa bố mẹ.

Khi biết tin tỉnh Quảng Bình hỗ trợ công dân về quê bằng tàu hỏa, vợ chồng anh chị đã rất vui mừng. Anh Trương Quốc Tiến (SN 1993), chồng chị Nhâm đã nhanh chóng làm thủ tục cho vợ về quê, còn anh ở lại TPHCM để tiếp tục công việc.

Nước mắt anh Tiến đã rơi khi chở người vợ mang thai ra tàu về quê. Anh vẫn mong một điều, người vợ sẽ hoàn thành chuyến trở về của mình rồi sinh con ở quê nhà.

Niềm vui mang tên “Ku Rớt”

Hai mẹ con Ku Rớt được các bác sĩ hỗ trợ “vượt cạn” thành công, đã trở về quê an toàn.
Hai mẹ con Ku Rớt được các bác sĩ hỗ trợ “vượt cạn” thành công, đã trở về quê an toàn.

Trên chuyến tàu chở chị Nhâm và hơn 700 công dân Quảng Bình khác rời ga Sài Gòn vào sáng ngày 8/10, đến khoảng 20 giờ cùng ngày, khi tàu đến ga Tuy Hòa (Phú Yên) thì sản phụ Nhâm chuyển dạ. Nhóm trưởng phụ trách y tế tổ công tác tỉnh Quảng Bình trên tàu đã nhanh chóng hỗ trợ chị Nhâm sinh con an toàn ngay trên tàu.

Chị Nhâm cũng cho biết, ngày dự sinh của chị là 22/10, thế nhưng chị đã chuyển dạ và sinh con trước 10 ngày. Sau khi hạ sinh bé trai nặng 3kg và tàu về đến Bình Định, mẹ con chị Nhâm được đưa đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định chăm sóc 1 ngày 1 đêm. Sau đó, 2 mẹ con được đưa ra ga để lên chuyến tàu thứ 4 của tỉnh Quảng Bình, tiếp tục về quê.

Cũng theo chia sẻ của chị Nhâm, trước đây 2 vợ chồng có ý định đặt tên gọi ở nhà của cháu bé là “King”. Khi chào đời ngay trên chuyến tàu đặc biệt, các cô chú đã gọi cháu với cái tên là “Ku Rớt”. Vì thế, nên 2 vợ chồng cũng đã quyết định lấy cái tên với nhiều kỷ niệm này để gọi đứa con thứ 2.

“Không chỉ bản thân tôi mà với mọi người trong gia đình, lần “vượt cạn” này là quá đặc biệt và khó có thể nào quên. Sau này khi “Ku Rớt” lớn lên, tôi cũng sẽ kể cho cháu nghe về kỷ niệm ngày chào đời đặc biệt của con”, chị Nhâm tâm sự thêm.

Do đã tiêm 2 mũi vắc-xin nên khi về đến nhà, 2 mẹ con được tạo điều kiện cho cách ly tại nhà, mới đây khi test nhanh SARS-CoV-2, chị Nhâm cũng đã có kết quả âm tính. Sức khỏe của 2 mẹ con hiện đều ổn định.

Sau khi “mẹ tròn con vuông” và trở về quê an toàn, chị Nhâm đã gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo tỉnh Quảng Bình khi đã tạo điều kiện để chị và hàng ngàn công dân khác được trở về trong niềm hạnh phúc, bao bọc của quê hương. Và cảm ơn đến tổ công tác của tỉnh Quảng Bình, đội ngũ y tế, nhân viên đoàn tàu SE16 và mọi người đã hỗ trợ chị và cháu “Ku Rớt” an toàn trên suốt hành trình trở về quê.

Sau khi 4 chuyến tàu chở gần 3.000 công dân tỉnh xuất phát trở về quê, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình, ông Trần Thắng, cho biết, các địa phương trong tỉnh đã kích hoạt khu cách ly tập trung cấp huyện và mỗi xã có 1 điểm cách ly để đón công dân của mình về quê. Đặc biệt, trong quá trình cách ly y tế, các địa phương phải chú ý quan tâm đến đối tượng là phụ nữ mang thai, người già và trẻ nhỏ, nhất là về chế độ dinh dưỡng; sẵn sàng các giải pháp y tế nhằm giải quyết tốt các tình huống phát sinh và chủ động xây dựng phương án phòng, chống thiên tai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ