Vào những ngày giữa tháng 12, sau khi nhận được phản ánh của người dân về nạn phá rừng tại xã Đăk Ring (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum) chúng tôi có mặt tại đây để tìm hiểu về sự việc.
Sau khi vượt hơn 50km từ trung tâm huyện Kon Plông, chúng tôi đến thôn Ngọc Hoàng (xã Đăk Ring). Con đường mòn dẫn lên rừng thẳng đứng, sình lầy, nên chỉ có những chiếc xe độ chế mới có thể chạy lên được. Do đó, chúng tôi giấu xe ở bìa rừng rồi men theo con đường mòn tiếp cận khu rừng.
Sau khi đi khoảng 500m, chúng tôi phát hiện những cây rừng bị đốn hạ, nằm ngổn ngang trên nền đất. Cách đó không xa, có những thân cây gỗ với dấu vết cưa, xẻ còn rất mới. Những cây gỗ bị đốn vẫn còn rỉ nhựa, cành lá tươi xanh. Có lẽ “lâm tặc” vừa mới rời khỏi đây không lâu. Có những gốc cây to bằng hai người ôm bị đốn hạ và nằm ngổn ngang dưới những tán cây đổ rạp.
“Lâm tặc” ngang nhiên phá rừng khi chỉ cách tỉnh lộ 676 chưa đầy 1km. Ảnh: Dung Nguyễn |
Tại đây, chúng tôi nghe tiếng máy cưa, tiếng máy tời, kéo vang vọng cả khu rừng. Đi theo tiếng máy móc, chúng tôi tiếp cận được khu vực “lâm tặc” đang cưa, kéo. Vô số hộp gỗ có chiều dài hơn 2m, đường kính khoảng 30-50cm nằm chồng chéo lên nhau. Bên cạnh những hộp gỗ đã được xẻ vuông vức, đợi vận chuyển ra khỏi rừng thì có thêm hàng trăm tấm ván đã được cưa, xẻ đợi có cơ hội “tuồn” ra ngoài.
Khi thấy có người lạ, người đàn ông dừng việc cưa và tời gỗ của mình rồi tỏ vẻ dò xét, nghi ngờ. Sau đó, người này ra hiệu cho 2 thanh niên ở dưới ngưng “xẻ thịt rừng”. Máy cưa và máy tời gỗ, can xăng cũng được nhóm “lâm tặc” này thu gom, nhanh chóng vận chuyển ra khỏi rừng. Điều đáng nói, nhóm “lâm tặc” này hoạt động ngay con đường mòn, chỉ cách đường tỉnh lộ 676 khoảng 1km.
Những cây gỗ cũ có, mới có bị lâm tặc đốn hạ nằm ngổn ngang. Ảnh: Dung Nguyễn |
Để tránh bị nghi ngờ, chúng tôi tiếp tục đi thẳng vào rừng với lý do tìm lan. Tuy nhiên người đàn ông lúc nãy vẫn theo sát để xem hành động của chúng tôi. Sau một hồi băng qua những tán cây rừng rậm rạp, chúng tôi mới tạm thoát khỏi tầm mắt của “lâm tặc”.
Những bãi tập kết gỗ ở gần đỉnh rừng và ở bìa suối tiếp tục được chúng tôi phát hiện. Dấu vết cũ có, mới có với những “tàn tích” của “lâm tặc” còn sót lại. Khu vực phía bên kia suối cũng chằng chịt cây rừng bị đốn hạ. Những dấu vết kéo gỗ, mùn cưa, đường xương cá mà “lâm tặc” phóng gỗ xuống còn rất mới.
Tuy nhiên khi chúng tôi đang thu thập hình ảnh thì bất chợt “lâm tặc” lại xuất hiện. Lúc này do trời tối, lại lo sợ tính mạng bị đe dọa nên chúng tôi rời khỏi rừng. “Lâm tặc” vẫn không rời mắt và đi theo chúng tôi đến tận làng chân cửa rừng.
(Còn nữa)