Kon Tum: Chính quyền, giáo viên chung tay làm cầu tạm để học sinh đến trường

GD&TĐ - Mố cầu bị bão đánh sập, chính quyền địa phương cùng giáo viên xã Mường Hoong đã làm cầu tạm giúp cho người dân, đặc biệt là các em học sinh thuận lợi khi qua suối đến trường.

Học sinh xã Mường Hoong đến trường trên cây cầu tạm.
Học sinh xã Mường Hoong đến trường trên cây cầu tạm.

Thời gian qua do ảnh hưởng của dải hội tụ nhiệt đới nên tỉnh Kon Tum có mưa lớn kéo dài. Mưa to, gió lớn khiến nhiều tuyến đường, cây cầu trên địa bàn tỉnh bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng.

Đặc biệt, tại xã Mường Hoong (huyện Đăk Glei, Kon Tum) mưa bão đã cuốn trôi mố, một phần thành cầu ở thôn Đăk Rế dẫn vào Trường Tiểu học xã Mường Hoong. Cây cầu này, hàng ngày có khoảng 200 học sinh đi qua để đến trường học con chữ. Sau khi cầu bị hư hỏng, 2 thầy giáo của Trường Tiểu học xã Mường Hoong luôn túc trực để hỗ trợ, bế học sinh qua suối đến lớp học.

Tuy nhiên, việc bế học sinh qua suối chỉ là phương án tạm thời. Do đó, chính quyền xã Mường Hoong đã chặt tre, xin ván cùng thầy cô giáo làm cầu tạm đảm bảo an toàn cho người dân và học sinh khi di chuyển qua lại.

Lực lượng chức năng xã Mường Hoong làm cây cầu tạm để người dân và học sinh an toàn khi di chuyển qua lại.
Lực lượng chức năng xã Mường Hoong làm cây cầu tạm để người dân và học sinh an toàn khi di chuyển qua lại.

Ông Lê Bá Thế, Chủ tịch UBND xã Mường Hoong cho biết, việc cây cầu bắc qua suối Đăk Môm bị sạt mố cầu gây khó khăn trong việc đi lại của người dân. Bên cạnh đó, chi phí khắc phục, sửa chữa không nhỏ nên đơn vị đã báo cáo lên hội đồng đánh giá hiện trạng của huyện. Sau khi có biên bản đánh giá hiện trạng, đơn vị sẽ báo cáo, đề xuất lên UBND huyện để có phương án xử lý, khắc phục.

Giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Hoong hỗ trợ lực lượng chức năng làm cầu tạm.
Giáo viên Trường Tiểu học xã Mường Hoong hỗ trợ lực lượng chức năng làm cầu tạm.

Theo vị chủ tịch xã, trong thời gian đợi cây cầu được sửa chữa, địa phương đã huy động lực lượng chặt tre, xin ván làm cầu tạm cho người dân và học sinh đi lại. Cây cầu tạm có chiều rộng 1,2m và chiều dài là 9m. Để đảm bảo an toàn cho học sinh, lực lượng chức năng sử dụng tre, lồ ô để làm thành cầu.

Tuy nhiên, theo ông Thế vào những ngày mưa nước dâng cao, chảy siết nên địa phương sẽ cử lực lượng túc trực để hỗ trợ, đảm bảo an toàn cho học sinh khi di chuyển qua lại.

"Để đảm bảo an toàn trong những ngày mưa bão, đơn vị sẽ dùng thanh sắt chằng lại chân cầu tạm, tránh cho nước lũ cuốn trôi. Ngoài ra, địa phương cũng mong muốn cây cầu sẽ sớm được khắc phục để người dân, đặc biệt là học sinh yên tâm khi di chuyển qua lại", ông Thế nói.

Trước khi có cầu tạm giáo viên bế học sinh vượt suối đến trường.
Trước khi có cầu tạm giáo viên bế học sinh vượt suối đến trường.

Thầy A Hao, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Mường Hoong cho biết, những ngày qua khi cây cầu tạm được hoàn thiện thì đảm bảo cho việc đi lại của người dân và khoảng 200 em học sinh. Tuy nhiên, cây cầu này chỉ dùng để đi lại tạm thời chứ không thể sử dụng lâu dài, đặc biệt vào những ngày mưa bão.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

Tỏa sáng tài năng học sinh Chu Văn An

GD&TĐ - Trong hai tháng thi đua chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, học sinh Trường THPT Chu Văn An đã tổ chức sự kiện Sparkling Chu Văn An 2024.