Km số 0 Hà Nội “thức tỉnh” sau 10 năm đề xuất

Km số 0 Hà Nội “thức tỉnh” sau 10 năm đề xuất

Đề xuất bị quên lãng

UBND quận Hoàn Kiếm đang nghiên cứu, xem xét, phát triển Dự án xây dựng cột mốc Km số 0 ở khu vực không gian đi bộ quanh bờ Hồ Gươm. Trong đó, Km số 0 là một trong những phần việc thuộc dự án chỉnh trang Hồ Gươm và sẽ là công trình mang tính điểm nhấn quan trọng với phương án kiến trúc phù hợp với Thủ đô.

Từ năm 2009, PGS Hà Đình Đức - nguyên Giảng viên Trường ĐH Khoa học tự nhiên đã có tờ trình lên lãnh đạo TP Hà Nội về việc xây dựng “Hà Nội - Km 0”.

Sau khi nhận được đề xuất của PGS Hà Đình Đức, UBND TP Hà Nội đã tổ chức nhiều cuộc họp, hội thảo để lấy ý kiến sâu rộng trong các cơ quan, các nhà sử học và chuyên môn. Hầu hết các ý kiến trong thời điểm đó đều đồng tình với đề xuất Hà Nội cần có một cột mốc số 0 là biểu tượng cho Thủ đô và quốc gia, giống như nhiều nước trên thế giới đã thực hiện từ hàng trăm năm trước.

Tuy nhiên, vào năm 2010 diễn ra Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, đề xuất cột mốc số 0 đã không được dựng do không đủ thời gian. Đến năm 2012, PGS Hà Đình Đức lại có tờ trình về việc này và nhấn mạnh: Từ năm 1991, tôi đã dành nhiều thời gian và tâm sức nghiên cứu bảo vệ Rùa Hồ Gươm và không gian văn hoá Hồ Gươm… Nay một lần nữa, tôi kính đề nghị các ông, bà xem xét chấp thuận ý tưởng.

Trong suốt thời gian hơn 10 năm rơi vào quên lãng, đầu tháng 4/2020, trong buổi làm việc với quận Hoàn Kiếm, Bí Thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ lưu ý quận về việc triển khai Km số 0 và xem đây như là việc làm tăng cường hiệu quả không gian đi bộ, phát triển du lịch khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận.

Sau đó, UBND quận Hoàn Kiếm đã nhận được một số ý kiến của chuyên gia và nhà sử học xung quanh phương án đặt cột mốc Km số 0.

2 vị trí dựng cột mốc

PGS Hà Đình Đức đề xuất ý tưởng xây dựng cột mốc Km số 0 Hà Nội tại vườn hoa Hàng Khay - Tràng Tiền vào năm 2009 với ý tưởng sẽ làm cột mốc bằng đá có hình giống cột mốc biên giới. Tuy nhiên, sau nhiều nghiên cứu tìm hiểu và trao đổi với các nhà khoa học, ông Đức chia sẻ, cột mốc nên làm nhỏ gọn, có chiều cao khoảng 1m bằng vật liệu đá hoa cương, phía trên có khắc chữ “Cột mốc số 0”.

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, quận nhận được nhiều ý kiến góp ý về việc xác định vị trí cụ thể, cũng như thiết kế cột mốc Km số 0 của Hà Nội. Theo đó, nhiều ý kiến cho rằng, có thể đặt cột mốc tại vị trí trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hướng về Hồ Gươm, sát đường Đinh Tiên Hoàng.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng – ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, Hồ Gươm là trung tâm Thủ đô nên vị trí này được tính là Km 0 của Hà Nội.

“Trên thế giới, điểm trung tâm chính xác nhất của mỗi thành phố là tòa nhà bưu điện. Vì vậy, chúng ta có thể coi tòa nhà Bưu điện Hà Nội tại Bờ Hồ là điểm mốc của Km số 0”, ông Chính nhấn mạnh.

Nếu theo mặc định đó, vị trí xây dựng cột mốc Km số 0 sẽ ở phía trước tòa nhà Bưu điện Hà Nội. Tuy nhiên, ông Trần Ngọc Chính lựa chọn vị trí xây dựng sát cạnh nhà Bưu điện là quảng trường Lý Thái Tổ. Cụ thể vị trí đặt Km 0 là phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ hướng ra hồ Gươm, sát đường Đinh Tiên Hoàng.

Ở vị trí này, theo phân tích của một số chuyên gia thì rất thích hợp bởi nằm cạnh bưu điện. Nó có sẵn khoảng sân rộng thuận tiện cho du khách đến tham quan, chụp ảnh. Thậm chí, chụp ảnh ở vị trí này sẽ nhìn thấy được tượng đài vua Lý Thái Tổ, khung cảnh Hồ Gươm và Tháp Rùa… thuận lợi cho việc quảng bá hình ảnh Hà Nội và lịch sử Thăng Long.

Ông Dương Trung Quốc, Tổng Thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cũng đồng ý với quan điểm lựa chọn vị trí Km số 0 tại Toà nhà thị chính hoặc Bưu điện. Tuy nhiên, cách tính của ông Quốc tỉ mỉ hơn. Đó là kẻ một đường trục từ Toà Thị chính, nay là UBND TP Hà Nội kéo thẳng sang cửa Bưu điện Hà Nội cũ làm trục ngang. Kẻ một đường từ chân tượng đài vua Lý Thái Tổ ra giữa Hồ Gươm gần Tháp Rùa làm trục dọc. Giao điểm của 2 trục chính là cột mốc số 0.

Một số nhà khoa học nêu ý kiến cho rằng, vị trí đặt cột mốc rất quan trọng nhưng vật liệu cũng như mô hình cột mốc quan trọng không kém. Có người cho rằng nên dùng đá hoa cương hoặc các loại đá quý của Việt Nam để chế tác. Cũng có nhà nghiên cứu khuyên nên dùng chất liệu đồng để thực hiện tác phẩm.

Về hình thái tác phẩm cột mốc, một số chuyên gia đưa ra ý kiến dựa vào tác phẩm trống đồng Đông Sơn tiêu biểu cho Văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ. Theo ý tưởng này, điểm mốc có đường kính khoảng 1m, trang trí họa tiết của trống đồng, ghi thông tin, tọa độ…

Ý tưởng khác cho biết nên áp dụng nghệ thuật Mosaic ghép mảnh hoặc khảm. Ý tưởng dùng Mosaic nhằm tạo ra hình ảnh từ tập hợp gồm những mảnh nhỏ của vật liệu đặt lại với nhau để tạo ra một tổng thể thống nhất. Các mảnh nhỏ này là các vật chất rắn, phẳng như thủy tinh màu, đá, gạch, kính...

Đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, cho biết: Sau khi nghiên cứu, khảo sát và lấy ý kiến các nhà khoa học, các nhà chuyên môn, bước đầu quận tạm thống nhất chọn 2 địa điểm: Thứ nhất là khuôn viên Bờ Hồ phía góc đường Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay. Thứ hai là vị trí phía trước tượng đài vua Lý Thái Tổ đường Đinh Tiên Hoàng.

Ông Trịnh Hoàng Tùng, Giám đốc Ban Quản lý dự án quận Hoàn Kiếm cho biết, sau khi chốt được 2 địa điểm trên, bước tiếp theo quận sẽ xây dựng phương án thiết kế cột mốc. Sau đó sẽ đưa ra lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học và tổ chức cuộc thi thiết kế cột mốc vào tháng 6 tới đây.

KTS Nguyễn Trực Luyện - nguyên Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam gợi ý: Cột mốc đặt tại Bờ Hồ Gươm có không gian khá hẹp nên phải tính mức độ chiều cao phù hợp với khung cảnh xung quanh. Để thuận lợi “điểm nhìn” cũng như trong việc chụp ảnh của du khách thì chiều cao của cột mốc không nên quá đầu người lớn, chỉ khoảng 1,5m là hợp lý.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Thủ môn Quan Văn Chuẩn thận trọng trước trận gặp U23 Iraq.

U23 Việt Nam 'đọc vị' U23 Iraq

GD&TĐ - Trước trận so tài với U23 Iraq ở tứ kết U23 châu Á, thủ môn đội trưởng U23 Việt Nam Quan Văn Chuẩn tỏ ra khá thận trọng.