Kỳ 2. Dự án bom nguyên tử Anh
(GD&TĐ) - Ngoài Klaus Emil Fuchs, các điệp viên từng đánh cắp bí mật bom nguyên tử còn có Allan Nunn May, David Greenglass, vợ chồng Julius và Ethel Rosenberg, nhưng Fuchs vẫn là người đóng vai trò quan trọng nhất trong lịch sử chế tạo bom nguyên tử. Ngay cả những điệp viên ngầm làm việc tại ĐH Cambrige như Philby, Burgess, Maclean và Blunt cũng không gây những tổn thất lớn cho Anh và Mỹ như Fuchs. Winston Churchill từng phát biểu về Fuchs như «một phép màu được gói ghém trong một bí mật».
->> Kỳ 1. Quả bom nguyên tử đầu tiên
![]() |
Klaus Fuchs |
Năm 1940, 5 năm trước cuộc gặp định mệnh ở Santa Fe, từ một lán trại giam giữ, Klaus Fuchs nhìn ra khung cảnh hoang vắng của Canada. Khi đó, Chính phủ Anh nhìn nhận những người Đức sinh sống ở Anh như những mối đe dọa tiềm tàng đến an ninh quốc gia, và Klaus trở thành nạn nhân của quan điểm này. Hết giờ này sang giờ khác, Klaus Fuchs bước dọc theo bức rào cao 2,5m, rồi quay lại lán trại bằng gỗ nằm đọc sách. Những cuốn sách mà anh lựa chọn gồm sách khoa học của Heisenberg, Einstein và Bohr; ngoài ra còn sách của Marx và Engels – những lãnh tụ Cộng sản lớn.
Cuộc sống của Klaus Fuchs cứ thế trôi qua trong những giờ đi dạo nghiền ngẫm và đọc sách, không có bất kỳ mối liên lạc nào với thế giới bên ngoài. Đó cũng chính là thời gian bắt đầu cuộc chiến nước Anh. Thành phố Coventry, cách Trường đại học Birmingham mà Fuchs theo học không xa, đã bị phá hủy bởi bom của phát xít Đức. Ngôi nhà thờ cổ kính nơi này chỉ còn lại vài bức tượng trơ trụi như bộ xương khô.
Nhiều tháng trôi qua. Nếu không nhờ có món quà là những tờ báo khoa học từ Isaac Halperin - người Fuchs chưa từng gặp mặt, có lẽ Fuchs đã phát điên, hoặc tự tử như một vài người cùng cảnh. Dù sao đi nữa, các nhà chức trách Canada cũng khá “nhân từ” khi cung cấp thuốc lá cho những người bị giam cầm, và Fuchs hút không ngừng nghỉ.
Tháng 12/1940, Fuchs bất ngờ được trả tự do. Những người Đức bị giam giữ ở Canada, nhiều người trong số đó có học vấn cao, sẽ được trở lại nước Anh. Sau 9 tháng bị giam giữ, cuối cùng nhà vật lý lý thuyết Klaus Fuchs đã được trở về với thế giới khoa học xiết bao thân thuộc của mình. Fuchs trở lại Birmingham, trở thành một người thân đáng tin cậy của những người bạn Anh và nước Anh. Tháng 5/1941, anh bắt đầu quay lại nghiên cứu vật lý lý thuyết, với một dự án có cái tên khá lạ lùng: “Những hợp kim ống”. Dự án này thực chất là một dự án bom nguyên tử của Anh.
Fuchs rất vui khi được làm việc với những người thân thiết của mình: Thầy giáo cũ Rudolph Peierls và Michael Perrin - Trợ lý giám đốc Dự án. Ngoài những giờ làm việc đầy hứng khởi, thỉnh thoảng họ thư giãn với những điệu nhảy, rượu whisky. Nếu không có cuộc chiến, thì với Fuchs, cuộc sống quả là hoàn hảo. Dù vậy, có một điều mà Fuchs không thể hiểu, đó là vì sao các nước Anh, Mỹ và Canada sẵn sàng chia sẻ với những thông tin về thứ vũ khí có sức mạnh khủng khiếp này, nhưng họ loại ra một đồng minh khác của mình, đó là Liên Xô. Qua sách vở, anh cũng đọc được về sự ưu việt của chế độ cộng sản. Fuchs yêu quý những người bạn Anh, nhưng lại tin rằng những người đồng chí Liên Xô anh chưa từng gặp gỡ mới là những người đang phấn đấu cho một thế giới tốt đẹp hơn.
(Còn tiếp)
Kiều Phong