Toàn cảnh miền Trung tan hoang sau bão số 9

GD&TĐ - Bão số 9 đã xâm nhập vào đất liền và càn quét qua địa bàn của các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định gây nên những thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản.

Bão số 9 tàn phá ở Quảng Nam.
Bão số 9 tàn phá ở Quảng Nam.

56.163 nhà bị tốc mái

Nhiều nhà máy thủy điện xả lũ với lưu lượng lớn, nên nguy cơ ngập lụt đang đe dọa rất nhiều địa phương… Ngoài vụ sạt đất hết sức nghiêm trọng làm mất tích 45 người ở xã Trà Leng và 8 người ở xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, bão số 9 còn làm một người chết, hai người bị thương. Làm 34 nhà sập, 56.163 nhà tốc mái. 31 trụ sở cơ quan và 35 điểm trường bị tốc mái, hư hỏng.

Tại thành phố Đà Nẵng, bão số 9 với mưa lớn và gió giật mạnh đã khiến nhiều cây cối, trong đó có những cây lâu năm trên địa bàn thành phố ngã đổ, nhiều tường rào và công trình hư hại, hệ thống điện bị ảnh hưởng...

Theo ghi nhận của PV Báo Giáo dục & Thời đại, ngay sau khi bão đi qua, lực lượng chức năng gồm cảnh sát Phòng cháy chữa cháy, chính quyền các phường trên địa bàn... đã ra quân xử lý cây ngã đổ, bảo đảm việc lưu thông trên các tuyến đường.

Theo đó, nhiều tuyến đường trung tâm thành phố Đà Nẵng đã tạm thời bị gián đoạn việc lưu thông do cây to chắn ngang đường, như Lý Thường Kiệt, Phan Đình Phùng, Lê Lợi, Nguyễn Du, Bạch Đằng, Phan Bội Châu, Lê Duẩn...

Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn thành phố Đà Nẵng, tính đến 15 giờ 30 ngày 28/10, đã xác định được 254 cây xanh bị nghiêng, ngã đổ. Trong đó số cây do Sở Xây dựng quản lý là 20 cây; cây xanh do quận, huyện quản lý là 234 cây (Thanh Khê: 104 cây; Sơn Trà: 24 cây; Cẩm Lệ: 1 cây, Hải Châu: 105 cây).

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn lúc nửa đêm 28/10.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng họp khẩn lúc nửa đêm 28/10.

Bên cạnh đó, bão làm một số nhà dân, nhà thờ tộc bị tốc mái, bay tôn (tại đường Nguyễn Tất Thành, Trưng Nữ Vương và một số khu vực).

Tổng số vụ đã sa thải điện do bão số 9 là 61 vụ, trong đó đã khôi phục 10 vụ. Tổng số trạm biến áp đã sa thải là 2.699 trạm, trong đó đã khôi phục 437 trạm. Tổng số khách hàng bị mất điện là 241.350 khách hàng, trong đó đã khôi phục điện cho 45.967 khách hàng.

Ngoài ra, gió lớn làm tôn bay vào đường dây 110kV tại 1 vị trí; đứt dây 4 xuất tuyến trung thế 22kV; hỏng 1 máy cắt trung thế 22kV; làm ngã đổ 3 cột bê-tông ly tâm hạ thế. Hiện một số khu vực trên địa bàn thành phố vẫn còn mất điện.

Đối với ngành Giáo dục & Đào tạo thành phố Đà Nẵng, có 28 cây xanh bị ngã đổ; sụp 5m tường rào (Trường THPT Cẩm Lệ: 2m và Trường mầm non Cẩm Tú, quận Thanh Khê: 3m). Tại Trường tiểu học Trần Cao Vân, quận Thanh Khê (cơ sở 1), đường Lê Duẩn bị đổ 10m lam tường lan can trên tầng mái. Tại Trường THPT Nguyễn Trãi có 8 phòng học, 1 phòng bộ môn, phòng để đồ dùng dạy học các môn Sử - Địa, 1 phòng Lab bị thấm, dột nặng; 1 cánh cổng phụ bị ngã.

Một số đơn vị, trường học bị tốc mái tôn, rớt la phông như Trường tiểu học Ngô Mây (quận Sơn Trà); Trường tiểu học Hà Huy Tập, Trường tiểu học An Khê (quận Thanh Khê); Trường tiểu học Trần Thị Lý, Trường mầm non Ngọc Lan, Trường mầm non Dạ Lan Hương (nhà xe) thuộc quận Hải Châu. Tại Trường tiểu học Phù Đổng (quận Hải Châu), một dãy phòng học phía Nam bị tốc mái tôn, gãy đổ trần.

Cây xanh ngã đổ ở Đà Nẵng.
Cây xanh ngã đổ ở Đà Nẵng.

Sạt lở nghiêm trọng, hàng chục người mất tích

Tại cuộc họp về việc ứng phó, khắc phục hậu quả bão số 9 chiều 28/10, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ cho phép cho người dân trở về từ nơi sơ tán khi có chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố. Nhanh chóng thống kê thiệt hại, xác định nhu cầu cứu trợ;

Thông báo cho UBND các xã, phường tuyên truyền hướng dẫn người dân không được chủ quan, hạn chế trường hợp bị tai nạn trong lúc dọn dẹp vệ sinh và đi lại trên các đường phố sau bão…

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, bão số 9 đã tàn phá gây hư hại hàng loạt công trình, nhà dân với thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 1.000 tỷ đồng.

Theo báo cáo mới nhất của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh vào tối 28/10, hiện nay, ngoài vụ sạt lở đất đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn huyện Nam Trà My làm 53 người mất tích.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có 1 người dân tử vong, 2 người mất tích trong một vụ sạt lở núi ở huyện Phước Sơn là anh Hồ Văn Độ (Phó Bí thư xã đoàn) và anh Hồ Văn Sợ (cán bộ dân vận xã Phước Lộc) bị sạt lở vùi lấp.

Hiện nay, chính quyền địa phương vẫn chưa thể triển khai lực lượng tìm kiếm do khu vực hai cán bộ gặp nạn đang có mưa, đường đến hiện trường nhiều điểm bị sạt lở…ngoài ra trên địa bàn tỉnh còn có 5 người khác bị thương.

Tất cả các địa phương ven biển đều có nhà bị hư hại rất lớn, tuy nhiên do hiện nay hệ thống thông tin liên lạc, điện chưa được khắc phục nên chưa thể thống kê cụ thể số lượng.

Ngoài ra, tại huyện Phước Sơn có 13 nhà bị sạt lở vùi lấp, 14 nhà tốc mái. Bắc Trà My và Nam Trà My cũng xảy ra tình trạng tốc mái ở 16 nhà dân, rất nhiều công trình trường học, công tình công cộng, cơ sở kinh doanh bị hư hỏng.

Bão số 9 gây tan hoang trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Bão số 9 gây tan hoang trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Hệ thống cây xanh ngã đổ do bão khá lớn, hiện chưa thể thống kê cụ thể. Bão số 9 cũng làm các tuyến quốc lộ, ĐT, ĐH, ĐX... sạt lở tại nhiều vị trí gây ách tắc giao thông.

Bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) tiếp tục bị sạt lở khoảng 2.500m. Hệ thống đê ngăn mặn ven biển bị sạt lở, hư hỏng nặng tại nhiều vị trí, gây ảnh hưởng đến khả năng ngăn mặn, sản xuất nông nghiệp của các địa phương ven biển.

Có 3 tàu cá ở xã Tam Hải (Núi Thành) bị chìm. Ngoài ra còn có nhiều thiệt hại về dân sinh, kết cấu hạ tầng kỹ thuật... chưa được kiểm tra, đánh giá, tổng hợp. Ước thiệt hại sơ bộ khoảng 1.000 tỷ đồng.

UBND tỉnh Quảng Nam đã chỉ đạo Sở Giao thông vận tải, Công ty Điện lực Quảng Nam, các doanh nghiệp viễn thông khẩn trương tổ chức khắc phục hệ thống điện, hệ thống viễn thông, đảm bảo giao thông bước 1 để đảm bảo phục vụ dân sinh.

Chính quyền địa phương, các hội đoàn thể và lực lượng vũ trang tập trung khắc phục thiệt hại về dân sinh để sớm ổn định đời sống nhân dân.

Toàn cảnh miền Trung tan hoang sau bão số 9 ảnh 4

Một sự cố đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra vào đêm 28/10, tại thôn 1 (xã Trà Leng, huyện Nam Trà My, Quảng Nam) sạt lở đất vùi lấp 45 người, 4 người thoát nạn. Tại thôn 1 (xã Trà Vân) có 8 người bị vùi lấp.

Khuya cùng ngày, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã làm việc với lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Quân khu 5. Tại đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đồng ý thành lập Sở Chỉ huy tiền phương để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh chỉ đạo.

Theo đó, thống nhất thành lập 3 sở chỉ huy gồm: Sở chỉ huy chính đặt tại Bắc Trà My và 2 sở chỉ huy trực tiếp tại hiện trường ở xã Trà Leng và xã Trà Vân (Nam Trà My).

Phó Thủ tướng yêu cầu Quảng Nam cần đặc biệt tập trung ứng phó với mưa lũ và sạt lở đất, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, đột xuất của tỉnh, của các lực lượng trên địa bàn. Rà soát các vị trí nguy hiểm để sơ tán dân.

Cũng trong tối 28/10, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có Công điện khẩn gửi Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Tư lệnh Quân khu 5, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu phối hợp với các lực lượng liên quan tập trung bằng mọi biện pháp cần thiết để khẩn trương cứu hộ, cứu nạn những người bị vùi lấp, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Vào 3 giờ sáng nay (29/10), Trung đoàn 885 (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Nam), Lữ đoàn Công binh 270 (Quân khu 5) sẽ chuẩn bị quân số, 1 máy đào, 1 máy xúc lật, máy phát điện nhỏ, cưa máy, cuốc, xẻng…cơ động lên hiện trường.

Toàn cảnh miền Trung tan hoang sau bão số 9 ảnh 5

Đồng thời, Ban Chỉ huy Quân sự huyện Nam Trà My trinh sát đường vào hiện trường sạt lở; lực lượng công binh sẽ tiến hành mở đường khẩn cấp. Trung đoàn 143 (Sư đoàn 315, Quân khu 5) cũng sẵn sàng trạng thái chiến đấu, cơ động khi cần thiết.

Lực lượng trinh sát cũng xác định địa hình, địa chất để sở chỉ huy đưa ra các phương án tìm kiếm hiệu quả, an toàn nhất. Công tác y tế được chuẩn bị chu đáo, có thể trưng dụng Trung tâm Y tế Nam Trà My để phục vụ khi cần thiết.

Trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, sau khi quần thảo nhiều giờ trên đảo Lý Sơn với sức gió cấp 11, giật cấp 13, bão số 9 đổ bộ vào đất liền các huyện ven biển tỉnh Quảng Ngãi với sức gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 12, 13 khiến nhiều địa phương trong tỉnh bị thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê sơ bộ, toàn tỉnh có chín ngôi nhà bị sập đổ, hơn 53.390 ngôi nhà bị tốc mái, một trụ BTS Vinaphone ở xã Phổ Khánh, huyện Ðức Phổ bị ngã đổ; 31 trụ sở cơ quan, 28 trường học và hai chợ bị tốc mái, hư hỏng.

Sáng 28/10, trước tình hình gió to, mưa lớn, cộng với việc các hồ thủy điện điều tiết lũ khiến nước các sông, suối dâng cao gây nguy cơ ngập úng ở vùng trũng và sạt lở núi, huyện miền núi Sơn Hà (Quảng Ngãi) khẩn trương di dời, sơ tán 30 hộ dân tại khu tái định cư Nước Nia, thị trấn Di Lăng đến nơi ở an toàn.

Ngoài ra, nhiều tuyến đường huyết mạch trên địa bàn huyện Sơn Hà như: Sơn Giang - Sơn Linh; cầu Thạch Nham; cầu Sơn Kỳ và cầu Sông Rin bị nước lũ phong tỏa.

Ngay sau bão số 9 đi qua, lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi đã xuống cơ sở kiểm tra và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả. Các địa phương, đơn vị chủ động huy động lực lượng, phương tiện thu dọn cây xanh ngã đổ để bảo đảm giao thông được thông suốt, khắc phục hệ thống điện sớm cung cấp điện sinh hoạt cho người dân. 

Tại tỉnh Bình Định, Theo báo cáo nhanh của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, đến chiều 28/10, bão số 9 đã làm 5 người ở TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, TX Hoài Nhơn và huyện Phù Mỹ bị thương.

Bão đã làm 24 ngôi nhà dân tại TP Quy Nhơn, TX An Nhơn, Phù Mỹ, Tuy Phước bị sập đổ; 2.820 ngôi nhà bị tốc mái, 741 nhà ngập nước. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 2.867 ha cây hoa màu bị hư hỏng; 2 tàu cá bị chìm; cầu cảng Đề Gi, huyện Phù Cát bị tàu sắt trôi neo va đập làm cong trụ cầu. Tổng thiệt hại ước tính gần 211 tỷ đồng.

Hiện nay, các cấp, các ngành đang tiến hành rà soát, thống kê tình hình thiệt hại do bão số 9 gây ra, đồng thời triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ