Giãn dân phố cổ Hà Nội: Đột phá tư duy bằng các phương án khả thi, thiết thực hơn

Đề án giãn dân phố cổ rơi vào tình trạng bế tắc với hàng loạt vướng mắc về chính sách đền bù, tái định cư, duy trì sinh kế cho người dân...

Những thách thức đòi hỏi sự đột phá trong tư duy của người trong cuộc và các biện pháp khả thi hơn, thiết thực hơn.

Khó khăn trong quá khứ

Nhìn lại đề án giãn dân được TP.Hà Nội phê duyệt vào năm 2013, những con số từng rất hứa hẹn được đưa ra như giảm mật độ dân cư khu phố cổ từ 823 người/ha năm 2010 xuống còn 500 người/ha vào năm 2020, tương ứng phải di chuyển khoảng 6.550 hộ dân với khoảng 26.200 người dân.

Đề án giãn dân phố cổ được thực hiện thành 2 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn 1 bắt đầu từ quý IV/2013 và hoàn thành vào quý IV/2016 sẽ thực hiện di dời khoảng 1.153 hộ dân. Để thực hiện kế hoạch này năm 2015, UBND TP.Hà Nội chấp thuận cho quận Hoàn Kiếm triển khai xây dựng khu đô thị giãn dân phố cổ tại phường Việt Hưng, quận Long Biên. Giai đoạn 2 dự kiến sẽ bố trí khoảng 30ha để di dời 5.020 hộ dân sau khi dự án giai đoạn 1 kết thúc. Việc thực hiện đề án giãn dân phố cổ dự kiến kết thúc vào năm 2020.

Theo đề án này, đối tượng di dời cũng được chia ra cụ thể, bao gồm các hộ dân sống trong các di tích, công sở, trường học cần di dời toàn bộ để phục vụ công tác bảo tồn theo luật di sản văn hóa; các hộ dân sống trong phạm vi phải giải phóng mặt bằng của các dự án đầu tư. Đối tượng này sẽ áp dụng cơ chế chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư theo các quy định của pháp luật khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố. Giá bán nhà tái định cư tại khu nhà ở giãn dân phố cổ trong khu đô thị mới Việt Hưng - Long Biên theo giá nhà tái định cư trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Còn với các đối tượng tự nguyện giãn dân, bao gồm các hộ dân sống trong các biển số nhà đông hộ (diện tích ở bình quân dưới 5m2/người), các chung cư xuống cấp; các hộ dân có hộ khẩu và đang sinh sống trong khu phố cổ có nhu cầu tự nguyện di chuyển sẽ có cơ chế chính sách được áp dụng riêng.

Theo đó, mỗi hộ được mua 1 căn hộ tại khu nhà ở giãn dân với giá đảm bảo kinh doanh. Giá bán nhà theo giá đảm bảo kinh doanh là giá thành xây dựng bao gồm các chi phí cộng lãi vay ngân hàng (theo định mức quy định về mức lượng vay và thời hạn vay) và lợi nhuận định mức thành phố quy định. Diện tích căn hộ được bố trí phù hợp với số nhân khẩu trong hộ di chuyển. Áp dụng với cả những trường hợp hộ gia đình đông khẩu có nhiều thế hệ đang sinh sống có nguyện vọng tách hộ để di chuyển một phần nhân khẩu sang nơi ở mới.

Tổng vốn đầu tư cho toàn dự án giãn dân này là 4.902 tỉ đồng, từ nguồn vốn giãn dân phố cổ đã được phê duyệt từ tháng 1.2013.

Tuy nhiên, đến nay, theo ông Đặng Đình Bằng - Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý Hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội cho biết, đề án nhà ở giãn dân phố cổ vẫn trong quá trình thực hiện giai đoạn 1. Cả 2 đối tượng thuộc diện di dời bao gồm đối tượng bắt buộc (cư dân sống ở khu vực di tích, trường học...) và tự nguyện (cư dân sống tại các nhà cũ xuống cấp, có diện tích dưới 5m2) đều chưa thể thực hiện đề án một cách triệt để.

Nguyên nhân được chỉ ra là khó khăn trong việc rà soát, kiểm đếm các đối tượng; chồng chéo trong phương án tái định cư khi nhiều công trình nhà ở chưa hoàn thiện; chính sách đền bù, hỗ trợ vẫn còn chưa đạt được sự đồng thuận trong nhân dân. Ghi nhận của PV cho thấy, giãn dân với nhiều người dân phố cổ vẫn còn là câu chuyện mơ hồ, chưa rõ ràng và nếu di dời, sinh kế tương lai với họ vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Tìm lời giải bằng phương án mới

Trao đổi với PV Báo Lao Động, các chuyên gia về quy hoạch đều cùng chung nhận định, cần phải thay đổi tư duy trong vấn đề giãn dân phố cổ bởi đây là khu vực có tính đặc thù cao và cần có các chính sách, phương án riêng biệt, đột phá.

Về chính sách đền bù hỗ trợ, phải sòng phẳng nhìn nhận, giá đất tại khu phố cổ không thể được cào bằng như các khu vực khác. Nó cần một một cơ chế để người dân cảm thấy có thể chấp nhận được và đồng tình với phương án di dời.

GS-TS-KTS Doãn Minh Khôi - Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc đô thị đề xuất một cơ chế để ba bên bao gồm chính quyền, doanh nghiệp và người dân cùng hợp tác và chia sẻ lợi ích. Theo đó, doanh nghiệp thỏa thuận đưa người dân đến ở tại một địa điểm có điều kiện sống tốt hơn nhưng vẫn dành lại một phần diện tích nhỏ để người dân có thể thuê lại buôn bán, kinh doanh.

“Khi đó, chính quyền sẽ đứng ra đảm bảo về mặt cơ sở pháp lý, với các chính sách đền bù, hỗ trợ phù hợp về việc làm, chuyển đổi nghề nghiệp, mặt bằng kinh doanh tạm thời cho người dân và doanh nghiệp,... Đền bù phải đi đôi với hỗ trợ như vậy thì người dân mới phát triển bền vững được” - ông Khôi nhấn mạnh.

Còn về chính sách giãn dân, nhiều ý kiến đưa ra cần có các giải pháp giãn dân, di dân linh hoạt với từng đối tượng, thành phần cụ thể. Viện trưởng Viện Quy hoạch và Kiến trúc Doãn Minh Khôi cho rằng, một lượng lớn cư dân làm thuê đang gây nên những áp lực lớn cho hạ tầng phố cổ và cần phải xây dựng hệ thống nhà ở xã hội cho bộ phận này.

TS-KTS Nguyễn Quang Minh - Khoa Kiến trúc và Quy hoạch (Đại học Xây dựng) đưa ra quan điểm trong các bảo tồn di sản ở khu phố cổ với 3 phương án giãn dân bao gồm: “Tái định cư tại chỗ” khi công trình nhà ở vẫn còn đủ diện tích, “tái định cư ở gần” khi công trình nhà ở không còn đủ công năng, cần giãn dân sang một khu vực khác cũng trong khu phố cổ điều kiện tốt hơn và “tái định cư xa” khi quỹ đất không còn và người dân đồng thuận di dời sang một đô thi khác ngoại vi.

Đề án giãn dân phố cổ đã kéo dài hơn 20 năm, đến nay vẫn còn là câu chuyện dang dở.

Theo laodong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ