Đề nghị ngành y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần...

GD&TĐ - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa đề nghị ngành y tế dừng sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa một lần có thể thay thế được ngay từ hôm nay.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến. Ảnh: Bình Thanh.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến phát biểu chỉ đạo hội nghị trực tuyến. Ảnh: Bình Thanh.

Lời đề nghị được Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đưa ra tại Hội nghị trực tuyến triển khai giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế do Bộ Y tế tổ chức sáng ngày 16/8 tại Hà Nội.

Hội nghị diễn ra tại điểm cầu Trung ương và 63 điểm cầu địa phương, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến; đồng chủ trì: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; bà Sitara Syed – Quyền trưởng đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam.  

Mỗi ngày có 22 tấn chất thải nhựa y tế

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Chất thải nhựa là vấn đề có tính toàn cầu, nguy cơ ảnh hưởng sinh thái môi trường, phát triển bền vững và sức khỏe con người.

Trong quá trình thực hiện chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân, các cơ sở y tế cũng làm phát sinh chất thải nhựa. Theo báo cáo nhanh từ một số bệnh viện, có khoảng 5% trong số chất thải y tế phát sinh là chất thải nhựa (khoảng 22 tấn/ngày).

Hội nghị trực tuyến được tổ chức góp phần giải quyết vấn đề ô nhiễm chất thải nhựa nói chung cũng như giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Một số sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế đồ nhựa tại khu trưng bày trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến. Ảnh: Bình Thanh.
Một số sản phẩm thân thiện với môi trường thay thế đồ nhựa tại khu trưng bày trong khuôn khổ hội nghị trực tuyến. Ảnh: Bình Thanh.

Vì vậy, thông qua hội nghị, Bộ Y tế đã phổ biến triển khai Chỉ thị về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế tới tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế từ Trung ương đến địa phương trong cả nước;

Đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế, tạo sự đồng thuận tham gia của người bệnh, người nhà người bệnh, các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng về giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế.

Đi vào cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị: “Tôi đề nghị 63 tỉnh/thành phố tập trung chỉ đạo thực hiện một số nội dung: Tăng cường tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, thay đổi  hành vi thói quen sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần cho nhân viên y tế, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân…

Phát động thi đua, khen thưởng, phát hiện và biểu dương, khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân có thành tích xuất sắc trong giảm thiểu chất thải nhựa.

Rà soát, đánh giá nguồn phát sinh, số lượng chủng loại chất thải nhựa, xây dựng kế hoạch kèm theo lộ trình cụ thể thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa tại đơn vị đảm bảo hiệu quả, khả thi và đạt chất lượng dịch vụ y tế.

Tiến hành nghiên cứu, áp dụng các giải pháp hiệu quả để giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế; bố trí nguồn lực hợp lý đảm bảo để thực hiện kế hoạch đề ra; thường xuyên kiểm tra, giám sát và báo cáo kịp thời kết quả thực hiện chỉ thị về Sở Y tế, Bộ Y tế.”

Đến năm 2025 ngành y tế sẽ không dùng đồ nhựa?

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – TS. Trần Hồng Hà đánh giá cao việc Bộ Y tế đã khởi xướng, triển khai thực hiện hội nghị trực tuyến này một cách toàn diện, khoa học, thiết thực.

Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bình Thanh.
Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Bình Thanh.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Chỉ thị của Bộ Y tế như một ví dụ hết sức sinh động cho các vụ, ban ngành thực hiện cũng như hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong văn bản số 16/LĐCP về việc chung sức giải quyết vấn đề chất thải nhựa.

Thế nên, khi có được nhận thức sâu sắc và đúng đắn về vấn đề này, ngành y tế cần đặt quyết tâm chính trị cao, phấn đấu đến năm 2021 các cơ sở y tế, các nhà thuốc, các cơ sở sản xuất dược phẩm tại các đô thị lớn hạn chế tối đa sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.

“Đến năm 2025, tôi tin rằng chỉ tiêu này có thể sớm hơn đối với ngành y tế, tất cả các hoạt động y tế trên cả nước cơ bản không sử dụng đồ nhựa dùng một lần và túi nilon khó phân hủy.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà tin tưởng nói.

Ngay tại hội nghị, giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện K và Bệnh viện Trường Đại học Y Hà Nội đã ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa với Bộ trưởng Bộ Y tế.

Ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa y tế giữa Sở Y tế Phú Thọ và các đơn vị trực thuộc.
Ký cam kết giảm thiểu chất thải nhựa y tế giữa Sở Y tế Phú Thọ và các đơn vị trực thuộc.  

Tại các điểm cầu địa phương, giám đốc các bệnh viện trực thuộc ngành cũng đã ký cam kết về giảm thiểu chất thải nhựa với giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành.

“Với tinh thần quyết tâm chung tay của tất cả các cơ quan, đơn vị, công chức, viên chức, người lao động trong ngành y tế từ Trung ương đến 63 tỉnh/thành phố, tôi hy vọng, sau hội nghị này các đơn vị sẽ tích cực chỉ đạo tổ chức triển khai hiệu quả giảm thiểu chất thải nhựa trong ngành y tế, góp phần giải quyết vấn đề chất thải nhựa mà Chính phủ đề ra.” – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến kỳ vọng.

Ước tính có hơn 700 loài sinh việt trên thế giới bị ảnh hưởng tiêu cực do ô nhiễm chất thải nhựa. Theo thống kê của Ủy ban châu Âu (EC), ước tính khoảng 8,3 tỷ tấn sản phẩm nhựa đã sản xuất cho đến năm 2018. Khoảng 6,3 tỷ tấn nhựa trở thành rác thải; và khoảng 5 tỷ tấn tích lũy ngoài môi trường hoặc được chôn lấp. Hàng năm, tổng cộng khoảng 4,8 triệu – 12, 7 triệu tấn chất thải nhựa xả vào đại dương.” – PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến – Bộ trưởng Bộ Y tế.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ