Chuyên gia dự đoán Covid-19 đạt đỉnh trong hai tuần tới

Các chuyên gia y tế cho rằng số ca Covid-19 sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới, song dự đoán có thể thay đổi do một số yếu tố.

Ngày 10/5, Việt Nam ghi nhận 125 ca lây nhiễm cộng đồng, số ca cao nhất tính theo ngày, kể từ khởi đầu đại dịch vào 2020 đến nay. Những ngày trước đó, số ca mắc cộng đồng cũng liên tục "lập kỷ lục", với 92 trường hợp ghi nhận ngày 9/5, 80 ca ngày 8/5, 64 ca ngày 6/5.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Chợ Rẫy, dự đoán đường cong dịch tễ sẽ đạt đỉnh trong vòng hai tuần tới. Tuy nhiên, có thể có nhiều yếu tố khác làm thay đổi đỉnh dịch đó. Chẳng hạn hoạt động bầu cử sắp tới, nếu tổ chức phòng dịch không tốt, có thể làm virus lây lan vì tập trung đông người.

"Để khống chế được dịch, phải ngăn chặn toàn bộ các F1, chặt đứt tất cả mối liên quan lây truyền bệnh", bác sĩ Hùng nói.

Cùng quan điểm, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM, cho biết số ca nhiễm đang trên đà tăng nhanh và khả năng sẽ còn tăng cao trong những ngày tới, chưa thấy có xu hướng giảm. Cùng với đó, số lượng ổ dịch tiếp tục gia tăng. Nếu khả năng truy vết, cách ly, khoanh vùng dập dịch tốt, khoảng hai tuần nữa, Covid-19 sẽ được khống chế.

"Nếu trong vòng hai tuần tới, cơ quan chức năng can thiệp không tốt, hoặc do nhiều yếu tố khác tác động tiêu cực đến công tác khoanh vùng, dập dịch thì Covid-19 có thể còn bùng phát mạnh hơn", bác sĩ Khanh nói.

Theo bác sĩ Khanh, với tình hình hiện nay, trong vòng hai tuần nữa mới có thể đánh giá số ca nhiễm có tăng hay không, và Covid-19 sẽ đạt đỉnh lúc nào.

"Biện pháp của nhà chức trách cùng ý thức của người dân trong hai tuần nữa sẽ quyết định lớn đến công tác chống dịch", ông Khanh nói.

Làn sóng dịch nghiêm trọng hơn trước

Bác sĩ Hùng cho biết số ca mắc mới mỗi ngày cao, kéo dài, ổ dịch nhiều hơn, lan ra nhiều tỉnh thành khiến "đợt dịch này nguy hiểm hơn các đợt dịch trước". Những ổ dịch ở các địa phương có thể liên hệ với nhau, hoặc hoàn toàn không liên quan, chứng tỏ nhiều nguồn lây hơn.

Phó giáo sư, tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cũng nhận định, đợt bùng phát lần này rất nghiêm trọng, ghi nhận nhiều ổ dịch, nhiều nguồn lây nhiễm, đa chủng và tấn công vào vị trí trọng yếu. Nhiều bệnh viện phải cách ly y tế, ảnh hưởng tới công tác phòng, chống dịch.

Theo Phó giáo sư Hiếu, đáng lo ngại nhất là nCoV lây lan đến các khoa, phòng hồi sức tích cực, người mắc có thể sẽ rơi vào tình trạng nặng hơn, nguy cơ tử vong cũng cao hơn. Chưa kể, bệnh viện có nhiều người đến, số lượng ra vào rất đông khiến việc kiểm soát lây nhiễm chéo và công tác truy vết khó khăn.

"Cơ sở y tế là thành trì trong chống dịch. Khi dịch bệnh lây lan trong bệnh viện, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao trong viện và giữa các bệnh viện với nhau, điển hình là Bệnh viện K có ca dương tính liên quan Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương", phó giáo sư nhấn mạnh.

Phó giáo sư Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng, Bộ Y tế, cho biết làn sóng Covid-19 này được các chuyên gia dự báo từ trước, nhưng nguy hiểm hơn là virus bùng phát ngay trong cơ sở y tế đầu ngành là Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương và Bệnh viện K. Khu cách ly và các bệnh viện, nơi thực hiện 5K tốt nhất đã bị virus "chọc thủng".

Chưa kể, nhiều ổ dịch mất dấu F0, nhiều người mang mầm bệnh mà không biết, hàng nghìn F1 di chuyển nhiều nơi, khiến việc truy vết nan giải. Khó khăn hơn, Covid-19 lan vào các bệnh viện đầu ngành kéo theo nhiều bệnh nhân nặng sẽ mất cơ hội chẩn đoán, điều trị kịp thời, đặc biệt là bệnh nhân ung thư hoặc bệnh nhân tuyến dưới cần can thiệp.

Theo bác sĩ Hùng, khi số lượng bệnh nhân tăng quá nhiều, áp lực lên hệ thống y tế sẽ căng thẳng hơn, dẫn đến hiệu quả điều trị giảm xuống, khả năng bệnh nhân nặng sẽ tử vong nhiều hơn.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng đánh giá làn sóng dịch lần này có các đặc điểm cần cảnh giác cao là xuất hiện nhiều biến chủng với khả năng lây lan nhanh trong thời gian ngắn, người dân chủ quan hơn trước, nhiều ca dương tính được phát hiện sau thời gian cách ly tập trung.

Khả năng kiểm soát dịch tốt

Theo ông Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, mặc dù số ca nhiều, lây lan ở nhiều địa phương nhưng về cơ bản, chính quyền đang kiểm soát được nguồn lây ở từng ổ dịch.

"Từng tỉnh đang kiểm soát được tình hình, góp phần cùng cả nước kiểm soát dịch bệnh", ông Phu nói.

Tất cả những biện pháp gồm truy vết, khoanh vùng, phát hiện, dập dịch, đến giờ vẫn hiệu quả. "Nếu vừa rồi chúng ta không làm được tốt, giờ này số ca sẽ tăng theo cấp số nhân chứ không phải cấp số cộng", bác sĩ Hùng nhận định.

Theo bác sĩ Hùng, do vaccine triển khai chưa nhiều, nguyên tắc 5K vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Bên cạnh đó, vấn đề xét nghiệm, tầm soát sàng lọc ở những nơi có yếu tố nguy cơ cao, tìm được những F0 không có triệu chứng đang trong âm thầm lây bệnh trong cộng đồng, sẽ góp phần rất lớn khống chế dịch.

Bác sĩ Hùng phân tích thêm, khả năng dập dịch thành công cao do nhiều tỉnh, thành đã có kinh nghiệm dày dạn trong truy vết, tích lũy từ các đợt dịch trước.

Tổng số ca nhiễm cộng đồng từ ngày 27/4 đến nay là 458, ghi nhận ở 26 tỉnh thành. Cụ thể, địa bàn Hà Nội 143 ca (trong đó Bệnh viện Trung ương 79 ca, 12 ca ở Bệnh viện K), Bắc Ninh 85, Vĩnh Phúc 53, Đà Nẵng 53, Bắc Giang 47, Hưng Yên 19, Hà Nam 16, Thái Bình 6, Hòa Bình 5, Hải Dương 5, Lạng Sơn 4, Thừa Thiên Huế 3, Quảng Nam 3, Đăk Lăk 2, Điện Biên 2, Nam Định 2, Đồng Nai, Hải Phòng, Nghệ An, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Ninh, Thanh Hóa, TP HCM, Yên Bái, Quảng Trị mỗi nơi một ca.

Theo Vnexpress.net

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ