Cần bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

Cần bảo vệ quyền của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài

(GD&TĐ) - Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo “Đối thoại Chính sách về bảo vệ quyền lợi của lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài” do Bộ LĐ-TB&XH phối hợp Cơ quan Liên Hợp Quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tổ chức tại Hà Nội ngày 17/12.

Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH cho thấy, trung bình mỗi năm Việt Nam có từ 70 đến 80 ngàn lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước đây, hầu hết lao động là nam giới, nhưng những năm gần đây, phụ nữ chiếm khoảng 30-35% tổng số lao động. Theo Cục Quản lý Lao động ngoài nước, lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài chủ yếu trong lĩnh vực như: Điện tử, dệt may, dịch vụ, giúp việc gia đình…Với ý thức kỷ luật tốt, cần cù chịu khó, khéo tay tiếp thu nhanh nên lao động nữ Việt Nam được các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc ưa chuộng. Đặc biệt, tại thị trường Malaysia chủ sử dụng lao động rất thích tuyển lao động nữ Việt Nam.  

Thực tế, lao động nữ đi làm ở nước ngoài dễ bị tổn thương, dễ có nguy cơ bị lạm dụng hơn nam giới, đặc biệt là những người làm các công việc có tính đặc thù như người giúp việc trong các gia đình, hộ lý, y tá chăm sóc người bệnh tại các viện dưỡng lão... Đáng lo ngại, kiến thức của phụ nữ trong kiểm soát và giải quyết các vấn đề phát sinh đối với đối tác còn yếu kém. Khi  làm việc ở nước ngoài, nhiều trường hợp lao động nữ Việt Nam bị chủ sử dụng lao động quỵt lương thời gian làm thêm, bị ngược đãi đánh đập và đuổi khỏi nhà… Do hạn chế ngôn ngữ, nhiều lao động  nữ đã không bảo vệ được mình, lao động bất hợp pháp. Theo đại diện Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao), đã có nữ giúp việc gia đình tại Ảrập Xê Út bị chủ bắt làm thêm giờ, ngược đãi, đánh đập, đuổi khỏi nhà gọi đến Đại sứ quán kêu cứu, nhờ giúp, nhưng khi hỏi đang ở đâu, địa chỉ nào thì không thể cung cấp cho cơ quan chức năng…

Cần xây dựng chính sách rõ ràng trong bảo hộ cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: TL
Cần xây dựng chính sách rõ ràng trong bảo hộ cho người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Ảnh: TL

Thời gian qua, Nhà nước và các doanh nghiệp Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng, thực hiện các quy định pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài. Nhiều doanh nghiệp đã cử cán bộ nữ sang quản lý lao động, kịp thời gian quyết được vấn đề có liên quan đến quyền, nhu cầu chính đáng của lao động nữ. Tuy nhiên, hội thảo cũng cho rằng mặc dù Việt Nam đã xây dựng Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng như các văn bản pháp luật hiện hành liên quan đến người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã khá đầy đủ về bảo vệ người lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nhưng các văn bản pháp luật này chưa thể hiện được nguyên tắc bình đẳng giới. Bên cạnh đó, nhiều cán bộ quản lý lao động ở nước ngoài còn thiếu kinh nghiệm, có trường hợp doanh nghiệp hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài không thông báo cho cơ quan ngoại giao, không cung cấp địa chỉ, số điện thoại liên hệ của ban quản lý lao động và cơ quan ngoại giao để người lao động có thể liên lạc, đề nghị hỗ trợ khi cần thiết. Nhiều lao động nữ cũng chưa quan tâm đến việc cần có các thông tin này...

Để việc bảo vệ quyền lợi lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài được triển khai tốt, các đại biểu cho rằng trong thời gian tới cần có chính sách cụ thể hơn đối với nữ giới để khi đi làm việc ở nước ngoài, họ thu được lợi ích tối đa. Việc sửa đổi Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng cần xem xét yếu tố nữ giới. Công tác tư vấn, đào tạo trước khi đi làm việc ở nước ngoài cần được chú trọng hơn đến đối tượng nữ giới.

Hiện Việt Nam có khoảng 500 ngàn lao động làm việc tại 40 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó lao động nữ chiếm khoảng 35%. Công việc chủ yếu là giúp việc gia đình, chăm sóc sức khoẻ và làm công nhân chế tạo máy, lắp ráp chế tạo, dệt may, dịch vụ nhà hàng… Do đặc điểm khác biệt về giới, phụ nữ đi làm việc ở nước ngoài rất dễ bị tổn thương hơn nam giới, nhất là nguy cơ bị lạm dụng.

Nam Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trong giờ dạy môn Khoa học tự nhiên.

Giúp dạy học hiệu quả môn tích hợp

GD&TĐ - Sau 3 năm triển khai, các nhà trường đã rút ra những kinh nghiệm để triển khai dạy học hiệu quả môn tích hợp, nhất là môn Khoa học tự nhiên.
Minh họa/INT

Bóng ma hạt nhân ở Trung Đông

GD&TĐ - Tình hình Trung Đông đã đột ngột căng thẳng kể từ đêm 13/4 rạng sáng 14/4 khi Iran lần đầu tiên trong lịch sử thực hiện một cuộc không kích quy mô lớn.
Minh họa/INT

Lễ hội nhân dân

GD&TĐ - Tuần lễ du lịch Quảng Ngãi năm 2024 sẽ được bắt đầu vào ngày 22/4 tới.
Minh họa/INT.

Khi giới trẻ tìm về phim lịch sử

GD&TĐ - Tiếp làn sóng ủng hộ phim 'Đào, phở và piano'(Đạo diễn Phi Tiến Sơn), một bộ phận khán giả trẻ quay trở lại tìm kiếm những bộ phim lịch sử, cách mạng.