Kinh tế thể thao: Đi tìm thị trường ngách

GD&TĐ - Hai năm liên tiếp Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức với cùng một chủ đề.

Với điều kiện kinh phí hạn hẹp, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh tham dự nhiều giải đấu quốc tế không có huấn luyện viên. Ảnh minh họa: INT
Với điều kiện kinh phí hạn hẹp, tay vợt số 1 Việt Nam Nguyễn Thùy Linh tham dự nhiều giải đấu quốc tế không có huấn luyện viên. Ảnh minh họa: INT

Hai năm liên tiếp Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam được tổ chức với cùng một chủ đề. Điều đó phần nào cho thấy, “xã hội hóa” thể thao, làm gì để thể thao sinh lời còn rất nhiều vấn đề nan giải, vướng mắc khi triển khai…

Khơi thông dòng chảy

Năm 2023, Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức với chủ đề “phát huy tiềm năng của kinh tế thể thao trong thời kỳ đổi mới”. Năm nay, Diễn đàn được tổ chức lần 2 và chủ đề tiếp tục được giữ nguyên, đồng thời là nơi để các chuyên gia, nhà quản lý tập trung thảo luận, chia sẻ các quan điểm chuyên sâu và toàn diện về các vấn đề liên quan đến quản lý, phát triển nền kinh tế thể thao tại Việt Nam nhằm tìm kiếm những giải pháp để phát triển một nền thể thao chuyên nghiệp, hiện đại và bền vững.

Tại Diễn đàn, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội - Ban Kinh tế Trung ương cho biết: “Bắt đầu từ Đại hội lần thứ 7 của Đảng, mặc dù chưa đề cập đến cụm từ ‘xã hội hóa’, tuy nhiên, nội dung về các câu lạc bộ, các hội thể thao thời điểm đó cũng đã được Nhà nước chỉ đạo phải tự chủ và chỉ sử dụng một phần ngân sách Nhà nước. Tức là phần tự chủ của các tổ chức, hiệp hội được đề cao hơn.

Cụm từ ‘xã hội hóa’ được chính thức nhắc đến ở Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ 9 của Đảng, trong đó đề cập rất rõ đến xã hội hóa các lĩnh vực như văn hóa, thể dục thể thao (TDTT), y tế. Trong đó, TDTT là một trong những ngành được quan tâm ưu tiên phát triển rất sớm”.

Theo ông Hùng, để thể chế hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ cũng đã ban hành, điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung rất nhiều văn bản pháp luật để phục vụ công tác quản lý, cũng như hỗ trợ cho sự phát triển của ngành TDTT nói chung, lĩnh vực kinh tế thể thao nói riêng.

Trong những năm qua, việc áp dụng các chính sách xã hội hóa cũng như pháp luật về TDTT đã góp phần thu hút các nguồn lực trong toàn xã hội đầu tư cho lĩnh vực TDTT. Đồng tình với ý kiến của ông Hùng, Cục trưởng Cục TDTT Đặng Hà Việt nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện xã hội hóa đối với ngành thể thao có nhiều thuận lợi.

Ngay từ trong Văn kiện của Đại hội 7 năm 1991 cũng đã đề cập tới vấn đề liên quan đến xã hội hóa. Sau đó có rất nhiều văn bản pháp luật cũng như chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về vấn đề xã hội hóa thể thao.

Tuy nhiên, người đứng đầu ngành Thể thao cũng chỉ ra rất nhiều khó khăn. Ở tầm vĩ mô, ông Đặng Hà Việt phát biểu: “Hiện tại, khó khăn nhất trong việc xây dựng công trình chính là Luật đầu tư. Đó chính là PPP (phương thức đầu tư được thực hiện trên cơ sở hợp tác có thời hạn giữa Nhà nước và nhà đầu tư tư nhân thông qua việc ký kết và thực hiện hợp đồng dự án PPP nhằm thu hút nhà đầu tư tư nhân).

Chúng ta đang tắc nghẽn rất nhiều ở các công trình thể thao. Từ Khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, khu Rạch Chiếc, đến rất nhiều công trình thể thao ở các địa phương đang cần đầu tư từ đối tác, nhưng đang vướng Luật đầu tư. Thứ 2 là khi có đất rồi, cần phải triển khai các vấn đề liên quan đến vận hành.

Chi phí vận hành các trung tâm huấn luyện cũng như các cơ sở thể thao của Nhà nước rất lớn. Việc này kêu gọi xã hội hóa như thế nào. Thật sự bây giờ đang rất vướng về tiền thuê đất. Nó đẩy giá dịch vụ lên cao”.

Về vấn đề tiền thưởng, kêu gọi nhà tài trợ cho các liên đoàn, Cục trưởng Cục TDTT thừa nhận, Ủy ban Olympic cũng như các liên đoàn, hiệp hội chưa phát huy được chức năng, nhiệm vụ, chưa năng động trong việc kêu gọi, tạo ra các sự kiện, hoạt động, giá trị của bản thân để thu hút, kêu gọi các nguồn tài trợ.

Còn với các hoạt động xã hội hóa trong công tác đào tạo, tuyển chọn vận động viên đi thi đấu ở nước ngoài, thật sự đến bây giờ chỉ vài liên đoàn làm được. Còn trên 40 liên đoàn chủ yếu chỉ xã hội hóa ở mức độ tổ chức hoạt động, sự kiện. Tổ chức các lớp bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn trọng tài rất tốt.

Các lớp bồi dưỡng nhân viên chuyên môn nghiệp vụ để có thể đứng ở các câu lạc bộ cũng rất tốt, nhưng vấn đề là phải tham gia vào công tác đào tạo vận động viên. Dùng nguồn tài chính đó để đưa các đội đi thi đấu ở nước ngoài.

Bên cạnh đó, theo ông Đặng Hà Việt, một năm trung bình chúng ta có gần 2.500 giải. Trong đó, ngành thể thao cần phải tham dự ít nhất 700 giải. Ngân sách của Trung Ương chỉ đảm bảo khoảng 170 giải. Nguồn còn lại từ ngân sách địa phương và đặc biệt các nguồn xã hội hóa.

“Các nguồn đó phải từ liên đoàn, hiệp hội. Rõ ràng chúng ta thấy các liên đoàn chưa phát huy hết năng lực để cùng phối hợp, mặc dù cũng có, nhưng chưa đóng tỷ trọng lớn. Thủ tướng mới ban hành, phê duyệt Chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, quyết định số 1189. Đến bây giờ hiện thực hóa việc chúng ta phải làm trong giai đoạn tới chính là việc phải triển khai tốt Chiến lược, trong đó có các vấn đề liên quan đến kinh tế thể thao và xã hội hóa thể thao”, ông Hà nhấn mạnh.

kinh-te-the-thao-di-tim-thi-truong-ngach-134-3429.jpg
Diễn giả tham luận tại Diễn đàn Kinh tế thể thao năm 2024. Ảnh: INT

Từ văn bản đến thực tiễn

Diễn đàn Kinh tế thể thao Việt Nam năm 2024 diễn ra với 3 phiên thảo luận. Phiên 1 - “tạo lập môi trường pháp lý để phát triển kinh tế thể thao”, nhằm giúp đánh giá môi trường pháp lý hiện nay, những thuận lợi, khó khăn của các cơ quan, tổ chức trong triển khai các hoạt động TDTT để tiến tới đề xuất kiến tạo môi trường thuận lợi, thúc đẩy các hoạt động kinh tế thể thao; phát huy tối đa của khu vực ngoài công lập trong hầu hết các lĩnh vực hoạt động của TDTT.

Nội dung chính được thảo luận bao gồm các vấn đề pháp lý xung quanh việc quản lý, tổ chức các hoạt động thể thao trong nước và quốc tế; vai trò của các hiệp hội thể thao quốc gia đối với hoạt động thể thao thành tích cao, thể thao chuyên nghiệp và thể thao phong trào; chính sách quản lý và sử dụng cơ sở hạ tầng thể thao.

Phiên 2 đề cập tới tác động kinh tế của việc tổ chức các sự kiện thể thao lớn đối với địa phương, đơn vị đăng cai. Trong đó, xoay quanh những chủ đề chính như vị thế chủ nhà - lợi ích và thách thức; làm thế nào để đăng cai một sự kiện thể thao lớn; vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước trong việc quyết định đăng cai một sự kiện thể thao lớn (nhận thức, chính sách, sự ủng hộ...); lợi ích thương mại lâu dài từ việc phát triển thương hiệu địa phương thông qua các hoạt động, sự kiện thể thao.

“Khai thác giá trị thương mại và lợi ích xung quanh một giải thi đấu thể thao” là phiên 3, với các nội dung chính được thảo luận bao gồm sự tham gia và tiêu dùng của người hâm mộ thông qua giải đấu; cách tiếp cận, các điều kiện cần và đủ, lợi ích đem lại từ quyền phát sóng và dịch vụ trực tuyến.

Theo ông Lê Thanh Liêm - Chánh Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch (Bộ VHTTDL), môi trường pháp lý cho thể thao phát triển là các văn bản quy phạm phát luật điều chỉnh các lĩnh vực kinh tế thể thao và quá trình áp dụng trong thực tiễn. Đối với kinh tế thể thao, đó là hệ thống các chính sách khuyến khích đầu tư và thứ 2 là các văn bản về thuế cho lĩnh vực thể thao.

“Chúng tôi đánh giá hiện nay hệ thống này về cơ bản chưa phát sinh vấn đề gì vướng mắc lớn cả. Tuy nhiên nhóm thứ 2 - chính sách khuyến khích, hệ thống về thuế cho lĩnh vực phát triển kinh tế thể thao - đang gặp một số vướng mắc lớn. Luật đầu tư hiện nay quy định văn hóa - thể thao nằm trong lĩnh vực khuyến khích đầu tư, tuy nhiên chỉ khuyến khích tập trung đầu tư cơ sở vật chất, còn các dịch vụ thi đấu, tập luyện, đào tạo thì chưa có khuyến khích. Hoặc như 5 lĩnh vực thực hiện PPP thì không có văn hóa – thể thao ở đâu cả”, ông Liêm cho biết.

Theo Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL, chính sách khuyến khích xã hội hóa có từ rất lâu. Tuy nhiên để được hưởng những chính sách này thì các doanh nghiệp phải đạt những điều kiện nhất định, chứ không phải doanh nghiệp nào cũng được. Điều quan trọng là phải chứng minh được sự cần thiết phải sửa đổi để khuyến khích, tạo điều kiện để kinh tế thể thao phát triển.

Thanh tra Bộ đã triển khai một cuộc thanh tra công tác quản lý Nhà nước đối với 38 liên đoàn / hiệp hội. Sau đó, đoàn thanh tra đã có 8 đánh giá về tồn tại/hạn chế, 5 nguyên nhân và 7 kiến nghị/giải pháp, trong đó tập trung vào việc phải có cơ chế pháp lý quản lý liên đoàn thông thoáng hơn.

Giao nhiều hoạt động tác nghiệp cho liên đoàn, ví dụ công tác tổ chức giải. Hiện nay cơ chế pháp lý vẫn là những giải nào kinh phí Nhà nước thì vẫn phải là cơ quan Nhà nước thực hiện, chưa giao được cho liên đoàn vì ngược Thông tư.

Tham dự Diễn đàn với tư cách khách mời, ông Oh Yeong Woo - nguyên Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao Hàn Quốc - cho biết: “Trong nhiều năm qua, Hàn Quốc đã đăng cai tổ chức nhiều sự kiện thể thao lớn như Thế vận hội mùa Hè Seoul 1988, World Cup Nhật Bản - Hàn Quốc 2002, ASIAD Incheon 2014, Thế vận hội mùa Đông Pyeongchang 2018 cùng một số giải đơn môn thế giới khác.

Việc tổ chức thành công đã mang lại những kết quả hữu hình như xây dựng sân vận động, hệ thống giao thông đường bộ và hiệu quả vô hình như nâng cao hình ảnh quốc gia, giúp Hàn Quốc có kinh nghiệm tổ chức những sự kiện lớn...”.

Theo ông Oh Yeong Woo thống kê, Olympic 1988 mang lại hiệu quả kinh tế rất lớn với khoảng 2,7 nghìn tỷ won (tương đương 2 tỷ USD) cho đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Đặc biệt, Thế vận hội 1988 chính là cơ hội để quảng bá nét độc đáo và vẻ đẹp của Hàn Quốc với thế giới. Dẫn chứng cụ thể, số người nước ngoài đến thăm Hàn Quốc chưa đến 2 triệu người trước Thế vận hội và đã tăng đều đặn từ Thế vận hội đạt 17,5 triệu du khách mỗi năm vào năm 2019.

Ngoài ra, sự kiện World Cup 2002 Hàn Quốc/Nhật Bản cũng là bước đệm để đất nước này tăng trưởng toàn diện. Tổng hiệu quả kinh tế mà giải đấu mang lại là khoảng 8,9 nghìn ty won (tương đương 6,6 tỷ USD). Trong khi đó, Việt Nam chỉ dừng lại ở việc tổ chức SEA Games, hoặc giải bóng đá AFF Cup (phạm vi khu vực Đông Nam Á).

Ở rất nhiều quốc gia, kinh tế thể thao đã trở thành ngành công nghiệp “đẻ trứng vàng”, thì tại Việt Nam, trong rất nhiều năm, thể dục thể thao đang được xem như là một lĩnh vực hoạt động xã hội mang tính phi kinh tế, phi kinh doanh. Điều đó đi ngược với sự phát triển của thế giới.

Kinh tế thể thao ở Việt Nam còn có dư địa lớn phát triển nhưng chưa khai thác hết như thị trường bán vé và thu từ các dịch vụ tổ chức TDTT; thị trường bản quyền truyền hình thể thao, quảng cáo tài trợ và thị trường dịch vụ (trong đó có cá cược thể thao).

Tuy nhiên, như quan điểm của chuyên gia thể thao Nguyễn Hồng Minh, người làm thể thao cần có những sự góp ý thực tế từ những doanh nhân, nhà đầu tư đã đồng hành với lĩnh vực thể thao. Người làm chuyên môn thể thao khó thể hình dung tốt nhất bài toán kinh tế nhưng người làm kinh tế sẽ hiểu được điều gì cần để thể thao đủ cơ hội sinh lời.

Để kinh tế thể thao phát triển, ông Nguyễn Mạnh Hùng nêu quan điểm, Việt Nam cần khuyến khích để tạo nên các tập đoàn, doanh nghiệp đủ lớn hoạt động trong lĩnh vực thể thao, đủ năng lực tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, theo ông Lê Thanh Liêm, việc khuyến khích xã hội hóa hoạt động thể thao, tiến hành kinh doanh thể thao phải dựa vào hệ thống chính sách đầu tư và văn bản về thuế.

Luật không hạn chế cá nhân tổ chức tham gia hoạt động thể thao, nhưng thể thao chuyên nghiệp cần 1 số điều kiện. Luật giao cho trách nhiệm liên đoàn rất lớn, liên đoàn thể thao quốc gia xây dựng quy chế thể thao chuyên nghiệp trình Bộ VHTTDL phê duyệt, từ đó mới có cơ chế để hoạt động.

Làm gì để thể thao sinh ra lợi nhuận, mang lại những giá trị kinh tế tốt nhất để nuôi chính nó. Nhiều diễn giải có chung quan điểm rằng phải làm rõ kinh tế thể thao sẽ hướng tới thị trường nào, đồng thời cần đa dạng hóa cách khai thác.

Tại Diễn đàn năm nay, tuy nhiều vấn đề được đề cập, gợi mở, song người tham dự vẫn đơn thuần là nhà quản lý thể thao, chuyên môn mà vắng đại diện của các cơ quan như Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công Thương, đặc biệt thiếu những đại diện các Quỹ tài chính (có đầu tư vào thể thao), doanh nhân đang làm thể thao ở Việt Nam.

Điều đó khiến bài toán kinh tế thể thao còn nhiều ẩn số. Những người trong cuộc mới chỉ vẽ ra bức tranh thực trạng mà chưa có giải pháp khả thi, mang tính tổng thể cũng như đi vào chiều sâu của từng liên đoàn, hiệp hội. Công cuộc kiếm tiền trực tiếp và gián tiếp từ thể thao vẫn sẽ là hành trình đầy thách thức.

Trong nền kinh tế thị trường, kinh tế thể thao hiện hữu với tư cách là một ngành công nghiệp. Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT (tập luyện, thi đấu...) cũng như gián tiếp phục vụ cho các hoạt động TDTT như: Sản xuất, cung cấp các dịch vụ hàng hóa, dịch vụ liên quan đến TDTT (trang thiết bị, truyền thông, marketing, cá cược, chứng khoán...). Theo nghĩa hẹp, kinh tế thể thao chỉ bao gồm các hoạt động kinh tế liên quan trực tiếp đến hoạt động TDTT.

Thị trường ngách là một phân khúc thị trường nhỏ, không quá rộng hay phổ biến của một lĩnh vực kinh doanh. Thị trường ngách được khám phá bằng cách phân chia thị trường lớn thành nhiều nhóm nhỏ, nhằm tìm ra những nhóm khách hàng có nhu cầu cụ thể hoặc đặc biệt. Qua đó, chủ kinh doanh có thể cung cấp sản phẩm đáp ứng đúng mong muốn, từ đó tăng khả năng cạnh tranh, tăng doanh thu hiệu quả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: INT

Vòi trứng và các bệnh lý liên quan

GD&TĐ - Vòi trứng còn có các tên gọi khác là vòi tử cung hay ống dẫn trứng. Đây là một tổ chức hình ống, lòng rỗng, có cấu tạo 3 lớp.

Binh sĩ Ukraine vận hành UAV PQ-20 Puma.

UAV RQ-20 của Mỹ không còn là bí mật

GD&TĐ - Các chuyên gia và kỹ sư Nga đã thu được các mẫu thiết bị quân sự phương Tây độc đáo, nghiên cứu và tìm kiếm các điểm yếu của chúng.

Minh họa/INT

Từ trang sách: Tiếng Việt muôn màu

GD&TĐ - Bởi sự thông dụng mà đôi khi khiến ta lại quên mất mình không phải lúc nào cũng sử dụng tiếng Việt đúng cách, hợp lí và hay.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hạnh phúc đơn sơ

GD&TĐ - Điều thú vị nhất là khi rời khỏi làng. Trước mặt chúng tôi, những cánh đồng lúa mì, ngô, lúa mạch trải dài vô tận.