Các dạng câu hỏi trắc nghiệm khách quan
Theo NGƯT Nguyễn Thị Thúy, câu hỏi trắc nghiệm khách quan gồm các dạng: Câu hỏi dạng “đúng - sai”; dạng câu hỏi nhiều lựa chọn; âu hỏi ghép đôi; câu hỏi từ điển; câu hỏi hình vẽ.
Với câu hỏi dạng “đúng - sai” yêu cầu HS xác định đúng hay sai trước các phán đoán, các định nghĩa, khái niệm hoặc các nội dung kiến thức.
Trước một câu dẫn xác định HS chọn một trong hai cách trả lời: đúng hoặc sai. Dạng này chỉ đòi hỏi tư duy kiến thức tích luỹ, thích hợp cho việc khảo sát hay nhận biết các sự kiện, các định nghĩa, các khái niệm, nội dung quy luật...
Đây là loại câu hỏi ít kích thích khả năng suy nghĩ của HS mà chỉ đòi hỏi trí nhớ, không cần hiểu kỹ vấn đề. Với kiểu kiểm tra đánh giá có sử dụng câu hỏi trắc nghiệm dạng này thì rất khó phân biệt trình độ nhận thức của HS.
Dạng câu hỏi nhiều lựa chọn gần giống với câu hỏi xác định đúng – sai nhưng yêu cầu HS phải chọn. Một câu hỏi có nhiều câu trả lời, HS phải chọn câu trả lời đúng.
Mỗi vấn đề có ít nhất 3 câu trả lời sẵn, trong đó chỉ có một câu trả lời đúng hoặc đúng nhất. Ở câu hỏi có nhiều phương án trả lời buộc HS phải lựa chọn và đánh dấu vào câu mà mình cho là đúng hoặc đúng nhất.
Loại câu hỏi này khả năng chọn sai của HS thường là cao nên dễ phân biệt được học sinh khá, giỏi. Dạng câu hỏi này phù hợp với các em HS khá trở lên vì chỉ khi các em nắm chắc kiến thức mới phân biệt được câu trả lơi nào là đúng hoặc đúng nhất.
Trắc nghiệm loại ghép đôi (hay xứng hợp) rất thông dụng. Loại này gồm hai dãy thông tin. Một dãy là những câu hỏi (hay câu dẫn). Một dãy là những câu trả lời (hay câu lựa chọn).
HS phải tìm ra câu trả lời tương ứng với câu hỏi. Loại trắc nghiệm này thích hợp cho việc kiểm tra một nhóm kiến thức liên quan, gần gũi chủ yếu là kiến thức sự kiện hoặc tính chất, hình thức của các sự vật, hiện tượng.
Đây là loại câu hỏi trắc nghiệm có thể phát huy tính tích cực của HS khi làm bài, buộc phải suy nghĩ đối chiếu, nắm chắc từng nội dung vấn đề.
Dạng câu hỏi từ điển là loại câu hỏi trắc nghiệm yêu cầu HS phải làm việc với một số câu hoặc một văn bản có chỗ trống. Nhiệm vụ của các em là điền các dữ kiện hoặc các nội dung phù hợp vào chỗ trống đó.
Muốn vậy HS phải nắm vững nội dung kiến thức một cách tổng quát. Loại này có thể kiêm tra sự hiểu biết kiến thức một cách tương đối toàn diện.
Đây là loại câu hỏi trắc nghiệm mà câu dẫn là một lời nhận xét, một khái niệm… nhưng đưa ra lại bị khuyết mất một từ hoặc một ngữ nào đó. Để làm được câu hỏi dạng này HS phải lựa chọn những từ ngữ thích hợp, chính xác với vấn đề đó. Những từ, những ngữ đó phải ngắn gọn có nghĩa nhất trong câu.
Dạng câu hỏi hình vẽ là câu hỏi không dùng lời mà dùng hình vẽ đòi hỏi HS phải chú thích một vài chi tiết để trống trên hình vẽ hoặc sửa đổi một số chi tiết sai trên đó.
Loại câu hỏi này thích hợp cho mục đích kiểm tra được cấu trúc, cơ chế đã được thể hiện bằng tranh vẽ, sơ đồ… khi dùng câu hỏi này giúp HS có đầu óc tưởng tượng và rèn trí nhớ.
Kỹ thuật xây dựng hệ thống câu hỏi trắc nghiệm khách quan
NDƯT Nguyễn Thị Thúy lưu ý, câu hỏi trắc nghiệm phải được diễn đạt rõ ràng, sáng sủa, đơn nghĩa để HS hiểu được yêu cầu của câu hỏi.
Nếu là loại câu tự luận ngắn, cần có giới hạn phạm vi giải quyết rõ ràng. Tránh dùng dạng câu phủ định kép vì loại câu này dễ gây rối trí cho HS.
Câu hỏi bao hết nội dung đề cập trong chuẩn kiến thức, kĩ năng; đúng với các mức đã nêu trong chuẩn kiến thức, kĩ năng. Mục tiêu ở mức nào thì yêu cầu của câu hỏi phải ở mức đó. Đồng thời, giáo viên cũng cần không ngừng hoàn thiện hệ thống câu hỏi kiểm tra.
Khi thiết kế một hệ thống câu hỏi trắc nghiệm tương tác nhằm mục đích đạt được mục tiêu trong dạy - học, việc thiết kế phải đảm bảo các nguyên tắc:
Định hướng hoạt động học tập; người học tham gia tương tác và giải quyết vấn đề; đảm bảo hoạt động luyện tập và thực hành; sử dụng một cách thích hợp các phương tiện hoạt hình, trực quan và mô phỏng;
Linh hoạt; tham khảo lại khi cần thiết; khuyến khích và tạo điều kiện học tập cộng tác; đánh giá và phản hồi cho người học.
Sử dụng QuizMaker Isping Presenter thiết kế bộ trắc nghiệm
Sử dụng QuizMaker Isping Presenter để thiết kế bộ trắc nghiệm dựa trên chuẩn kiến thức, kĩ năng cần đạt cụ thể cho mỗi nội dung của mỗi bài của chương, theo NGƯT Nguyễn Thị Thúy là rất khả thi.
QuizMaker Isping Presenter được tích hợp hỗ trợ, tạo các bài tập/bộ trắc nghiệm tương tác rất đa dạng và phong phú với bộ câu hỏi không phải chỉ là để kiểm tra, lấy điểm mà còn được xây dựng nhằm kích thích tính động não của người học.
Từ đó, rèn luyện và giúp học sinh tự kiểm soát và bổ sung những thiếu khuyết về kiến thức cho chính bản thân, thực hiện phương châm lấy người học làm trung tâm.
Bộ trắc nghiệm phần vẽ kĩ thuật - Công nghệ 11 được cô Nguyễn Thị Thúy thiết kế với thời lượng cho phép làm bài là 90 phút, nếu vượt quá thời lượng này bắt buộc học sinh phải kết thúc phần trả lời.
Khi sử dụng, học sinh click chọn lần lượt từng câu hỏi và trả lời mỗi câu hỏi trước khi qua câu hỏi tiếp theo.
Khi đã hoàn thành phần trả lời thì Click vào Buttion “Kết thúc”, xuất hiện hộp thoại: “Bạn chấp nhận các câu trả lời và kết thúc phần kiểm tra này?”, nếu học sinh còn đắn đo thì có thể click và “Cancel” để quay lại sửa các câu trả lời mà họ muốn.
Kết quả câu hỏi thông báo đến học sinh thông tin về tổng số câu hỏi, số câu hỏi và tỉ lệ % mà học sinh đã đạt được, thời gian đã sử dụng,…. Nếu chưa muốn kết thúc và xem lại câu hỏi thì click vào “Xem lại câu hỏi” để biết cụ thể đáp án các câu hỏi mà học sinh đã làm sai.
Kết quả cho phép thông báo đến học sinh các thông tin, đặc biệt có thể xem lại câu hỏi để biết cụ thể đáp án các câu mà học sinh đã làm sai.
NGƯT Nguyễn Thị Thúy cho biết, sử dụng QuizMaker Isping Presenter thiết kế bộ trắc nghiệm mang đến cho người học môi trường học tập tương tác đa chiều qua máy tính. Người học nhận được phản hồi ngay khi thực hiện bài trắc nghiệm.
Đồng thời, tạo cơ hội để học sinh luyện tập nhiều lần với sự thay đổi thứ tự và nội dung các câu trắc nghiệm, qua đó tự đánh giá sự tiến bộ trong học tập của chính bản thân học sinh.
Sử dụng QuizMaker Isping Presenter thiết kế bộ trắc nghiệm cũng giúp người dạy dễ dàng kiểm soát được hoạt động và sự tiến bộ của người học qua hệ thống email tự động thông báo đến GV khi HS đăng nhập thực hiện bài trắc nghiệm.
Cùng với đó, tiếp cận, nghiên cứu và sử dụng các phần mềm giáo dục phù hợp sử dụng để dạy học.
Xem hệ thống câu hỏi trắc nghiệm phần vẽ kĩ thuật - Công nghệ 11 được cô Nguyễn Thị Thúy xây dựng TẠI ĐÂY