Kinh nghiệm lồng ghép giới và hòa nhập xã hội từ các trường đại học phía Bắc

GD&TĐ - Sáng nay 28/8 tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị Tổng kết “Lồng ghép giới và Hòa nhập xã hội: Nỗ lực và thành quả của các trường đại học miền núi Phía Bắc Việt Nam”.

Các đại biểu tham gia Hội nghị
Các đại biểu tham gia Hội nghị

Hội nghị là một phần của chương trình “Nâng cao chất lượng các trường đại học Miền núi Phía Bắc Việt Nam” do Chính phủ Australia hỗ trợ thông qua chương trình Australia cùng Việt Nam Phát triển Nguồn Nhân lực (Aus4Skills).

Các hoạt động được thiết kế nhằm hỗ trợ  các trường giải quyết các vấn đề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường về chất lượng trong giáo dục và nghiên cứu, chưa thu hút và thiết lập được nhiều mối quan hệ hợp tác quốc tế, và gặp khó khăn trong việc thu hút và giữ chân cán bộ và sinh viên giỏi.  

Đây là các vấn đề nhiều trường đại học ở Việt Nam đang phải đối mặt, trong đó các trường đại học được Aus4Skills hỗ trợ là Đại học Thái Nguyên, Trường Đại học Nông lâm – Đại học Thái Nguyên, và Trường Đại học Tây Bắc. Các trường đại học này nằm ở vùng miền núi phía Bắc, nơi có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn, tỷ lệ dân tộc thiểu số cao và như vậy số lượng sinh viên dân tộc thiểu số ở mỗi trường cũng cao.

Các đại biểu tham luận tại Hội nghị
Các đại biểu tham luận tại Hội nghị

Như ở Trường ĐH Tây Bắc có tới khoảng 80% sinh viên là người dân tộc thiểu số, với tỷ lệ thành công trong học tập thấp hơn. Để hỗ trợ xây dựng năng lực của các trường đại học này trong việc giải quyết các vấn đề nêu trên, trong quá trình tham vấn với các trường đại học, QUNIS tập trung vào các chủ đề: Quản trị, Lãnh đạo và Lập kế hoạch Chiến lược; Hệ thống và công cụ Bảo đảm Chất lượng; Đổi mới chương trình giảng dạy để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường lao động, đặc biệt là khu vực tư nhân, và Phương pháp dạy tích cực và hòa nhập.

Tham luận của đại diện đến từ các trường đại học trên đã làm rõ chủ đề công bằng giới và tăng cường mối liên kết giữa các trường đại học Việt Nam và Australia được nhấn mạnh trong tất cả các chủ đề trên. Với sự trợ giúp của chương trình Aus4Skills, các nhóm đi theo hai cách tiếp cận: Đề cập đến chủ đề công bằng giới như một chủ đề riêng biệt, và Lồng ghép vấn đề công bằng giới vào mọi hoạt động. Thông qua cách tiếp cận này, chủ đề bình đẳng giới đã được lồng ghép trong tất cả các hoạt động như một chủ đề xuyên suốt.

Hội nghị đã góp phần làm rõ việc “Lồng ghép giới và Hòa nhập xã hội: Nỗ lực và thành quả của các trường đại học miền núi Phía Bắc Việt Nam”. Những thông tin từ hội thảo không chỉ là những báo cáo về kết quả mà còn là sự chia sẻ kinh nghiệm từ việc thực hiện các hoạt động thúc đẩy công bằng giới, nhấn mạnh sự cam kết của lãnh đạo trường đại học, cán bộ, giảng viên và các bên liên quan khác trong các vấn đề lập kế hoạch, tài trợ và lên ngân sách cho các sáng kiến về công bằng giới tại trường ĐH Tây Bắc, ĐH Thái Nguyên, và trường ĐH Nông lâm - ĐH Thái Nguyên.

"Trường ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) luôn xác định bình đẳng giới là một trong những cái hoạt động mang tầm chiến lược. Để đẩy mạnh thực hiện, nhà trường đã xây dựng và triển khai các hoạt đông, đưa nội dung bình đẳng giới vào nghị quyết đại hội Đảng. Từ nhiệm kỳ trước chúng tôi đã đưa hoạt động bình đẳng giới vào chiến lược phát triển nhà trường.

Các mục tiêu được đưa ra để làm sao đưa đến cân bằng giới tương ứng với tỷ lệ nữ làm việc trong trường. Hiện nay, Trường ĐH Nông lâm đang có gần 600 cán bộ nữ chiếm tới 51%, chúng tôi luôn xác định từ việc làm đến tuyển dụng đều có sự ưu tiên cho những đối tượng người khuyết tật và đối tượng nữ nhằm tạo điều kiện và môi trường phát triển". - PGS.TS Trần Văn Điền, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ