Những con số kinh hoàng.
Người dân xứ Nghệ chưa hết bàng hoàng, đau đớn trước cảnh tượng thương tâm khi cùng một lúc, 3 học sinh Trường THPT Lê Viết Thuật (TP Vinh) tử nạn trong hồ nước chùa Phong Phạn (Thị trấn Xuân An, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) vào sáng 23/7 thì lại liên tiếp chứng kiến những cái chết oan uổng, thương tâm của các em nhỏ:
Ngày 1/8, hai chị em ruột là Vi Thị Na (12 tuổi) và Vi Thị Niềm (11 tuổi) cùng với em Lê Thị Nhật Quyên (12 tuổi) cùng trú ở thôn Quyết Tâm (Quỳnh Lập, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An) rủ nhau đi bắt ốc.
Do sục vào chỗ nước sâu và không biết bơi nên 3 em đã bị dòng nước nhấn chìm. Những người dân lặn ngụp rất lâu mới vớt được xác của 3 em ở dưới đáy sông.
Khi vớt lên các em còn níu lấy nhau, thân thể tím tái, em Quyên còn cầm chặt con ốc trong tay. Không thể tả hết nỗi đau thương mà gia đình nạn nhân phải gánh chịu.
Trường hợp gần đây nhất là chiều 6/8, em Hồ Thị Duyên (học sinh lớp 5), Hồ Thị Trang và Phạm Thị Minh Nguyệt (cùng học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) rủ nhau ra bãi biển gần nhà tắm.
Bất ngờ một đợt sóng lớn ập vào đã cuốn trôi cả 3 em. Đến tối cùng ngày, thi thể của 3 em mới được tìm thấy. 3 chiếc quan tài nối nhau ra nghĩa địa trong trời chiều ảm đạm khiến lòng người quặn thắt xót thương.
Theo thống kê sơ bộ, từ đầu năm 2014 đến nay, trên địa bàn Nghệ An đã có trên 30 trẻ em bị chết đuối, trong đó nhiều vụ tai nạn đuối nước hết sức thương tâm, khiến cả nhóm 2-3 em chết đuối.
Không chỉ địa bàn Nghệ An mà tại tỉnh lân cận Hà Tĩnh con số trẻ tử vong do đuối nước cũng chẳng kém. Theo thống kê chưa đầy đủ đầu năm 2014, đến nay trên địa bàn Hà Tĩnh đã có hơn 20 trẻ em bị chết đuối .
Có những trường hợp 4 trẻ nhỏ chết đuối cùng lúc, có những trường hợp cả anh chị em trong một gia đình đã vĩnh viễn ra đi.
Biện pháp chưa hiệu quả.
Trước thực trạng đuối nước ở trẻ em xảy ra liên tục, các cơ quan chức năng Nghệ An và Hà tĩnh cũng đã có nhiều biện pháp nhằm hạn chế tai nạn này.
Bà Nguyễn Thị Mĩ Lương - Phó trưởng phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Nghệ An) cho biết:
“Năm nào Sở cũng gửi công văn chỉ đạo các huyện về thực hiện phòng chống đuối nước cho trẻ em. Rất nhiều biện pháp được triển khai như tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức về an toàn giao thông đường thủy, nhắc nhở các huyện chỉ đạo các văn bản của UBND tỉnh, và kế hoạch liên ngành về phòng chống đuối nước; Chỉ đạo các huyện xây dựng mô hình “ngôi nhà an toàn”.
Tổ chức các lớp dạy bơi, học bơi và kĩ năng cứu đuối tại một số huyện, thị. Trong tháng 7 này Sở đã tổ chức chỉ đạo 2 huyện Quỳnh Lưu và Nghi Lộc là 2 huyện có đuối tỉ lệ đối nước cao tổ chức tập huấn dạy bơi và kĩ năng cứu đuối cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn…”
Với những nỗ lực như vậy, nhưng theo đánh giá của dư luận thì những biện pháp của các cơ quan chức năng vẫn chưa phát huy hiệu quả.
Các lớp tập huấn dạy bơi và kĩ năng cứu đuối này rất ngắn ngày và chỉ áp dụng cho một số em ở một vài huyện rồi những “hạt nhân” này về sẽ dạy bơi cho các em ở cơ sở.
“Về cơ sở không có kinh phí, địa điểm bơi cũng không, thì rất khó thực hiện và nhân rộng biện pháp này. Nếu có thực hiện cũng chỉ là hình thức. Theo tôi, công tác phòng chống tai nạn đuối nước ở các địa phương chủ yếu vẫn là tuyên truyền, vận động bề nổi.
Tính chất dồn dập của bi kịch đuối nước tự nó cho thấy những nỗ lực lâu nay của xã hội, các ngành chức năng và gia đình là rất hạn chế” - Ông Nguyễn Văn, một nhà giáo về hưu về nói.
Còn về việc dạy bơi ở các trường học: Cuối năm 2009, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Giáo dục&Đào tạo xây dựng lộ trình để năm 2015 đưa bộ môn bơi vào chương trình bắt buộc dành cho học sinh phổ thông. Hiện nay, chương trình dạy bơi đã thực hiện thí điểm ở 10 địa phương trên cả nước.
Tuy nhiên, để thực hiện hiệu quả và triển khai rộng rãi cần phải có lộ trình như: Đầu tư xây dựng hồ bơi tại các trường học, chuẩn bị đội ngũ giáo viên.
Vậy nên chương trình dạy bơi ở các trường học Nghệ An nói riêng và cả nước nói chung chưa triển khai hiệu quả. Theo ông Nguyễn Trọng Hoàn - Phó Chánh Văn phòng Sở GD&ĐT Nghệ An, thì việc thí điểm dạy bơi cho học sinh các trường học hiện nay mới chỉ thực hiện… trên giấy.
Hãy tự cứu mình…
“Hãy tự cứu lấy mình…” Đó là câu nói “bất hủ” của ông Nguyễn Đức Vĩnh - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn (Nghệ An) và ông đã thực hiện được điều này. Anh Sơn là địa bàn có hệ thống sông suối chằng chịt, nhiều học sinh đi học phải qua đò ngang.
Để hạn chế thấp nhất tình trạng đuối nước ở học sinh, từ năm 2007, Phòng GD&ĐT huyện Anh Sơn đã tự tổ chức tập bơi cho học sinh và duy trì từ đó đến nay rất hiệu quả.
Ông Vĩnh cho biết, địa phương không có bể bơi nên phải chọn những khúc sông không có nước chảy xiết, đóng cọc chăng dây để tổ chức dạy bơi cho các em. Phòng GD&ĐT tự lo liệu kinh phí, chủ động mời giáo viên, huấn luận viên bơi lội dạy bơi cho các em.
“Việc dạy bơi cho các em trên sông, không được an toàn, nhưng “Túng thì phải tính”, để giúp các em nắm được kiến thức cơ bản, ý nghĩa của bơi lội và có kĩ năng cứu đuối nhằm tránh những tai nạn đáng tiếc xảy ra” - Ông Vĩnh nói.
Đến nay, hầu hết học sinh từ tiểu học đến THPT trên địa bàn huyện Anh Sơn đều nắm được cơ bản về kiến thức bơi lội và kĩ năng cứu đuối. Chính vì vậy mà nhiều năm qua, huyện này rất hiếm xảy ra tình trạng học sinh bị đuối nước.
Có lẽ đây là mô hình dạy bơi độc đáo và hiệu quả nhất trên cả nước. Đã có rất nhiều Phòng GD&ĐT trong và ngoài tỉnh đến để tham quan học tập mô hình này nhưng tiếc rằng họ về không áp dụng tại địa phương mình?
Cũng có địa phương như huyện Yên Thành, người dân đã tự phát đưa con em ra sông tập bơi. Cứ chiều đến, hàng trăm người dân đưa con em mình ra sông Vếch Nam để tập bơi mà không có sự bảo hộ như chăng dây hay huấn luyện viên bơi lội đi kèm.
Chính điều này rất nguy hiểm vì dòng sông nước chảy mạnh rất dễ xảy ra tai nạn. Điều nữa là nước sông nơi đây luôn đục ngầu vì ô nhiễm do khai thác khoáng sản ở thượng nguồn.
Nhiều trẻ đã bị đau mắt hột và bị một số bệnh ngoài da khi tắm trên con sông này. Mặc dầu vậy, nhưng để tự cứu mình người dân nghèo quê lúa đã bất chấp những điều đó để cho con em mình biết bơi.
Với những gì đã nêu trên, phải chăng sự lơ là, thiếu quan tâm, thậm chí thiếu trách nhiệm của người lớn đã kéo dài thêm danh sách những trẻ em chết đuối vốn rất dài ở nước ta?
Rồi đây sẽ có chương trình dạy bơi trong trường học nhưng trước khi lộ trình này được phổ cập rộng rãi thì các em học sinh cần phải tự cứu lấy mình, tránh những nơi có ao hồ, sông suối nguy hiểm.
Chính quyền địa phương cần phối hợp với nhà trường và gia đình thường xuyên giáo dục, cảnh báo cho các em về tai nạn đuối nước. Kiến thức Toán, Lý, Hóa, Văn, Sử, Địa rất cần, nhưng nếu chúng ta không dạy và học cách phòng chống chết đuối, nhiều khi các kiến thức này trở nên vô nghĩa trước tai nạn sông nước.