Kinh doanh ế ẩm, nhiều cửa hàng ở thành phố Vinh đóng cửa cắt lỗ

GD&TĐ - Do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, nhiều chủ cửa hàng kinh doanh mặt phố và trong các chợ ở thành phố Vinh (Nghệ An) phải đóng cửa hoặc sang nhượng ki ốt để cắt lỗ.

Kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương phải đóng cửa hoặc sang nhượng ki ốt.
Kinh doanh ế ẩm, nhiều tiểu thương phải đóng cửa hoặc sang nhượng ki ốt.

Từ sau Tết Nguyên đán, tình hình dịch Covid-19 ở thành phố Vinh (Nghệ An) diễn biến phức tạp, số ca nhiễm trung bình hơn 400 người/ngày. Có thời điểm, 22/25 phường xã của thành phố Vinh là vùng đỏ (cấp độ 4).

Mặc dù thành phố Vinh đã chuyển sang trạng thái bình thường mới, tuy nhiên dịch Covid-19 vẫn ảnh hưởng xấu đến đời sống người dân, việc kinh doanh sản xuất bị đình trệ. Tại nhiều tuyến phố vốn nổi tiếng sầm uất thì nay đìu hiu, ế ẩm, nhiều cửa hàng cửa đóng then cài.

Theo ghi nhận của PV, tại những tuyến phố lớn của thành phố Vinh như đường Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong, Đinh Công Tráng… dù đã qua Tết từ lâu nhưng nhiều cửa hàng vẫn chưa mở cửa. Dạo một vòng trên các tuyến phố này, không khó để bắt gặp các ki ốt treo biển cho thuê, chuyển nhượng cửa hàng.

Kinh doanh ảm đạm khiến nhiều tiểu thương bán đồ thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp... phải đóng cửa.
Kinh doanh ảm đạm khiến nhiều tiểu thương bán đồ thời trang, mỹ phẩm, làm đẹp... phải đóng cửa.
Nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ cửa đóng then cài.
Nhiều cửa hàng trên đường Nguyễn Văn Cừ cửa đóng then cài.

Chị Trần Thị Lan Trinh (trú phường Quán Bàu) chủ cửa hàng kinh doanh mỹ phẩm trên đường Nguyễn Văn Cừ cho biết, do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng khách hàng đến mua hàng giảm sút nghiêm trọng. Trong khi đó, tiền thuê mặt bằng, tiền thuê nhân viên cao nên cửa hàng của chị nhiều tháng thua lỗ nặng. Chính vì thế, chị Trinh quyết định đóng cửa hàng để cắt lỗ, chờ đợi dịch lắng xuống.

“Chi phí thuê mặt bằng, nhân viên, tiền điện, nước… mỗi tháng gần 50 triệu đồng. Dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến kinh tế khó khăn, số lượng khách chi tiền để mua mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp cũng giảm hẳn. Chính vì thế tôi quyết định đóng cửa hàng để tránh lỗ, tiết kiệm tiền thuê nhân viên. Những khách hàng quen tôi chủ động thông báo cho họ, khi cần sẽ tư vấn và giao hàng tận nơi”, chị Trinh chia sẻ.

Không chỉ những người đi thuê mặt bằng như chị Trinh gặp khó khăn, các chủ nhà cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Vì khách trả lại mặt bằng nên chủ nhà mất đi nguồn thu nhập. Để chia sẻ khó khăn cũng như mong muốn có người thuê lâu dài, nhiều chủ mặt bằng kinh doanh đã phải giảm giá cho thuê từ 10-30%.

Theo tìm hiểu, tại các tuyến đường lớn như Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập, Lê Hồng Phong… giá thuê mặt bằng có xu hướng giảm mạnh. Trước đây mỗi cửa hàng có diện tích từ 100-200m2 có giá thuê 20-50 triệu đồng/tháng (tùy hình thức, kết cấu xây dựng) thì nay giảm xuống còn 15-30 triệu đồng/tháng.

Mặc dù đã giảm giá nhưng chủ nhà vẫn khó kiếm người thuê mặt bằng.
Mặc dù đã giảm giá nhưng chủ nhà vẫn khó kiếm người thuê mặt bằng.

Trong khi đó, những tuyến phố như Đinh Công Tráng, Kim Đồng, Nguyễn Đức Cảnh… giá thuê mặt bằng cũng giảm từ 10-20 triệu đồng/tháng xuống còn 7-15 triệu đồng/tháng. Mặc dù giảm giá, tuy nhiên, để tìm được khách thuê vào thời điểm này là không hề đơn giản, không ít ki ốt phải bỏ trống nhiều tháng liền.

Trên các sàn thương mại điện tử có đăng thông tin mảng bất động sản như chovinh.com; sosanhnha.com; batdongsan.com.vn; chotot.vn… có hàng nghìn tin rao cho thuê, chuyển nhượng ki ốt kinh doanh tại khu vực thành phố Vinh. Tuy nhiên, số lượng người vào xem, quan tâm thuê mặt bằng lại rất ít ỏi.

Không chỉ trên các tuyến phố lớn, tình trạng kinh doanh ảm đạm cũng diễn ra tại nhiều chợ ở địa bàn thành phố Vinh. Đơn cử như tại chợ Vinh - chợ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ hiện nay chỉ có 2/3 số lượng ki ốt mở cửa kinh doanh.

Khoảng 1.200 ki ốt tại chợ Vinh đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.
Khoảng 1.200 ki ốt tại chợ Vinh đóng cửa, tạm ngừng kinh doanh.

Ông Nguyễn Hữu Đắc – Trưởng ban Quản lý chợ Vinh cho biết, việc các tiểu thương đóng cửa hàng tạm ngừng kinh doanh là do ảnh hưởng dịch Covid-19, khách đến mua ít, hàng hóa ế ẩm. Bên cạnh đó, có nhiều tiểu thương bị nhiễm bệnh nên phải điều trị, cách ly tại nhà.

“Chợ Vinh có hơn 3.600 ki ốt, tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch nên hiện nay chỉ có 2/3 trong số đó mở cửa kinh doanh. Những gian hàng đóng cửa nhiều chủ yếu là quần áo, vải, hàng mã, hàng khô, tạp hóa, bia rượu... Tình trạng đóng cửa hàng không chỉ gây thiệt hại đến đời sống, kinh tế của các tiểu thương mà nguồn thu của Ban Quản lý chợ cũng giảm sút nghiêm trọng”, ông Đắc nói thêm.

Hiện nay, để kích cầu tiêu dùng, nhiều cửa hàng ở thành phố Vinh phải áp dụng các chương trình khuyến mãi, giảm giá, tri ân khách hàng... Một số cửa hàng phải cắt giảm chi phí hoạt động, giảm số lượng nhân viên, hạn chế nhập hàng số lượng lớn để tránh thua lỗ. Các chủ nhà cho thuê mặt bằng thì cam kết giảm giá cho thuê, giãn thời gian đóng tiền với hy vọng có khách hàng gắn bó lâu dài, tránh lãng phí mặt bằng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ