Kiev nhận F-16 chỉ là giải pháp tình thế

GD&TĐ -Tuyên bố trên được cố vấn lực lượng Không quân Ukraine, Yuriy Ignat đưa ra khi nói về gói viện trợ chiến đấu cơ phương Tây dành cho nước này.

Tiêm kích F-16.
Tiêm kích F-16.

Theo ông Yuriy Ignat, Ukraine muốn nhận máy bay chiến đấu F-16 do Mỹ sản xuất vì Kiev sẽ phải chờ đợi rất lâu để có được các máy bay phương Tây khác.

"F-16 cho đến nay là loại máy bay chiến đấu phổ biến nhất trên thế giới: khoảng 4.500 chiếc loại này đã được sản xuất. Trong khi các máy bay khác như Typhoon của châu Âu, Gripen của Thụy Điển và Rafale của Pháp sẽ phải chờ đợi.

Ngay bây giờ chúng tôi đang rất cần chiến đấu cơ", cố vấn Yuriy Ignat nói trên sóng truyền hình quốc gia Ukraine.

Bất chấp việc Ukraine tuyên bố nhận F-16 chỉ là giải pháp thay thế khi chờ đợi những chiến đấu cơ khác đến từ châu Âu nhưng Tổng thống Mỹ Joe Biden hiện vẫn tuyên bố loại trừ việc chuyển giao F-16 cho Ukraine khi được hỏi về khả năng trang bị máy bay này cho Kiev.

"Theo quân đội của chúng tôi, hiện tại, không có cơ sở nào để cung cấp F-16 cho Không quân Ukraine", NBC dẫn lời Tổng thống Mỹ Biden hồi tháng 3/2023.

Đài NBC cho biết thêm, hiện Mỹ đang tiến hành huấn luyện phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16 nhưng công việc này không thể hiện lập trường của Washington về việc chuyển giao chiến đấu cơ F-16 cho Kiev sẽ thay đổi.

Trong khi vị cố vấn của Không quân Ukraine coi F-16 chỉ là giải pháp thay thế thì phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng nước này Yuriy Sak lại cho rằng, F-16 là cứu tinh không chỉ đối với Không quân Ukraine.

"Để hiểu lý do chúng tôi cần F-16, hãy nhìn lại những gì diễn ra trong những ngày qua, khi Ukraine bị tập kích bằng máy bay không người lái (UAV). Lực lượng phòng không chúng tôi chỉ có thể bắn hạ được rất ít UAV đối phương", ông Yuriy Sak nói.

Theo ông Yuriy Sak, Ukraine hiểu rất rõ F-16 là mẫu tiêm kích phức tạp, cần đào tạo nhân sự vận hành và mỗi phi công cần đội kỹ thuật 25-30 người phục vụ, nhưng lưới phòng không sẽ không hoàn thiện nếu thiếu F-16.

"Để đảm bảo những vụ tập kích như vậy bị đẩy lùi, tiêm kích F-16 là không thể thiếu với hệ thống phòng không và không quân của chúng tôi", ông nói.

Ông Yuriy Sak nhắc lại rằng phương Tây từng nhiều lần miễn cưỡng cung cấp cho Ukraine một số loại khí tài như pháo phản lực HIMARS, tên lửa Patriot, xe tăng chủ lực, nhưng Kiev cuối cùng cũng sẽ nhận được chúng.

"Do đó, chúng tôi yêu cầu hãy chuyển tiêm kích cho chúng tôi càng sớm càng tốt", ông Sak nói.

Chuyên gia Justin Bronk tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) cảnh báo dù tiêm kích phương Tây có thể mang đến năng lực lớn hơn cho Ukraine, lưới phòng không của Nga sẽ buộc chúng phải bay thấp khi yểm trợ mặt đất và hạn chế hiệu quả tác chiến.

Nga và Ukraine đều không kiểm soát bầu trời, do đó vai trò của không quân ít nổi bật trong cuộc xung đột vốn được định hình chủ yếu bằng pháo binh.

Các tổ hợp phòng không S-300 từ thời Liên Xô của Ukraine cùng hệ thống tên lửa do phương Tây viện trợ từng hạn chế tiêm kích Moscow tiến sâu vào không phận Kiev.

"Những lần hạn chế đó chỉ được coi là tình huống nhất định nào đó bởi với năng lực của phòng không và không quân hiện tại của Ukraine, việc chặn các đợt tấn công của chiến đấu cơ Nga là điều gần như không thể", chuyên gia Justin Bronk nói.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ