Kiến vườn đen (black garden ant) có tập tính tập trung phân tại góc tổ trong khi các chất thải khác được mang ra ngoài. Ảnh minh họa: Steven Siewert |
Theo nghiên cứu đăng trên PLOS One, các nhà khoa học phát hiện loài kiến vườn đen (black garden ant) không ra ngoài tổ để "đi vệ sinh", mà chọn một khu vực riêng tiện lợi và thoải mái bên trong.
Họ nuôi 21 đàn kiến vườn đen bên trong những chiếc tổ nhân tạo, cho chúng ăn thức ăn có nguồn gốc từ đường nhuộm màu, tạo ra chất thải có màu tương tự. Kết quả cho thấy những con kiến chỉ "giải quyết" trong các góc "nhà". Chất thải khác như thức ăn thừa hay xác những con cùng tổ đều được đưa ra ngoài.
"Các loài côn trùng sống theo bầy đàn đã thiết lập một số chiến lược xử lý phân và chất thải, như việc đưa chất thải ra khỏi tổ và tạo ra những phòng chứa chất thải chuyên biệt", các nhà nghiên cứu cho biết.
"Chúng thực hiện điều đó không chỉ nhằm có được sự thỏa mãn, mà vì nó đem tới lợi ích thiết thực nào đó", National Geographic dẫn lờiTomer Czaczkes, người dẫn đầu nghiên cứu, nói.
"Trong một vài trường hợp, các chất thải và phân được kiến tái sử dụng thành vật liệu xây tổ hay làm dấu hiệu. Điều này cho thấy phân và chất thải không phải lúc nào cũng nguy hiểm", ông Czaczkes nhận định.
Việc tìm hiểu cách thức động vật xử lý chất thải và phòng ngừa dịch bệnh trong điều kiện sống đông đúc có thể gợi ý cho các biện pháp xử lý chất thải của người trong tương lai.