Kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi lợi ích nhóm trong thi hành pháp luật

GD&TĐ - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu thực hiện đồng bộ giải pháp, xử lý nghiêm các hành ‘lợi ích nhóm’, ‘lợi ích cục bộ’ trong thi hành pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại hội nghị.

Ngày 7/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị toàn quốc lần thứ hai triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường lần thứ 5, Quốc hội khóa XV.

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ họp bất thường thứ 5 đã quy định những vấn đề căn bản về đất đai; nhà ở; kinh doanh bất động sản; tài nguyên nước; viễn thông; các tổ chức tín dụng; căn cước...

Về công tác truyền thông, Chủ tịch Quốc hội nhận thấy, hiện tượng khá mới là sự tham gia của mạng xã hội trong công tác thông tin, tuyên truyền về các dự án luật, nhất là dự án Luật Đất đai.

Chủ tịch Quốc hội bày tỏ vui mừng khi có những TikToker, blogger phân tích Luật Đất đai, định nghĩa thế nào người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài gốc Việt Nam...

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Đề cập thêm vai trò của mạng xã hội trong truyền thông cho một số tác phẩm điện ảnh Nhà nước đặt hàng, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, nếu không có hiệu ứng truyền thông xã hội thì người dân cũng không biết đến phim Đào, Phở và Piano. "Đây là kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cần nghiên cứu kỹ hiện tượng này", Chủ tịch Quốc hội trao đổi.

Nhấn mạnh nhiều nhiệm vụ trọng tâm khi triển khai luật, nghị quyết của Kỳ họp thứ 6, Kỳ họp bất thường lần thứ 5 vừa qua, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức thực hiện các nội dung theo quy định trong luật, nghị quyết; kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh thuộc thẩm quyền trên cơ sở đề nghị của Chính phủ, cơ quan, tổ chức, đại biểu Quốc hội;

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Các đại biểu tham dự Hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ bám sát những yêu cầu, nhiệm vụ cụ thể về triển khai đối với từng luật, nghị quyết được thông qua tại Kỳ họp thứ 6 và Kỳ bất thường thứ 5 được nêu cụ thể trong báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sớm ban hành Danh mục văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, nghị quyết được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp bất thường thứ 5 và phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, gắn với thời hạn hoàn thành.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, văn bản quy định chi tiết các luật có mối quan hệ mật thiết với nhau như: Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản... nhưng không để chồng chéo, phát sinh vướng mắc, điểm nghẽn, phát sinh quy trình, thủ tục, “giấy phép con” trái quy định trong tổ chức thực hiện

Thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn kịp thời và kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “lợi ích cục bộ” trong thi hành pháp luật.

Khắc phục kịp thời, hiệu quả tình trạng đùn đẩy, né tránh, thiếu trách nhiệm trong một bộ phận cán bộ, công chức. Trong quá trình thực hiện, cần gắn kết chặt chẽ việc rà soát, kiến nghị xử lý các vướng mắc, bất cập trong các văn bản quy phạm pháp luật với việc rà soát, kiến nghị xử lý các thủ tục hành chính không phù hợp, gây phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp.

Toàn cảnh hội nghị.

Toàn cảnh hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội mong muốn và tin rằng những vấn đề được trao đổi tại Hội nghị sẽ trở thành bài học, kinh nghiệm quý, những vấn đề còn vướng mắc trong triển khai thi hành luật, nghị quyết sẽ có phương án giải quyết phù hợp. Qua đó, để công tác triển khai thi hành pháp luật ngày càng chuyên nghiệp, bài bản, đáp ứng được sự kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Trẻ em gái Pakistan phải làm ruộng thay vì được đi học.

Bất bình đẳng giáo dục tại Pakistan

GD&TĐ - Pakistan đối mặt với khủng hoảng giáo dục nghiêm trọng, khi hơn 26 triệu trẻ em không được đến trường, phần lớn ở các vùng nông thôn.