Kiên Giang chi 150 tỷ đồng khắc phục khẩn cấp sạt lở đê biển Tây

GD&TĐ - Ngày 18/2, UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, sau khi khảo sát tuyến thực trạng sạt lở đê Quốc phòng thuộc huyện An Minh, UBND thống nhất sử dụng nguồn kinh phí 150 tỷ đồng để xử lý khắc phục...

Đoàn khảo sát thực tế tuyến đê biển Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (ảnh Cổng TTĐT Kiên Giang).
Đoàn khảo sát thực tế tuyến đê biển Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh (ảnh Cổng TTĐT Kiên Giang).

Sáng nay 18/2, Đoàn công tác UBND tỉnh đã đến khảo sát tuyến thực trạng sạt lở đê Quốc phòng thuộc huyện An Minh. Dẫn đoàn công tác do đồng chí Lâm Minh Thành, Chủ tịch UBND tỉnh làm trưởng đoàn cùng lãnh đạo các Sở, ngành liên quan.

Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh, tổng chiều dài bờ biển An Biên - An Minh khoảng 70km, trong đó có trên 50km bị sạt lở. Để hạn chế sóng biển làm vở thêm đê bảo vệ dân sinh, sản xuất trong đê, UBND tỉnh đã ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển, đê biển và bố trí vốn khẩn cấp, thực hiện gia cố được trên 27km đê từ Mũi Rảnh- Xẻo Nhàu, Xẻo Nhàu- Chủ Vàng và Tiểu Dừa- Mười Thân.

Hiện nay toàn tuyến vẫn còn 23,2km đê bị sạt lở chưa được gia cố, trong đó tuyến đê biển từ Tiểu Dừa đến khu vực Vàm Kim Quy, dài khoảng 4,75km hiện bị sạt lở nghiêm trọng. Toàn tuyến rừng phòng hộ bị sạt lở mất 95%, đoạn Tiểu Dừa đến Cây Gõ đứt đê hoàn toàn.

Một đoạn đê Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh bị đứt hoàn toàn (ảnh Cổng TTĐT Kiên Giang).
Một đoạn đê Tiểu Dừa thuộc xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh bị đứt hoàn toàn (ảnh Cổng TTĐT Kiên Giang).

Qua buổi làm việc, ông Lâm Minh Thành - Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng: Việc khắc phục sạt lở tuyến đê biển An Biên – An Minh nói chung và nhất là tại khu vực từ Vàm Kim Quy đến Tiểu Dừa thuộc huyện An Minh, giáp ranh tỉnh Cà Mau là hết sức cấp thiết, thuộc trường hợp khẩn cấp đã được UBND tỉnh công bố.

Đồng thời, UBND tỉnh thống nhất sử dụng nguồn kinh phí 150 tỷ đồng được Trung ương hỗ trợ để xử lý khắc phục khẩn cấp. Tuy nhiên, do nguồn vốn có hạn trong khi nhu cầu khắc phục sạt lở thì nhiều, nên giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở, ngành rà soát, tính toán quy mô đầu tư hợp lý, đảm bảo việc xử lý khắc phục sạt lở kịp thời với phạm vi dài hơn.

Ngoài ra, kết hợp với các dự án khác đang được triển khai phía bên ngoài để phát huy hiệu quả đầu tư cao nhất trong việc phòng, chống sạt lở trước mắt và lâu dài, ổn định cuộc sống và sản xuất cho nhân dân vùng ven biển Tây của tỉnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ