Kiểm tra tiến độ góp ý Dự thảo 25 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp

GD&TĐ - Sáng nay (29/10), Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga chủ trì cuộc họp rà soát và kiểm tra tiến độ góp ý kiến cho dự thảo 25 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp (GDNN) do Bộ LĐ-TB&XH chủ trì soạn thảo. 

Kiểm tra tiến độ góp ý Dự thảo 25 Thông tư liên tịch hướng dẫn thực hiện Luật Giáo dục Nghề nghiệp

Cùng dự buổi họp có Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm; đại diện vụ, cục chức năng Tổng cục Dạy nghề (Bộ LĐ-TB&XH); đại diện các Cục, vụ chức năng Bộ GD&ĐT.

Theo báo cáo, tổng số 25 văn bản bao gồm 21 văn bản được Bộ LĐ-TB&XH gửi xin ý kiến ngày 28/7/2015. Các đơn vị được phân công gồm: Vụ GDCN: 6 văn bản; Cục KT&KĐCLGD: 5 văn bản; Cục NC&CBQLCSGD: 4 văn bản; Vụ GDĐH: 3 văn bản; Vụ TCKH; Vụ GDTX; Vụ QHQT: 1 văn bản. 

4 văn bản gửi bổ sung xin ý kiến ngày 12/8/2015, các đơn vị được phân công góp ý gồm: Vụ GD ĐH, Vụ CTHSSV, Cục CSVC&TBTHĐCTE, Cục KT&KĐCLGD. 

Báo cáo tình hình thực hiện đến nay đã có 18 văn bản của 6 đơn vị tổ chức xin ý kiến các đơn vị có liên quan góp ý về dự thảo thông tư liên tịch, trong đó: Cục KTKĐ: 5 văn bản; Vụ GDCN, Cục NGCB: 4 văn bản; Vụ GDĐH: 3 văn bản; Vụ GDTX, Vụ TCCB: 1 văn bản. 

Ngày 2/10/2015, Vụ Pháp chế đã có văn bản đôn đốc đẩy nhanh tiến độ góp ý các văn bản liên tịch, trong đó lựa chọn ưu tiên các văn bản hướng dẫn Luật GDNN. Bộ Giáo dục & Đào tạo cũng đã có 2 công văn gửi Bộ LĐ-TB&XH góp ý 4 dự thảo Thông tư liên tịch, trong đó có 2 thông tư liên tịch hướng dẫn Luật GDNN.

Sau khi nghe báo cáo, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đôn đốc và chỉ đạo các vụ, cục chức năng tiếp tục khẩn trương lấy ý kiến cơ sở về các dự thảo thông tư liên tịch. Các văn bản đã có ý kiến chính thức sẽ khẩn trương ban hành trong tháng 11, đồng thời sẽ tiếp tục chuyển tới Bộ LĐ-TB&XH các văn bản góp ý khác. 

Tại buổi họp, Thứ trưởng Bùi Văn Ga và Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Cao Văn Sâm cùng thống nhất phương thức làm việc, trao đổi thông tin giữa hai Bộ nhằm kịp thời chỉnh sửa nội dung các văn bản, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các thông tư liên tịch thực hiện Luật GDNN.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ