Trước hết, là nhằm tạo điều kiện và giúp cho mỗi CBCC trau dồi, nghiên cứu, học tập các kỹ năng, nghiệp vụ của mình trên cơ sở các chức năng, nhiệm vụ của ngành.
Công tác này giúp CBCC nâng cao kiến thức, trình độ, kỹ năng một cách toàn diện về lĩnh vực công tác, không những với công việc đang đảm nhiệm mà có thể biết và làm được những việc ở các phòng chuyên môn khác trong ngành. Điều này nhằm hướng đến mỗi CBCC giỏi một việc, biết nhiều việc, làm được nhiều việc. Việc thường xuyên sát hạch nghiệp vụ buộc CBCC, người lao động phải luôn tìm tòi, học tập nâng cao trình độ để đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của công việc trong tình hình mới nhằm phục vụ tốt hơn yêu cầu của công dân, tổ chức.
Mặt khác, kết quả kiểm tra, sát hạch về kỹ năng, nghiệp vụ giúp cho lãnh đạo cơ quan, đơn vị có cơ sở quan trọng đánh giá thực chất về trình độ, năng lực, khả năng tác nghiệp của từng CBCC làm căn cứ trong việc chuyển đổi, sắp xếp, bố trí vị trí làm việc cho phù hợp, đúng với khả năng, sở trường của từng người, giúp cho họ phát huy được thế mạnh về kiến thức pháp luật, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, việc duy trì phương thức kiểm tra về kỹ năng, nghiệp vụ của CBCC hàng năm sẽ là căn cứ, tiêu chí cụ thể quan trọng nhất để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ và xét thi đua, khen thưởng hành năm cũng như đề bạt, bổ nhiệm cán bộ khách quan hơn, chính xác hơn. Tránh tình trạng khá phổ biến hiện nay là nhiều cơ quan, đơn vị không bố trí, đề bạt, bổ nhiệm đúng hoặc khó. Bởi vì, không có cơ sở, tiêu chí cụ thể để đánh giá thông qua năng lực, trình độ nên khi thì triển khai lúng túng chung chung, hình thức hoặc do định kiến chủ quan, tình cảm cá nhân chi phối trong công tác cán bộ.
Bên cạnh đó, việc này góp phần chấm dứt tâm lý khá phổ biến hiện nay của một số bộ phận CBCC là cứ vào được cơ quan Nhà nước là coi như xong, không cần phải học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ, kiến thức gì thêm nữa. Minh chứng cho điều này là tình trạng nhiều CBCC, người lao động lười nghiên cứu, học hỏi để nâng cao trình độ, năng lực, không đáp ứng yêu cầu, không hoàn thành nhiệm vụ được giao. Theo thống kê sơ bộ của nhiều địa phương có 30 đến 50% CBCC “có cũng được, không có cũng được”. Theo kiểu “sáng cắp ô đi, chiều cắp ô về” nhưng cuối tháng vẫn nhận lương, nhận thưởng như những người có năng lực, làm việc thực chất, hiệu quả cao.
Do đó, việc tổ chức kiểm tra, sát hạch về nghiệp vụ đối với CBCC theo định kỳ là cơ sở quan trọng, chính xác để sàng lọc, loại bỏ những CBCC không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ra khỏi các cơ quan Nhà nước; đồng thời, là căn cứ, cơ sở tuyển chọn, bổ sung nguồn cán bộ thật sự có tài, có tâm phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân.