Ryusei lau nước mắt cho những khách hàng tham gia buổi hội thảo kỳ lạ (Nguồn: BBC).
Tại các phòng hội thảo này, khách tới dự được cho xem một đoạn phim cảm động về tình cảm cha con, hay một loài động vật có tình cảnh đáng thương… Chỉ vài phút sau đó, những tiếng sụt sịt bắt đầu và lúc kết thúc đoạn phim cũng là lúc những giọt nước mắt xuất hiện.
Đó là lúc mà Ryusei xuất hiện, đi khắp căn phòng cùng một chiếc khăn tay, nhẹ nhàng lau những giọt nước mắt đang lăn dài trên khuôn mặt của mọi người. Ông nhanh chóng gấp chiếc khăn lại cẩn thận sau mỗi lần lau để giữ một mặt khô cho khách hàng kế tiếp.
“Khi bắt đầu công việc này, tôi đã từng gặp phải nhiều tình huống oái oăm”- Ryusei, một người đàn ông trung niên có vẻ ngoài ưa nhìn và lịch thiệp kể lại về công việc kỳ lạ của mình. “Lúc đầu tôi cảm thấy rất khó để khóc, nhưng sau một thời gian tập luyện, tôi đã khóc được, và vì thế mà khách tới cũng khóc theo”.
Công việc kỳ lạ của Ryusei cũng mang cái tên kỳ lạ như tính chất của nó: “Ikemeso Danshi”, hay “gã đẹp trai lau nước mắt”. Ông được mời tới các buổi hội thảo mà mục đích là khiến cho người ta phải khóc vì xúc động. “Người Nhật thường không hay khóc trước mặt người khác. Nhưng một khi bạn làm vậy, không khí sẽ thay đổi, đặc biệt là trong môi trường làm ăn”- Ryusei nói.
Và ý tưởng sơ khai của các buổi hội thảo kỳ lạ này xuất phát từ việc phô bày giây phút đầy xúc cảm của một người cho những người khác trông thấy để giúp một nhóm người gắn kết tốt hơn khi làm việc chung.
Đa phần các đoạn phim ngắn được chiếu là về các con thú đáng thương hay mối quan hệ cha - con cảm động. Các công ty được quyền lựa chọn người lau nước mắt trong số rất nhiều người từ mọi ngành nghề và độ tuổi: Có khi là một nha sỹ đi làm thêm, một huấn luyện viên thể thao, đôi lúc là một giám đốc nhà tang lễ hay một người đánh giày... Độ tuổi có thể dao động từ 20-40.
Ở Tokyo, hiện có nhiều công ty cũng có các dự án tương tự như các buổi hội thảo được tổ chức chỉ để người trong công ty có được cái ôm nồng ấm, hay dịch vụ thuê bạn, thuê người trò chuyện cùng v.v… Nhưng ý tưởng về các cuộc hội thảo khiến người ta phải khóc thuộc về Hiroki Terai- một doanh nhân với quyết tâm giúp người Nhật thể hiện tốt hơn cảm xúc của mình.
Tất cả bắt đầu khi anh còn ở tuổi 16, phải trải qua quãng đời học sinh mà không có bạn bè, đến nỗi phải ngồi ăn trưa cô độc ở một phòng vệ sinh. “Đó là lúc tôi quyết định đi tìm kiếm cảm xúc thật của con người. Họ có thể cười ra mặt nhưng đó không hẳn là điều họ thực sự cảm thấy”- Hiroki nói.
Giải pháp mà Hiroki đưa ra là các buổi hội thảo giúp người tham dự bật khóc, và sau đó được an ủi bởi một người đàn ông đẹp trai. Nhiều người đến với các buổi hội thảo kiểu này thường bất ngờ về chính cảm xúc của họ, bởi không ai trước đó nghĩ rằng họ sẽ bật khóc.
Toàn bộ giả thuyết mà Hiroki đưa ra là người Nhật Bản có thể là khóc… chưa đủ. Vị doanh nhân này từng tự hỏi rằng liệu đây có phải là một sự rập khuôn hay không, nhưng đa phần những người đến tham gia đều đồng tình với giả thuyết của anh.
“Người Nhật thường không giỏi việc thể hiện cảm xúc của họ” -Terumi, một khách hàng tham gia dự án của Hiroki nói. “Những người làm việc tại các công ty cũng thường tránh thể hiện quan điểm hoặc cảm xúc của họ”.