Việc đưa ra những lựa chọn lành mạnh trong kỳ nghỉ Tết có thể là một thách thức đối với bất kỳ ai. Đối với những người mắc bệnh tiểu đường, điều đó còn khó khăn hơn.
Tiến sĩ Cecilia Low Wang - Giáo sư y khoa tại Trường Y khoa Anschutz thuộc Đại học Colorado (Mỹ) cho biết, sự gián đoạn công việc và các lễ ăn mừng đầy thực phẩm có thể “tàn phá khả năng tự kiểm soát bệnh tiểu đường của mọi người”.
Trong khi đó, theo bà Melissa Magwire - Giám đốc chương trình tại Liên minh Trung tâm Chuyển hóa Tim mạch ở thành phố Kansas, Missouri (Mỹ), các lựa chọn về lối sống và thực phẩm của người bệnh đóng vai trò rất quan trọng trong kiểm soát tiểu đường.
“Người bệnh có thể làm mọi thứ trong tầm kiểm soát của mình. Tuy nhiên, phản ứng của cơ thể với thực phẩm bạn đã ăn hoặc sự căng thẳng gặp phải có thể khác nhau mỗi ngày. Đó là lý do tại sao, khi nói về lời khuyên đối với cách quản lý bệnh tiểu đường trong kỳ nghỉ lễ, các chuyên gia đều nhấn mạnh rằng, điều đó không có nghĩa là phải có lối sống hoàn hảo.
Bà Magwire nói: “Tôi nghĩ một cách để mất kiểm soát là cho rằng, bạn có thể kiểm soát mọi thứ khi đang mắc bệnh tiểu đường”. Dưới đây là những biện pháp mà các chuyên gia đề xuất để giúp người bệnh kiểm soát tiểu đường trong thời điểm nghỉ lễ.
Xây dựng kế hoạch
Chuyên gia Magwire cho biết, bệnh tiểu đường là vấn đề cá nhân. “Nếu tôi tư vấn cho bốn bệnh nhân, cả bốn người đều có thể ăn cùng một bữa ăn. Tuy nhiên, họ sẽ phản ứng khác nhau với bữa ăn đó”. Do đó, nếu biết mình sắp ăn một số loại thực phẩm trong ngày lễ và hiểu rõ rằng, chúng ảnh hưởng đến tình trạng bệnh, hãy lên kế hoạch cụ thể.
Khi đó, người bệnh hãy tự hỏi bản thân: “Có cách nào để tôi điều chỉnh chế độ ăn uống của mình cho ngày hôm đó không? Làm sao để mình có thể ăn những món bản thân thích, nhưng vẫn duy trì mức đường huyết ở ngưỡng an toàn?”.
Nếu muốn ăn một bữa tối chứa nhiều carbohydrate, người bệnh tiểu đường hãy lên kế hoạch hấp thu protein ít chất béo vào bữa trưa. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể hỏi nhóm chăm sóc của mình về cách điều chỉnh insulin trước bữa ăn. Bên cạnh đó, khi đi du lịch, mọi người cần lập kế hoạch cụ thể.
Mang theo đồ ăn nhẹ để đảm bảo bản thân có những lựa chọn tốt cho sức khỏe. Trong khi đó, Low Wang - chuyên gia về nội tiết và quản lý bệnh tiểu đường cũng khuyến cáo, trong trường hợp đi du lịch, các bệnh nhân nên đảm bảo có đủ thuốc để vượt qua thời gian lưu trú kéo dài nếu chuyến bay bị hoãn.
Không nhịn đói
Việc bỏ bữa không nên nằm trong kế hoạch của các bệnh nhân tiểu đường. “Bạn có khả năng sẽ ăn quá nhiều trong bữa đó nếu đã nhịn cả ngày. Ngoài ra, việc không ăn có thể ảnh hưởng đến thuốc.
Trong khi thực tế, thuốc vốn đã được tính toán để đáp ứng nhu cầu của các bữa ăn”, bà Magwire cho biết và nhấn mạnh, việc nhịn đói hoặc ăn quá no cũng có thể dẫn đến lượng đường trong máu tăng vọt.
Hạn chế đồ uống có cồn
“Người bệnh tiểu đường thực sự cần phải cẩn thận”, chuyên gia Low Wang cho biết. Tùy thuộc vào đồ uống, rượu có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu. Cụ thể, bia và đồ uống hỗn hợp có đường chứa nhiều carbohydrate làm tăng lượng đường trong máu. Trong khi đó, rượu ngăn gan sản xuất lượng đường trong máu hoặc glucose. Các ảnh hưởng có thể xuất hiện vài giờ sau đó.
Bà Magwire cho biết, các triệu chứng của lượng đường trong máu thấp hoặc hạ đường huyết có thể bị nhầm lẫn với tác dụng của rượu. Vậy nên, người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu trước khi uống, trong và vài giờ sau đó.
Đồng thời, người bệnh cần nói với những người xung quanh biết rằng mình mắc tiểu đường. “Nếu bắt đầu hành động kỳ lạ, có thể không phải là bạn say rượu hay say xỉn. Đó có thể là bạn đang bị hạ đường huyết”, chuyên gia cho biết.
Áp dụng chiến thuật
Các chuyên gia gợi ý, người bệnh tiểu đường nên sử dụng một chiếc đĩa nhỏ hơn trong bữa ăn. “Tôi biết điều đó nghe có vẻ đơn giản”, bà Magwire nói và chia sẻ, nhiều bệnh nhân cho biết, phương pháp đó thực sự có tác dụng.
Ngoài ra, người bệnh hãy cam kết lấy những phần thức ăn không lớn hơn nắm tay của bạn. Hãy chú trọng vào protein và các loại rau lá xanh, cũng như thêm tinh bột và đồ ngọt sau cùng.
Bà Magwire nói: “Tôi không nói rằng, bệnh nhân tiểu đường không thể ăn những thứ đó. Tuy nhiên, hãy bổ sung nhiều chất dinh dưỡng hơn trước khi ăn thêm những đồ ngọt đó”.
Người bệnh cũng nên nhớ, chỉ vì một số đồ ở trên đĩa không có nghĩa là người bệnh phải ăn hết nó. “Khi cảm giác no, bạn nên dừng lại. Hãy lắng nghe cơ thể của bạn”, chuyên gia cho biết.
Ngủ đủ giấc
Chuyên gia Low Wang cho biết: “Tình trạng của bệnh tiểu đường không chỉ dừng lại ở chế độ ăn uống. Trong những ngày nghỉ lễ, cũng có rất nhiều tình huống khiến giấc ngủ bị gián đoạn”. Do đó, điều quan trọng là bệnh nhân cần lập kế hoạch để đối phó với điều đó.
Hãy đảm bảo phòng ngủ mát mẻ, tối và yên tĩnh. Hãy tuân thủ lịch trình ngủ và ngủ đủ từ 7 đến 9 giờ mỗi đêm như khuyến nghị dành cho người lớn. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, ngay cả một đêm mất ngủ cũng có thể làm tăng tình trạng kháng insulin.
Tìm cách đối mặt với căng thẳng
Căng thẳng có thể ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp đến việc quản lý bệnh tiểu đường. Theo chuyên gia Low Wang, căng thẳng làm tăng mức độ các hormone như adrenaline và cortisol có tác dụng chống lại tác dụng của insulin. Từ đó, làm tăng lượng đường trong máu.
Trong khi đó, căng thẳng cũng có thể cản trở giấc ngủ hoặc dẫn đến ăn quá nhiều. Bà Magwire cho biết, việc đặt ra những kỳ vọng thực tế trong kỳ nghỉ lễ có thể hữu ích. “Tôi nghĩ chúng ta tự chuốc lấy sai lầm khi mong đợi sự hoàn hảo trong những ngày nghỉ lễ”, chuyên gia chia sẻ.
Hãy đứng dậy và di chuyển
Nếu ngồi ô tô suốt 8 tiếng đồng hồ đến nhà người thân và ngay lập tức ăn một bữa no nê, thì sau đó, người bệnh nên cố gắng đi dạo hoặc tìm cách khác để cơ thể vận động. “Tôi không quan tâm nếu bạn đứng giữa phòng và vỗ tay. Điều đó cũng được tính là một hoạt động”, chuyên gia Magwire cho biết.
Theo các chuyên gia, khi tình trạng bệnh không ổn, điều quan trọng là mọi người không dằn vặt bản thân. Và bạn có thể tận hưởng mọi thứ khác trong những ngày nghỉ lễ. Việc quá lo lắng có thể ảnh hưởng đến cảm giác của người bệnh, nhưng không giúp ích gì cho diễn biến của bệnh tiểu đường.
Những người mắc bệnh tiểu đường có xu hướng khá khắt khe với bản thân. Họ thường nghĩ rằng, bản thân đã làm sai điều gì đó. Tuy nhiên, người bệnh nên tận hưởng thời gian và khoảnh khắc thay vì suy nghĩ tiêu cực.