Kích hoạt báo động đỏ cứu sống nam sinh 13 tuổi bị xe tải đâm trọng thương

GD&TĐ - Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TPHCM) kích hoạt quy trình báo động đỏ cứu sống nam sinh bị thương nặng do xe tải tông trên đường đi học về.

Sau gần 1 tháng điều trị tích cực trẻ phục hồi dần, được cai máy thở, thở khí trời tỉnh táo. Ảnh: BV.
Sau gần 1 tháng điều trị tích cực trẻ phục hồi dần, được cai máy thở, thở khí trời tỉnh táo. Ảnh: BV.

Vừa qua, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TPHCM) cứu sống 1 trường hợp đa chấn thương nặng nhờ áp dụng qui trình báo động đỏ. Đó là nam bệnh nhi M.T.H. (13 tuổi) ngụ ở Bình Chánh, TPHCM.

Theo bệnh sử, trẻ đi học bằng xe đạp điện có đội nón bảo hiểm bị xe tải tông, không rõ cơ chế chấn thương, nhập viện Bệnh viện Nhi đồng Thành phố. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da niêm nhạt, SpO2 84%, mạch nhẹ 120 l/ph, chi lạnh, huyết áp 70/50 mmHg, gãy cung xương sườn 7 trái, bụng chướng, Hct còn 14% (bình thường ở lứa tuổi này Hct 38-45%).

Các bác sĩ lập tức xử trí đặt nội khí quản giúp thở, thiết lập 2 đường truyền tĩnh mạch, truyền dịch chống sốc, đăng ký máu khẩn, kích hoạt qui trình báo động đỏ gồm các chuyên khoa ngoại tổng hợp, ngoại lồng ngực, gây mê hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, hồi sức ngoại, ngân hàng máu, chuyển trẻ chụp CT scan não ngực bụng.

Bệnh nhi được chuyển đến phòng mổ trong vòng 15 phút sau khi nhập viện. Các bác sĩ ghi nhận tổn thương qua chẩn đoán hình ảnh, siêu âm bụng. Bệnh nhi được chẩn đoán sốc mất máu/chấn thương lách độ IV, chấn thương gan độ IV, dập phổi xuất huyết phổi, gãy xương sườn 7,8,9 bên trái, xuất huyết não/TNGT giờ thứ 1...

Trẻ được phẫu thuật khẩn cấp ghi nhận vào ổ bụng, nhiều máu đỏ sẫm và cục máu đông trào ra ổ bụng, hút và lấy máu đông tích cực ra khỏi ổ bụng, chèn gạc vào các vị trí máu đang chảy, ghi nhận các tổn thương: 1/2 cực trên lách vỡ nát, 1/2 dưới cực dưới lách còn hồng...

Sau phẫu thuật, trẻ được chuyển khoa Hồi sức ngoại điều trị tiếp với dịch truyền kháng sinh, thuốc cầm máu, thuốc giảm đau, điều trị hỗ trợ gan vitamin K1, N acetyl cysteine truyền tĩnh mạch (do tình trạng gan tổn thương nặng men gan AST/ALT tăng cao trên 2000 đv/L), chống phù não.

Kết quả sau gần 1 tháng điều trị, tình trạng bệnh nhi cải thiện dần, rút được các ống dẫn lưu màng phổi, màng bụng, cai được máy thở, thở khí trời, tỉnh táo.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ