'Kích cầu' cho ngành khó tuyển sinh

GD&TĐ - Đến thời điểm này, trên 100 cơ sở giáo dục đại học thông báo xét tuyển bổ sung với khoảng 28.000 sinh viên. 

Tân sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Facebook của Học viện
Tân sinh viên Học viện Phụ nữ Việt Nam. Ảnh: Facebook của Học viện

Bên cạnh những trường có tín hiệu khả thi và hoàn tất tuyển sinh bổ sung, cũng có nhiều ngành được dự đoán “chật vật” để lấp đầy chỉ tiêu.

Bên khả thi, bên “vắng bóng”

Giới và Phát triển là ngành duy nhất của Học viện Phụ nữ Việt Nam được thông báo xét tuyển bổ sung, với 25 chỉ tiêu. TS Trương Thúy Hằng - Phụ trách Bộ môn, Khoa Giới phát triển cho biết, thời gian nhận hồ sơ từ ngày 28/8 – 5/9 nhưng sau 1 - 2 ngày “mở cửa” xét tuyển, Học viện đã tuyển đủ số lượng sinh viên cần bổ sung.

Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bạc Liêu Phan Văn Đàn đã ký phát đi thông báo, từ ngày 28/8 - 5/9 nhận hồ sơ xét tuyển bổ sung 13 ngành đào tạo, với hơn 500 chỉ tiêu; trong đó có một số ngành Sư phạm như: Giáo dục Mầm non (4 chỉ tiêu - hệ cao đẳng) và Giáo dục Tiểu học (6 chỉ tiêu). Dự đoán, một số ngành khó tuyển sinh gồm: Bảo vệ thực vật, Khoa học môi trường và lĩnh vực nông nghiệp. Đây là thực trạng mà Trường ĐH Bạc Liêu phải đối diện nhiều năm nay, dù cơ hội việc làm của các lĩnh vực này rất tốt.

Rơi vào hoàn cảnh tương tự, Trường ĐH Tây Nguyên thông báo xét tuyển bổ sung 281 sinh viên hệ chính quy cho 21 ngành đào tạo. ThS Phạm Văn Thuận - Trưởng phòng Truyền thông và Tuyển sinh cho biết, “điểm sàn” xét tuyển đợt này dao động từ 25,32 - 26,62 điểm. “Dù khởi sắc hơn so với năm ngoái nhưng để lấp đầy chỉ tiêu một số ngành như: Chăn nuôi, Khoa học cây trồng sẽ không dễ”, ThS Phạm Văn Thuận dự đoán và cho biết, mỗi ngành tuyển sinh hơn 70 sinh viên. Đây là những ngành mà nhiều công ty, doanh nghiệp đang “khát” nhân lực.

Cũng theo ThS Phạm Văn Thuận, một số ngành đào tạo giáo viên như: Giáo dục Tiểu học, Sư phạm Vật lí, Sư phạm Hóa học, Sư phạm Tiếng Anh cũng được nhà trường xét tuyển bổ sung nhưng chỉ tiêu ít, dao động từ 1 - 2 sinh viên/ngành.

Thực tế, nhiều cơ sở giáo dục đại học xét tuyển bổ sung với số lượng lớn. Đơn cử như: Học viện Hàng không Việt Nam tuyển sinh bổ sung 500 chỉ tiêu với hai phương thức xét điểm thi tốt nghiệp và học bạ THPT. Trường ĐH Phenikaa (Hà Nội) xét tuyển bổ sung khoảng 1.000 sinh viên đại học chính quy. Đây cũng là chỉ tiêu của nhiều trường khi thông báo xét tuyển bổ sung như: Trường ĐH Hoa sen, Trường ĐH FPT, Trường ĐH Nam Cần Thơ.

kich cau cho nganh kho tuyen sinh2.jpg
Ảnh minh họa ITN.

Giải pháp nào cho ngành khó tuyển sinh?

Năm nay, cả nước có 733.600 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học. Gần 673.600 thí sinh trúng tuyển đợt 1. PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay, theo quy định, cơ sở đào tạo có thể xét tuyển các đợt bổ sung (nếu cần) cho tới tháng 12/2024.

Thí sinh chưa trúng tuyển đợt một hoặc đã trúng tuyển nhưng không xác nhận nhập học, có thể đăng ký tuyển bổ sung. Thí sinh cần thực hiện theo đề án tuyển sinh được đăng tải trên trang thông tin tuyển sinh của cơ sở đào tạo (nếu có xét tuyển bổ sung), đồng thời nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tiếp tại cơ sở đào tạo đó.

Hiện, nhiều trường đại học có kế hoạch khai giảng năm học 2024 - 2025. Dù vậy, TS Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam nhận thấy, một số cơ sở đào tạo vẫn “chật vật”, “chắt chiu” từng thí sinh, nhất là những ngành khoa học cơ bản và một số ngành truyền thống. Dự đoán, các trường có thể phải thông báo xét tuyển bổ sung thành nhiều đợt trong năm.

Các ngành truyền thống có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế, xã hội. Một số ngành được coi là “trụ đỡ” của nền kinh tế. Thế nhưng, kết quả tuyển sinh trong những năm gần đây đạt thấp.

TS Lê Viết Khuyến cho rằng, ngoài yếu tố phụ thuộc vào sự lựa chọn của thí sinh, còn có tác động của bối cảnh kinh tế - xã hội dẫn đến những thay đổi trong quan niệm cũng như nhu cầu của giới trẻ. Vì thế, xu hướng lựa chọn của thí sinh dịch chuyển mạnh sang những ngành được cho là “thời thượng”, phù hợp với yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Đề xuất Chính phủ có cơ chế đặc thù cho ngành khó tuyển, nhất là ngành thuộc lĩnh vực khoa học cơ bản, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH FPT nhấn mạnh, đây là ngành thiết yếu, nền tảng cho sự phát triển bền vững đất nước. Vì thế, Nhà nước cần đầu tư nhiều hơn thông qua các chính sách đãi ngộ về học bổng, việc làm… Đồng thời, cần có cơ chế “đặt hàng” và bổ sung chính sách ưu đãi cho sinh viên học các ngành khoa học cơ bản.

Phân tích nguyên nhân các ngành khoa học cơ bản, truyền thống khó tuyển sinh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho rằng, vấn đề nằm ở quan hệ khép kín giữa nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ phát triển của nền kinh tế và nhu cầu của thị trường việc làm. Nếu không có sự can thiệp, điều tiết của Nhà nước, quan hệ này sẽ tuân thủ theo quy luật thị trường.

Nếu trình độ phát triển của nền kinh tế còn thấp, nhu cầu nguồn nhân lực khoa học - công nghệ không nhiều, sẽ có ít thí sinh chọn học những ngành này. Nếu nguồn nhân lực chất lượng cao khoa học - công nghệ chưa sẵn sàng, sẽ khó thúc đẩy được đầu tư phát triển nền kinh tế tri thức. Nếu không phát triển được khoa học cơ bản sẽ không có các công nghệ nền tảng và sẽ không có công nghệ mũi nhọn.

Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn nhận định, sự thiếu hụt nhân lực các ngành khoa học cơ bản khó có thể khắc phục trong thời gian ngắn, mà phải mất nhiều năm. Nhiệm vụ đặt ra không chỉ là phải giữ các ngành khoa học cơ bản, mà còn phát triển mạnh hơn nữa, gia tăng cả về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, cần có cơ chế, chính sách đầu tư đột phá để hỗ trợ, thúc đẩy đào tạo nguồn nhân lực khoa học - công nghệ; trong đó các ngành khoa học cơ bản phải đi trước một bước.

Bộ GD&ĐT đang phối hợp với một số bộ, ngành xây dựng hệ thống thông tin theo dõi tình trạng việc làm của sinh viên tốt nghiệp và dự báo nhu cầu của các ngành đào tạo. Đây sẽ là công cụ để hoạch định và điều chỉnh các chính sách, kế hoạch đào tạo, phát triển nguồn nhân lực của toàn ngành cũng như đối với cơ sở giáo dục đại học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.