Kịch bản nào khi ngòi nổ xung đột Mỹ - Triều bén lửa

GD&TĐ - Căng thẳng quan hệ Mỹ - Triều Tiên đang leo thang từng ngày và khó lường trước được chuyện gì có thể xảy ra. Các chuyên gia đã đặt ra giả thiết một bước đi “quá đà” có thể sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột vũ trang. Trong giả thiết này, hậu quả nhân mạng là vô cùng to lớn – đó cũng là cảnh báo các bên xung đột cân nhắc hành động thận trọng để tránh hậu quả thảm khốc…  

Kịch bản nào khi ngòi nổ  xung đột Mỹ - Triều bén lửa

Giới hạn mong manh

Thái độ đe dọa “huỷ diệt hoàn toàn” Triều Tiên của Tổng thống Mỹ ngay tại diễn đàn LHQ đã khiến các chiến lược gia quân sự dự đoán nghiêm túc điều gì thực sự xảy ra khi chiến tranh bùng phát.

Theo tờ Los Angeles Times, mô phỏng xung đột vũ trang trên bán đảo Triều Tiên có thể khởi phát với một sự cố tương đối nhỏ tại khu phi quân sự nằm giữa Hàn Quốc và Triều Tiên - hoặc một hành vi khiêu khích biến thành một cuộc chiến tranh thông thường (sử dụng vũ khí thông thường) và sau đó leo thang.

“Quá nhiều người Mỹ có quan điểm rằng, tấn công Triều Tiên giống như Iraq hay Afghanistan, hoặc giống các chiến dịch quân sự tại Libya hay Syria - nhưng nó sẽ khác xa” – Rob Givens, tướng Không lực Mỹ nghỉ hưu, người đã trải qua 4 năm đồn trú trên bán đảo Triều Tiên, đánh giá.

Trong điều kiện hiện tại, khi Triều Tiên vẫn liên tiếp thử hạt nhân để hoàn thiện công nghệ gắn đầu đạn hạt nhân vào tên lửa, thì khả năng Triều Tiên sử dụng vũ khí hạt nhân là thấp. James Stavridis, cựu đô đốc Hải quân Mỹ, dự đoán khả năng chiến tranh thông thường với Triều Tiên là 50 - 50 và khả năng chiến tranh hạt nhân là 10%.

Hậu quả thảm khốc

Cuộc xung đột mà Starvidis hình dung có thể bắt đầu với quyết định của lãnh đạo Triều Tiên phóng một tên lửa vào vùng đất liền trên hoặc gần Guam thuộc Mỹ.

Mỹ sau đó sẽ điều hàng không mẫu hạm xuất kích và không kích trả đũa vào một bệ phóng tên lửa trên bờ biển Triều Tiên, có lẽ sẽ sử dụng tên lửa hành trình Tomahawk – tương tự đợt tấn công của Mỹ trừng phạt Syria vì sử dụng vũ khí hoá học.

Cuộc không kích này mang ý nghĩa là một thông điệp răn đe hơn là khởi phát cuộc chiến tranh tổng lực. Nhưng lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không giống như Tổng thống Syria Bashar Assad. “Ông ta sẽ đáp trả nếu bị tấn công quân sự” – Sue Mi Terry, cựu nhân viên CIA về Triều Tiên phân tích.

Triều Tiên có thể phản ứng bằng cách bắn một vài quả đạn pháo vào khu vực 35.000 quân Mỹ hiện đang đồn trú tại Hàn Quốc.

Triều Tiên có khoảng 11.000 khẩu pháo được giấu trong những ngọn núi phía Bắc khu phi quân sự. Mặc dù những thiết bị này cũ kĩ từ thời Xô Viết, chúng vẫn hoạt động tốt và được che chắn an toàn khỏi các đợt không kích bởi có thể cơ động di chuyển ra vào các đường hầm trong núi.

Mỹ sẽ cố tiêu diệt pháo binh bằng máy bay không người lái và không kích nhưng sẽ phải mất nhiều ngày. Trong thời gian này, Triều Tiên có thể tiến hành cuộc tấn công trừng phạt nhằm vào Seoul, nơi có 25 triệu người sinh sống.

Khi chiến tranh leo thang, Triều Tiên có thể sẽ đánh bom các cây cầu bắc qua sông Hàn ở Seoul để ngăn dân thường sơ tán, sử dụng đặc nhiệm tấn công các cơ sở quan trọng tại Hàn Quốc và phóng tên lửa tầm ngắn vào các căn cứ quân sự Mỹ và Hàn Quốc.

Lầu Năm Góc ước tính số người chết tại Hàn Quốc ở mức 20.000 người mỗi ngày nếu chiến tranh thông thường xảy ra. Mô phỏng chiến tranh và thiệt hại thảm khốc về nhân mạng như vậy là lời cảnh báo các bên xung đột cẩn trọng, tránh hành động liều lĩnh có thể gây hậu quả khôn lường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bên trong căn hầm tái hiện hoạt động in ấn tài liệu, truyền đơn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn trong những năm kháng chiến.

Hầm in tài liệu bí mật giữa lòng Sài Gòn

GD&TĐ - Nằm trong con hẻm nhỏ ở đường Ngô Gia Tự, Quận 10, TPHCM, cơ sở in ấn của Hội ủng hộ Vệ quốc đoàn năm 1954 là nơi in cả nghìn ấn bản phục vụ cách mạng.