Mới đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu -Bộ Công an đã phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an Hà Nội và NXB GDVN phát hiện một đường dây in, gia công, tiêu thụ gần 3 triệu cuốn sách giả.
Đáng nói, trong số sách giả này đa số sách làm giả sản phẩm của Nhà xuất bản Giáo dục. Lợi nhuận thu được từ số sách giả này khoảng 50 tỉ đồng.
Trước tình trạng sách giáo dục bị in lậu tràn lan với số lượng lớn, thủ đoạn tinh vi, Bộ GD&ĐT đã có văn bản gửi Bộ Công thương đề nghị phối hợp xử lý tình trạng sách giáo dục bị làm giả xâm nhập vào các nhà trường…
Về phía Nhà xuất bản Giáo dục, đã phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp và xác minh thông tin, cung cấp sách mẫu và hồ sơ pháp lý liên quan đến các vụ việc tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xuất bản phẩm lậu để xử lý theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo NXBGD, để đấu tranh chống xuất bản phẩm lậu một cách hiệu quả, cần sự phối hợp của nhiều cơ quan, tổ chức và của toàn xã hội.
Hơn thế, các NXB, các tổ chức liên quan và bạn đọc… cần coi đây là nhiệm vụ quan trọng, nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình đối với công tác này, kiên trì, kiên quyết đẩy lùi xuất bản phẩm lậu.
PGS.TS Nguyễn Văn Tùng - Phó tổng biên tập NXBGD cũng đưa ra khuyến cáo GV, phụ huynh và HS nên tìm mua sách tại các hệ thống phân phối chính thức của NXB, các công ty Sách - Thiết bị trường học địa phương. Không mua sách từ các nguồn trôi nổi trên thị trường để tránh mua phải sách giả.
Những cuốn SGK, sách tham khảo, sách bài tập giả hoặc bị in lậu có thể bị sai lệch thông tin, nội dung, chất lượng; không thể kích hoạt mã để sử dụng nguồn tài nguyên hỗ trợ của NXBGD, có thể ảnh hưởng nguy hại đến việc tiếp thu kiến thức của học sinh.