Ngày rằm tháng Giêng là ngày lễ trọng đại theo phong tục truyền thống của người Việt. Vào ngày này, người dân thường sẽ đi chùa lễ Phật hoặc các đền miếu, di tích lịch sử để cầu bình an, tốt lành cho bản thân và gia đình. Đây cũng là dịp để các thành viên trong gia đình cùng chuẩn bị mâm cơm cúng, đứng trước bàn thờ tổ tiên nhớ về công đức của các bậc sinh thành, nhớ về nguồn cội.
Theo phong tục truyền thống, trước đây vào đêm 15/1 âm lịch (đêm rằm tháng Giêng), nơi đâu cũng treo đèn, kết hoa, ngâm thơ, bình thơ và thực hiện các nghi lễ cúng rằm. Mặc dù hiện nay tinh giản rất nhiều, nhưng phong tục này đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc.
Người xưa có câu “Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” bởi vậy, trong tâm thức người Việt, ngày tháng Giêng cũng quan trọng chẳng kém Tết Nguyên đán. Những giá trị tâm linh, giá trị nhân văn mà ngày rằm tháng Giêng đem lại, sẽ trở thành hành trang để con người vững tin bước vào một năm mới với tâm thế lạc quan, tin tưởng vào những điều tốt đẹp.
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 ngày nào đẹp?
Theo Lịch vạn niên, Rằm tháng Giêng 2024 là ngày 24/2/2024 dương lịch, thứ Bảy.
Xem ngày tốt xấu, Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn là ngày Mậu Ngọ, ngũ hành Hỏa, Chi sinh Can (Hỏa, Thổ) là ngày cát lành.
Theo quan niệm dân gian, cúng Rằm tháng Giêng vào ngày chính Rằm là linh thiêng nhất. Bởi đó là thời điểm trăng tròn và sáng nhất đầu năm, Đức Phật giáng lâm ban phước lành, phúc khí vượng, chúng sinh vì thế mà an vui hưởng lạc. Tiến hành cúng dường Phật thành tâm ắt được Ngày độ trì cho an nhiên, thịnh vượng, vậy nên mới có câu “Cúng lễ quanh năm không bằng ngày Rằm tháng Giêng”.
Theo lẽ thường, ngoài ngày chính Rằm, một số nơi có thể tiến hành cúng khấn vào ngày 14 âm lịch. Tuy nhiên, năm nay ngày 14 âm rơi vào ngày Sát chủ, khá xấu. Theo quan niệm dân gian, ngày này thuộc Bách kỵ, trăm sự đều kỵ, không nên làm các việc trọng đại, bất kể đối với tuổi nào.
Cúng Rằm tháng Giêng 2024 giờ nào tốt?
Trong ngày chính Rằm tháng Giêng năm 2024 có 3 khung giờ đại cát để tiến hành cúng khấn, dễ được Thần Phật độ trì, gia tiên phù hộ, gồm:
Giờ Mão (5h-7h) – Giờ Ngọc Đường
Giờ này thuộc sao Thiếu Vi và sao Thiên Khái chiếu sáng. Rất tốt cho khởi sự mới, tiến hành các nghi lễ cầu cúng linh thiêng, sau này làm việc gì cũng được quý nhân tương trợ, nâng đỡ, thành công đến bất ngờ ngoài mong đợi.
Giờ Ngọ (11h-13h) – Giờ Tư Mệnh
Giờ này thuộc sao Nguyệt Tiên và sao Phượng Liễn chiếu. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào khung giờ này được cho là Đại cát, bởi là thời điểm Phật giáng thế, nghiệm chứng lòng thành cho gia chủ, giúp công việc làm ăn phát triển như diều gặp gió, dù khó khăn đến mấy vẫn vượt qua. Tiền của vật chất đong đầy, cuộc sống sung túc, bình an và hạnh phúc viên mãn.
Giờ Thân (15h-17h) – Giờ Thanh Long
Giờ này thuộc khung giờ của sao Thiên Ất chiếu, rất tốt cho khởi sự. Tiến hành cúng Rằm tháng Giêng vào giờ này thì mưu sự thuận lợi, nhất là việc kết hôn, thành gia lập thất lại càng viên mãn.
* Thông tin mang tính tham khảo, chiêm nghiệm!