(GD&TĐ) - Các cuộc tấn công điều khiển học của nhóm khủng bố cực đoan nào đó có thể nguy hiểm và gây thiệt hại nghiêm trọng như sự kiện khủng bố Tòa Tháp đôi (New York) nhằm vào nước Mỹ ngày 11/9/2001. Đó là lời cảnh báo của ông Leon Panetta, nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ.
Ông Panetta cho biết: “Nhóm khủng bố điều khiển học có thể làm đổ tàu hỏa hoặc phun chất độc giết người trong toa tàu. Chúng có thể thả chất độc xuống nguồn nước sinh hoạt của một đô thị đông dân hoặc làm các nhà máy điện ngừng hoạt động”.
Hầu như ai cũng lo ngại trước các cuộc tấn công điều khiển học. Ủy ban châu Âu cho biết, trong năm 2011 số vụ tấn công trên mạng internet vào Liên minh châu Âu (EU) tăng lên 36% so với năm trước đó. Hai năm trước, sâu máy tính Stuxnet được cho là có nguồn gốc từ Mỹ và Israel trở nên nổi tiếng bởi nó đã tấn công rất hiệu quả vào hệ thống máy tính điều khiển nhà máy điện nguyên tử và nhà máy làm giàu Uranium ở Iran. “Con sâu” đã làm nhiễu loạn hoạt động các nhà máy và lấy cắp nhiều dữ liệu quan trọng. Các chuyên gia an ninh cho rằng, trở ngại duy nhất trong việc tạo ra những loại sâu máy tính tương tự theo đặt hàng của những kẻ khủng bố chỉ còn là vấn đề thời gian.
Tòa Tháp Đôi (New York, Mỹ) bị khủng bố ngày 11/9/2001 |
Bản báo cáo mới nhất, dày 145 trang của Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hiệp Quốc (UNODC) mô tả rõ ràng các cách thức sử dụng internet của những kẻ khủng bố.
Trước hết internet bị biến thành công cụ tuyên truyền cho những kẻ khủng bố. Trên các trang mạng xã hội có thể tìm thấy các ghi chép về tiểu sử những kẻ đánh bom liều chết. Trên internet, các lãnh tụ Hồi giáo cực đoan cũng tiến hành chiến tranh chống phương Tây. Tên thiếu tá Nidal Hasan, trước khi xả súng bắn chết 13 người trong doanh trại quân đội ở Texas (Mỹ) vào năm 2009, đã nhiều lần trao đổi thư điện tử với trùm khủng bố Anwar al- Awlaki ở Yemen.
Mạng internet cũng là “nơi huấn luyện” cho bọn khủng bố. Có thể tìm thấy trên mạng các loại “giáo trình video” dạy cách chế tạo bom, cách tiến hành tấn công... Tổ chức Al Qaeda ở Bán đảo Ả Rập thậm chí còn có tạp chí điện tử “Inspire”. Trong số xuất bản mùa thu năm 2010, tạp chí này đăng tải bản hướng dẫn cách chế tạo ô tô - bẫy, cách tổ chức bắn tỉa từ trên tháp cao...
Internet giúp những kẻ khủng bố kiếm tiền từ những hoạt động như quyên góp trực tiếp sau khi bán đĩa hay sách. Lợi dụng internet, những kẻ khủng bố còn có thể chuyển tiền nặc danh (chẳng hạn qua trang Paypal) với một địa chỉ email giả. Internet tất nhiên còn là yếu tố quan trọng trong thông tin liên lạc giữa những kẻ khủng bố.
Bọn khủng bố ngày càng ranh ma. Vào năm 2009, cảnh sát Pháp đã bắt Adlene Hicheur, nhân viên của Tổ chức Nghiên cứu nguyên tử châu Âu (CERN) vì âm mưu khủng bố. Để đọc được thư từ của hắn ta, cảnh sát đã phải vô hiệu hóa 4 hệ thống mã hóa độc lập và cơ chế ẩn giấu nội dung các cuộc chat. Hicheur bị kết án 5 năm tù giam.
Liên Hợp Quốc mong muốn các quốc gia thành viên chấp thuận các đạo luật phù hợp chống khủng bố điều khiển học, tăng cường hợp tác giữa các lực lượng chyên trách chống khủng bố và kiểm soát internet chặt chẽ hơn nữa. Tuy nhiên các tác giả của bản báo cáo cũng cảnh báo: “Một trong những quy định của luật pháp quốc tế là bảo vệ quyền con người, trong đó có tự do ngôn luận. Những trường hợp ngoại lệ chỉ được áp dụng theo đúng tinh thần luật pháp khi và chỉ khi an ninh quốc gia bị xâm phạm hoặc phải chiến đấu chống lại bạo lực”.
Thu Long
(Theo báo nước ngoài)