Ngày 23/12, trong khuôn khổ “Tuần lễ vàng hiến tặng mô, tạng”, Hội Vận động hiến tặng mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam phối hợp Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM tổ chức lễ ra mắt Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ.
Được biết, Việt Nam là nước có số ca ghép tạng cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn mô tạng vẫn rất hạn chế, chủ yếu từ người cho sống, trong khi ở các nước, phần lớn là từ người chết não.
Phát biểu tại lễ ra mắt, TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến - nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, nhận định, ghép mô tạng là thành tựu y học lớn, cứu sống nhiều bệnh nhân mà ghép tạng là phương án cuối cùng.
Thực tế, Việt Nam thực hiện ghép thành công hầu hết các loại tạng, với hơn 1.000 ca, cao nhất Đông Nam Á. Tuy nhiên, nguồn mô tạng vẫn rất hạn chế, chủ yếu từ người cho sống, trong khi ở các nước, phần lớn là từ người chết não.
“Tôi đánh giá cao những đóng góp và tin tưởng vào sự phát triển mạnh của phong trào hiến mô, tạng trong thời gian tới. Sự kiện thành lập Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ là bước tiến quan trọng, góp phần gia tăng nguồn tạng hiến”, TTND.PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - Chi hội trưởng Chi hội vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người liên viện khu vực Nam Bộ, trong 20 năm qua, ghép gan và ghép thận đạt được nhiều thành tựu lớn, kỹ thuật ghép tạng tại Việt Nam đã ngang bằng với thế giới.
Hiện nay, vẫn còn hạn chế trong việc phát triển nguồn tạng từ người chết não. Số liệu cho thấy, tỷ lệ ghép tạng từ người chết não ở Việt Nam chỉ đạt 0,15 ca trên 1 triệu dân, thấp hơn nhiều so với Tây Ban Nha (49 ca) và Thái Lan (6,12 ca). Trong khi đó, chỉ 6% trên tổng số ca ghép tạng tại Việt Nam đến từ người chết não, còn lại chủ yếu từ người sống.
Năm 2024, cả nước đã thực hiện 36 ca ghép tạng thành công, con số cao nhất từ trước đến nay. Điển hình, tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, mới đây, hai ca ghép tạng từ người chết não được thực hiện với sự hỗ trợ của các chuyên gia và chính sách liên kết mới. Điều này đánh dấu sự tiến bộ vượt bậc và khả năng phối hợp giữa các bệnh viện.
“Vai trò của việc thành lập các chi hội vận động hiến mô tại khu vực phía Nam. Chi hội sẽ xây dựng được mạng lưới truyền thông, tập trung vào công tác, tư vấn, kêu gọi người dân cùng chung tay tạo nên nét văn hóa “cho đi là còn mãi,” thay đổi nhận thức về hiến tạng”, PGS.TS Nguyễn Hoàng Bắc khẳng định.
Tại lễ ra mắt, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia, các giám đốc bệnh viện khu vực Nam bộ cùng phát động đăng ký hiến tạng mô, bộ phận cơ thể người. Đồng thời, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam ra mắt Trung tâm truyền thông – tư vấn về hiến mô, tạng và chăm sóc sức khỏe Việt Nam.