Khu rừng “tử thần” ở Nhật Bản

GD&TĐ - Video làm xôn xao cộng đồng mạng của “ngôi sao” blogger YouTube Logan Paul cho thấy một xác người tự tử đang phân hủy treo trên một cành cây tại khu rừng Aokigahara nằm dưới chân núi Phú Sĩ của Nhật Bản đã làm sống lại những truyền thuyết về khu rừng “tử thần” này.

Một biển báo bên ngoài khu rừng Aokigahara nhắc nhở ai muốn tự tử hãy tìm sự giúp đỡ trước
Một biển báo bên ngoài khu rừng Aokigahara nhắc nhở ai muốn tự tử hãy tìm sự giúp đỡ trước

“Rừng tự tử”

Video của Paul cũng làm nóng hơn cuộc tranh cãi về cách xử lý vấn nạn tự tử và bệnh tâm thần tại một đất nước có tỉ lệ tự tử cao nhất trong số nước đã phát triển.

“Đoạn video của Paul được quay tại Aokigahara, điểm đến lý tưởng của những người chán sống - Giáo sư Karen Nakamura giảng dạy tại Đại học California ở Berkeley, nổi tiếng với những nghiên cứu chuyên sâu về các phong trào, xu hướng xã hội của nước Nhật đương đại, nói: Việc có người tự tử tại Nhật là bình thường.

Nhưng người Nhật rất bực mình khi thấy một người nước ngoài kiếm tiền bằng xác chết và dùng nạn nhân để câu like trên YouTube. Bỡn cợt trên nỗi đau của gia đình người tự tử là không thể chấp nhận”.

Khu rừng Aokigahara còn gọi là “Sea of Trees” (Biển cây) hay “Rừng tự tử” cách Tokyo 2 giờ xe chạy về hướng tây. Ngay lối vào rừng có một tấm biển do các bậc cha mẹ dựng lên, nhắc nhở du khách với nội dung “Cuộc sống là quí giá. Đừng tự huỷ diệt nó. Hãy nghĩ đến ông bà, cha mẹ và anh chị em. Hãy tìm đến họ để giải toả tâm tư chứ đừng chịu đựng một mình”. Một biển hiệu khác kêu gọi những ai muốn đến đây tự tử hãy tiếp xúc với các địa chỉ này trước đã.

Danh tiếng “xấu” của Aokigahara có từ nhiều thập niên. Báo cáo của chính quyền địa phương cho biết có hơn 100 người không sống tại vùng phụ cận Aokigahara đến đây tự tử từ 2013-2015. Số người tự tử tại các khu vực nông thôn của Nhật Bản đã lên đến 24.000 trong năm 2015 (số liệu của Bộ Y tế, Lao động và An sinh). Con số này không tính những trường hợp tự tử không thành. Tỉ lệ tự tử trên 100.000 dân là 21,7% cho nam và 9,% cho nữ.

Những thứ bỏ lại của người tự tử trong rừng

Những thứ bỏ lại của người tự tử trong rừng

Mọi biện pháp ngăn cản đều bất lực

Cách nay 3 thập niên, Tiến sĩ tâm lý Yoshitomo Takahashi đã phỏng vấn hàng chục người tự tử không thành trong rừng Aokigahara và ông tạm kết luận: “Nguyên do chính là họ tin tự tử trong rừng sẽ thành công vì không có ai nhìn thấy để ngăn cản”.

Ông cũng tin rằng các tin tức trên báo chí và phim ảnh cũng có vai trò quan trọng. “Một số người từ nơi khác chọn Aokigahara là điểm kết thúc cuộc đời vì họ muốn chết chung với những người cùng cảnh ngộ” - ông nói. GS Nakamura nhắc đến một nghiên cứu của Đại học Emory do nhà nhân chủng học Chikako Ozawa-de Silva thực hiện, trong đó tìm hiểu về sự lan tràn cuả các diễn đàn tự tử tại Nhật Bản.

Theo Ozawa-de Silva, internet đã giúp những người sợ cô độc muốn tìm kiếm bạn bè bằng cách cùng chết với nhau tại một nơi hẹn trước mà rừng Aokigahara là nơi lý tưởng.

Một người đàn ông tên Taro ở độ tuổi trung niên sau khi tự tử hụt tại Aokigahara tiết lộ lý do anh muốn chết: “Lúc đó, khát vọng sống của tôi không còn nữa. Tôi thấy mình vô dụng và không muốn tồn tại trên trái đất này. Đó là lý do tôi chọn Aokigahara”.

Năm 2009, Taro mua vé một chiều đến khu rừng sau khi bỏ công việc tại công ty luyện thép do mất niềm tin về tương lai tài chính. “Bạn cần tiền để sống nhưng tiền bạc đã trở thành ‘giấc mơ không tưởng’ đối với tôi” - ông nói. Đến rừng, Taro cắt cổ tay, mất nhiều máu và bất tỉnh trong gía lạnh nhưng một người đi dạo đã phát hiện kịp thời và gọi cấp cứu.

Nhiều năm qua, đã có một số nỗ lực để ngăn chặn nạn tự tử của người Nhật nói chung và tại rừng Aokigahara nói riêng. Chính quyền địa phương tỉnh Yamanashi, nơi khu rừng định vị, cho gắn các camera an ninh tại những lối mòn vào rừng hy vọng sẽ phát hiện sớm nạn nhân.

Bên cạnh đó là tăng chiều cao các thành cầu và thanh chắn để người tự tử không thể nhảy ra ngoài. Ngoài ra còn các chỉ dẫn can thiệp khi phát hiện người định tự tử và cách cấp cứu ban đầu khi tìm thấy nạn nhân. Lực lượng cảnh sát tuần tra cũng được tăng cường. Các kênh TH và mạng xã hội được khuyên không nên quảng cáo cho khu rừng.

Paul bị sốc trước phản ứng tức giận của cộng đồng mạng

Paul bị sốc trước phản ứng tức giận của cộng đồng mạng

Cộng đồng mạng phản ứng

Vlogger Logan Paul đã phải đưa video xin lỗi thứ 2 lên kênh YouTube của anh ta sau khi bị cộng đồng mạng phản ứng dữ dội hình ảnh trong video về một nạn nhân tự sát tại Nhật Bản. Video được quay khi vlogger Mỹ và bạn bè vào chơi trong khu rừng Aokigahara.

Sau khi nhận được những phản hồi tiêu cực và lên án sự vô tâm trên YouTube, Paul đã phải xin lỗi về đoạn băng “sai lầm” trên và nhấn mạnh anh “rất xấu hổ và bất mãn với chính bản thân mình” khi đã có hành động vô ý thức như thế. Tuy nhiên, Paul vẫn bị những vlogger YouTube nổi tiếng khác chỉ trích nặng nề vì đã bước qua giới hạn đạo đức của cộng đồng YouTube.

Vlogger PewDiePie, một trong những tên tuổi lớn nhất của YouTube với 58 triệu người đăng ký theo dõi phê phán hành vi của Paul là “thiếu tôn trọng nạn nhân”. Trong một video khác, vlogger McJuggerNuggets nói thẳng “Paul đã lên chung xe với những kẻ săn phù thuỷ!”.

Anh nhấn mạnh: “Có những việc mà vlogger không được phép làm, Bạn phải tôn trọng chính mình và tôn trọng người khác”. Cháu trai của vlogger YouTube AngryGrandpa cho biết mình là người hâm mộ Logan Paul nhưng “rõ ràng, lần này anh ấy đã tung lên mạng một video ‘đần độn’ gây ảnh hưởng xấu đến cộng đồng YouTube!”.

Vlogger Jacksepticeye chuyên về Videogame với 17 triệu người đăng ký theo dõi chỉ trích thẳng thừng Paul bằng một loạt tweet trên tài khoản Twitter.

Trong video “Thư ngõ gửi Logan Paul”, vlogger Boogie2988 với 4 triệu fan viết: “Tôi tin Logan không có ý xấu, nhưng đưa một video đáng tởm này lên mạng là không thể chấp nhận được. Không có ai chào đón nó!”. Vlogger Thomas Ridgewell với 4,8 triệu người theo dõi kênh YouTube Tomska của anh, tweet: “Đưa cái xác đang phân hủy lên mạng cho hàng triệu người xem là điều tệ hại nhất tôi từng thấy”.

Vlogger Nathan Zed đề nghị “những ai bị ảnh hưởng tâm lý bởi video vô ý thức của Paul nên được điều trị miễn phí tại các bệnh viện tâm thần”. Phát ngôn viên YouTube nói: “Chúng tôi thật lòng chia sẻ nỗi đau của gia đình nạn nhân trong video tệ hại này. YouTube hoàn toàn cấm video gây sốc và thiếu tôn trọng người khác.

Chúng tôi là đối tác của những tổ chức an toàn trên mạng như National Suicide Prevention Lifeline thông qua Trung tâm An toàn YouTube (YouTube Safety Centre) và luôn có những hướng dẫn kịp thời về những chuẩn mực đạo đức và riêng tư những người tham gia YiuTube phải tuân thủ khi đưa sản phẩm lên mạng”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ