Khu Di tích Đền Hùng: Bãi đỗ xe, nhà vệ sinh đạt chuẩn đã... sẵn sàng

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã làm xong bãi đỗ xe với sức chứa 2.000 xe ở cạnh cổng chính, 6 nhà vệ sinh đạt chuẩn 5 sao được đưa vào sử dụng.

Lễ dâng bánh chưng, bánh giầy tại Khu tưởng niệm Vua Hùng (TP HCM) dịp Lễ giỗ Tổ 2018. Ảnh: Vĩnh Phú
Lễ dâng bánh chưng, bánh giầy tại Khu tưởng niệm Vua Hùng (TP HCM) dịp Lễ giỗ Tổ 2018. Ảnh: Vĩnh Phú

Những ngày tháng ba Âm lịch này, không chỉ du khách thập phương đổ về Đền Hùng mà người dân cả nước đều hướng về ngày Giỗ Tổ mùng 10 tháng 3.

Đưa lễ hội trở về với cộng đồng

Chiều 8/4 (tức mùng 4 tháng 3 Âm lịch), tại Đền Hùng (Phú Thọ), trong tiếng nhạc lễ âm vang, đoàn dâng hương với đội nghi trượng uy nghiêm, đoàn cờ phướn lộng lẫy khởi hành từ sân Trung tâm lễ hội qua Nghi môn, đền Hạ, đền Trung lên đền Thượng. Đi đầu đoàn hành lễ là lực lượng quân đội rước Quốc kỳ, cờ hội và vòng hoa mang dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các Vua Hùng đã có công dựng nước”. Theo sau là các “nam thanh, nữ tú” dâng hoa cùng lãnh đạo và nhân dân đồng bào các dân tộc huyện Hạ Hòa giương cao cờ hội, với đoàn kiệu dâng lễ vật hương, hoa, bánh chưng, bánh giầy…

Đây là lần đầu tiên những người con của huyện Hạ Hòa (tỉnh Phú Thọ) được trực tiếp tổ chức đoàn lễ dâng hương về với đất Tổ Đền Hùng. Những năm trước, nghi lễ này chỉ được thực hiện sáng 10/3 Âm lịch, do 2 địa phương huyện Lâm Thao, TP Việt Trì (Phú Thọ) đứng ra thực hiện vì là “chủ đất” và giáp ranh.

Xúng xính bộ áo dân tộc Mường, cô gái Bùi Thị Huệ (20 tuổi) phấn khởi: “Đây là lần đầu tiên em được tham gia dâng hương theo nghi thức lễ nhạc tại núi Nghĩa Lĩnh, xúc động và thiêng liêng lắm”.

Việc thường xuyên có đoàn dâng hương theo nghi thức lễ nhạc tại Đền Hùng cũng khiến nhiều du khách bất ngờ. Chị Nguyễn Ánh Tuyết (Ba Vì, Hà Nội) cho biết: “Chưa tới chính hội đã được thấy các đoàn dâng hương trong không khí trang nghiêm, thành kính khiến du khách cảm thấy không khí lễ hội rộn ràng hơn”.

Ông Trịnh Hùng Sơn, Giám đốc Sở Thông tin và truyền thông Phú Thọ cho biết, nét mới của Lễ giỗ Quốc tổ vua Hùng năm nay là toàn bộ 13 huyện, thành, thị của tỉnh Phú Thọ đều có các hoạt động tham gia vào lễ hội. Điều đó vừa phát huy tính chủ động, cộng đồng trách nhiệm của các địa phương, vừa củng cố khối đại đoàn kết giữa chính quyền với nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.

Theo ông Sơn, giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm Kỷ Hợi 2019 với nét mới là xã hội hoá công tác tổ chức. Hầu hết các nhiệm vụ trong chương trình Giỗ Tổ được giao cho các sở, ngành, đơn vị, UBND các huyện, thành, thị một cách chuyên sâu, phát huy tính chủ động, sáng tạo của các đơn vị, địa phương. Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ cũng theo hướng tinh thần xã hội hoá, để dần dần đưa các hoạt động lễ hội trở về với cộng đồng, để người dân thực sự làm chủ lễ hội.

Theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, dọc hai bên đường sảnh chính tổ chức lễ hội Đền Hùng năm nay có hàng chục trại văn hóa của các địa phương và doanh nghiệp để trưng bày, giới thiệu sản phẩm của quê hương, đơn vị. Độc đáo và nổi bật hơn cả là trại hè nhà sàn Mường được dựng lên công phu từ nguồn xã hội hóa của huyện Tân Sơn.

Anh Trần Ngọc Hoàn, Phó giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Tân Sơn cho biết, năm nay, theo phương châm xã hội hóa nên địa phương đã phối hợp với một doanh nghiệp thực hiện ngôi nhà này với tổng trị giá 140 triệu đồng. Cột nhà đóng bằng gỗ mỡ, sàn và mái là những tấm luồng chắc chắn với diện tích gần 80m2. Sau khi kết thúc lễ hội, nhà sàn sẽ được doanh nghiệp đưa về địa phương trưng bày hoặc rao bán cho các điểm du lịch”, anh Hoàn nói.

Mâm cơm tri ân

Keyword đầu tiên có dấu

Thi giã bánh giầy dân gian tại Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Hữu Tuấn

Đến với Lễ hội Đền Hùng trong những ngày đầu tháng 4, du khách không khỏi ngỡ ngàng khi mọi con đường dẫn về các đình làng, nơi thờ tự các Vua Hùng và các danh nhân, danh tướng thời Hùng Vương đều được trang hoàng cờ hoa. Mỗi gia đình nơi đất Tổ đều tự giác dọn dẹp vệ sinh, quét sạch sân nhà, ngõ xóm để hưởng ứng ngày giỗ đặc biệt của cả nước. Nhiều hoạt động thể thao, văn hóa, trò chơi dân gian liên tục được tổ chức, đi tới đâu cũng ngập tràn không khí lễ hội.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ, Trưởng ban tổ chức lễ hội Đền Hùng 2019 cho biết, vì ý nghĩa mang tính nguồn cội và giáo dục con cháu, bắt đầu từ lễ hội Đền Hùng 2019, tỉnh Phú Thọ đã có chủ trương vận động mỗi gia đình có một “mâm cơm tri ân” do gia đình tự chuẩn bị, đảm bảo trang nghiêm, đầm ấm để tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên chung của dân tộc vào thời điểm Chủ lễ đọc Chúc văn trên Đền Thượng.

“Mâm cơm tri ân” được xem là điểm nhấn của Giỗ Tổ năm nay vì đây là chủ trương huy động cộng đồng trực tiếp tham gia, góp phần tổ chức Giỗ Tổ. Không chỉ mang ý nghĩa hướng về cội nguồn, mâm cơm còn thể hiện được tính chất gia đình xưa của người Việt với khoảnh khắc thiêng liêng tưởng nhớ cha ông. Ở mâm cơm, mọi người sẽ quây quần bên nhau, dù ai đi đâu, làm gì thì cũng đoàn tụ lại, sum họp vào ngày hôm nay. Đó là tinh thần đoàn kết và yêu thương sẽ được giáo dục cho con cháu”, ông Dũng cho hay.

Ông Lại Văn Hường (76 tuổi, khu 2, xã Hy Cương, TP Việt Trì) chia sẻ: “Vào ngày 10/3 Âm lịch, gia đình tôi sắp sửa một mâm cơm thịnh soạn, có đủ cả bánh chưng, bánh giầy để dâng lên các Vua Hùng và tổ tiên. Ngoài tâm niệm tưởng nhớ cha ông, chúng tôi cũng mong muốn con cháu về sum vầy để gặp gỡ, thăm hỏi và động viên nhau. Năm nay, địa phương khuyến khích nhân rộng những mâm cơm như thế này, rất ý nghĩa”.

“Thay áo” cho Đền Hùng

Keyword đầu tiên có dấu

Lễ hội Đền Hùng 2019 đã sẵn sàng đón du khách thập phương về dâng hương, tưởng nhớ Vua Hùng Ảnh: Hữu Tuấn

Ông Nguyễn Duy Anh, Giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng cho biết, dự kiến, lượng khách về Đền Hùng năm nay đông hơn so với mọi năm. Vì thế, Khu di tích được Đảng và Nhà nước, tỉnh Phú Thọ quan tâm tiếp tục đầu tư dự án cải tạo, chỉnh trang cảnh quan ngã năm Đền Giếng với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng để thực hiện các hạng mục: San nền, cải tạo hệ thống đường giao thông, chòi nghỉ chân, nhà vệ sinh, hệ thống điện chiếu sáng và cây xanh cảnh quan. Các tuyến giao thông liền kề có tổng chiều dài gần 300m được cải tạo mở rộng gấp hai, gấp ba lần so với tuyến đường cũ… và được nối với các nút giao thông chính. Đây được xem là giải pháp hữu hiệu nhằm giảm ách tắc giao thông tại khu vực này dịp Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm.

Theo ông Phạm Quốc Khánh, Phó giám đốc Thường trực Khu Di tích lịch sử Đền Hùng, ngoài ngã năm Đền Giếng, Khu Di tích lịch sử Đền Hùng còn lát hơn 10.000m2 đá xanh bằng trải nhựa asphalt; sắp xếp lại vị trí và tăng diện tích bãi đỗ xe nhằm đảm bảo nhu cầu của người dân; bố trí làm thêm một số nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn 5 sao; sắp xếp lại hệ thống cây xanh, bồn hoa, thay bằng một số cây trồng bản địa đặc trưng của Phú Thọ như cọ, chè…

“Khu Di tích lịch sử Đền Hùng đã làm xong bãi đỗ xe với sức chứa 2.000 xe ở cạnh cổng chính Đền Hùng. Ngoài ra, còn có thêm các bãi xe dự phòng tại Mui Rùa, Đài tưởng niệm, đường ra Khu công nghiệp... nhằm đảm bảo cho người dân để xe thuận lợi, tránh việc bị chèo kéo, ép giá khi gửi xe. 6 nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn 5 sao cũng được đưa vào sử dụng”, ông Khánh thông tin.

Ông Hồ Đại Dũng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ khẳng định: “Công tác chuẩn bị đã được hoàn tất. Đền Hùng đã sẵn sàng đón nhân dân cả nước cũng như bạn bè quốc tế về dâng hương, tri ân công đức Vua Hùng”.

Theo Baogiaothong.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ