Mấy ngày gần đây, ca khúc “Thích Ca Mâu Chí” báng bổ Phật giáo và “Mua cho con chiếc còng tay” cổ suý loạn luân gây tranh cãi dữ dội. Ca từ tục tĩu, nội dung phản cảm của ca khúc Rap không chỉ đem lại hiệu ứng xấu, mà còn gieo vào đầu óc giới trẻ những quan niệm sống lệch lạc.
Cổ vũ loạn luân, báng bổ đạo Phật
“Mua cho con chiếc còng tay” - bản hit đang là xu hướng trên mạng là một bài Rap được Rapper có nghệ danh Chị Cả phát hành vào năm 2020. Tuy nhiên, bản Rap không được chú ý bỗng xuất hiện trở lại trên một số ứng dụng mạng xã hội và trở nên nổi tiếng.
Đáng nói, ca từ của ca khúc này khiến người nghe không khỏi phẫn nộ bởi nói về mối quan hệ loạn luân trong gia đình với những từ ngữ vô cùng tục tĩu, phản cảm: “Mua cho con chiếc còng tay/Nâng con dâu vào phòng bay/Ta sẽ thay thế chồng con/Tương lai thêm vàng son…”.
Thậm chí những lời về sau còn cổ vũ cho hoạt động “sex tập thể” với lời ca miêu tả dung tục. Thể hiện cùng Chị Cả trong bài rap này là Rapper Y–Tee.
Ngay khi bị “xới” lại, mặc dù bị chỉ trích gay gắt là “rác âm nhạc” nhưng bản Rap của Chị Cả vẫn tiếp tục được lan truyền bằng nhiều cách trên các diễn đàn và mạng xã hội. Thậm chí trên mạng xã hội TikTok, giai điệu của bản Rap này còn thu hút tới trên 700 nghìn lượt xem.
Rapper Chị Cả tên thật là Đinh Thanh Tùng, sinh năm 1994. Trước khi tham gia cuộc thi King Of Rap, người này cũng từng được cộng đồng Hip-hop/Underground biết tới.
Sau khi trở thành thí sinh của chương trình, cái tên Chị Cả cũng thu hút sự quan tâm nhiều hơn bởi kỹ năng gieo vần. Đầu năm 2021, Chị Cả gây bất ngờ khi xuất hiện tại vòng casting Rap Việt. Thế nhưng, việc nam Rapper có bài tục tĩu khiến cho cộng đồng mạng ngán ngẩm.
Cùng thời điểm, Chị Cả cổ vũ loạn luân, nhóm Rap Nhà Làm gây bức xúc khi phát hành bài “Thích Ca Mâu Chí” có nội dung báng bổ đạo Phật, xuyên tạc hình ảnh Đức Phật. Không chỉ các Phật tử bức xúc, mà cộng đồng nghệ thuật và khán giả đã chỉ trích gay gắt nhóm Rap trẻ này.
Cụ thể, nhóm này đã lấy một sự tích trong cuộc đời Đức Phật để chế lại theo hướng dung tục. Hình ảnh Đức Phật cũng bị lồng ghép với chân dung của nam Rapper tên Chí, thậm chí cho đeo chiếc xích vàng và đồng hồ vàng vô cùng phản cảm.
Chủ nhân của bản Rap gây tranh cãi này là kênh YouTube có tên Rap Nhà Làm. Kênh này chuyên đăng các sáng tác Rap, thu hút trên 200.000 lượt người theo dõi với khoảng 56 triệu lượt xem. Không chỉ đăng tải trên YouTube, bản Rap “Thích Ca Mâu Chí” còn được đăng tải trên nền tảng âm nhạc trực tuyến Spotify.
Đứng trước làn sóng phản ứng dữ dội của dư luận, đại diện nhóm Rapper chủ nhân bản Rap “Thích Ca Mâu Chí” đã lên tiếng xin lỗi cộng đồng Phật tử Việt Nam. Họ thừa nhận bản Rap đã sử dụng hình ảnh và ngôn từ nhạy cảm liên quan đến Phật giáo, gây ảnh hưởng xấu và kích động cộng đồng. Nhóm cam kết gỡ bản Rap khỏi kênh YouTube, rút kinh nghiệm cho những lần sau.
Lo ngại hệ lụy xấu
Ngày 7/10, theo thông tin từ Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nhóm tác giả bản Rap “Thích Ca Mâu Chí” đã có mặt tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) để xin lỗi về bản Rap nói trên. Nhóm Rap này thể hiện sự sám hối trước tôn tượng Đức Phật tại chính điện của chùa, hứa sẽ sửa chữa và không lặp lại sai lầm.
“Giáo hội mong muốn mọi người tiếp tục vận động các tác giả, những người đã đăng tải, phát tán trên mạng xã hội những bản nhạc Rap khác có nội dung xúc phạm niềm tin tôn giáo, xúc phạm đạo Phật như: Party of Buddha (Bữa tiệc của Phật), Buddha dirty (Phật bẩn)… hãy xóa bỏ ngay lập tức những bản nhạc vi phạm pháp luật, đạo đức và thuần phong mỹ tục”, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết.
Rap bắt đầu ảnh hưởng đến Việt Nam từ nhiều nguồn, bắt đầu từ những năm 2000. Với một số đặc tính như âm nhạc sôi động, lời ca không quá cầu kỳ, gần như bài văn xuôi có vần nên Rap chuyển tải được nhiều nội dung, thích hợp để thể hiện cá tính, cái “tôi” mà người trẻ thường thích khẳng định.
Thế nhưng gần đây, được sự hỗ trợ của tiến bộ công nghệ thì ngày càng xuất hiện nhiều ca khúc Rap với những lời lẽ tục tằn thô lỗ, chửi bới thoá mạ. Nhiều bản Rap có nội dung đề cập những vấn đề bạo lực, cổ vũ cho sự suy đồi, chia rẽ.
Ca khúc “Cắm sừng ai đừng cắm sừng em” của Phí Phương Anh có ca từ nhảm nhí, dung tục. MV “Ông bà già tao lo hết” của Bình Gold và Lil Shady thì chứa hình ảnh có thể khiến bất cứ phụ huynh nào cũng rùng mình lo sợ nếu con mình xem và học theo.
Ca khúc “Tượng” của Rhymastic thì gây bức xúc vì biến âm nhạc thành công cụ để mạt sát, thóa mạ lẫn nhau. NSƯT Tấn Minh đã phải thốt lên rằng, quá tồi tệ và ảnh hưởng - chúng ta không lường trước được chuyện gì xảy ra cho thế hệ tiếp theo bởi “rác” văn hóa này.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (tác giả ca khúc nổi tiếng “Nhật ký của mẹ”) mới đây cũng bày tỏ trên mạng trang cá nhân về mức độ ảnh hưởng của những sản phẩm độc hại này. Đồng thời, anh dự đoán và cảnh báo một số hệ lụy xấu, nếu như các sản phẩm tương tự tiếp tục tiếp diễn.