Một nhóm các nhà khoa học quốc tế đã căn cứ vào những trận mưa hiếm gặp vừa qua trên sa mạc Atacama để kiểm tra xem sự xuất hiện đột ngột của nước có ảnh hưởng như thế nào đối với các sinh vật đang sống trong điều kiện khô hạn kéo dài. Hóa ra, ảnh hưởng này là rất thê thảm.
“Ba năm trước, mưa bắt đầu rơi trên sa mạc Atacama, chúng tôi đã hi vọng là sự sống sẽ phát triển trên sa mạc. Hóa ra, sự việc diễn biến theo chiều ngược lại: Nước đã khiến cho các loài vi sinh địa phương chết hàng loạt” - Nhà sinh học thiên văn Alberto Fairen ở Trung tâm Sinh học Thiên văn Madrid, đồng tác giả công trình nghiên cứu, cho biết - “Đất đai đặc biệt khô hạn là nơi sống của 16 loài vi sinh vật nguyên thủy. Sau trận mưa, chỉ còn lại 2 - 4 loài vi sinh vật”.
Các mô hình khí hậu dự đoán mưa có thể xuất hiện tại khu vực đặc biệt khô hạn của sa mạc Atacama một lần trong 100 năm. Tuy nhiên không có chứng cứ nào để chứng tỏ trong vòng 500 năm trở lại đây đã có mưa ở nơi này. Biến đổi khí hậu trên Thái Bình Dương khiến cho mưa đột ngột xuất hiện ở đó vào ngày 25/3 và 8/4/2015, sau đó là 7/6/2017.
“Nghiên cứu của chúng tôi cho thấy những trận mưa lớn dẫn tới cái chết hàng loạt của các loài vi khuẩn. Thậm chí 85% trong số chúng chết vì sốc thẩm thấu sau khi tiếp xúc với nước lỏng” - Ông Fairen cho biết - Các vi sinh địa phương thích ứng rất tốt với các điều kiện khô hạn cực đoan, có khả năng lấy hơi nước từ không khí. Tuy nhiên chúng bất lực trước sự “quá tải” về nước”.
Các tác giả công trình nghiên cứu khẳng định hiện tượng quan sát được trên sa mạc Atacama có thể liên quan đến những nghiên cứu dấu vết sự sống trên sao Hỏa. Thứ nhất, họ chú ý đến các địa tầng nitrat ở Chile. Đây là chứng cứ về những giai đoạn khô hạn kéo dài và là nguồn dinh dưỡng lý tưởng cho các vi sinh vật. “Các nitrat tập trung ở các thung lũng và tại đáy các hồ khô cạn từ khoảng 16 triệu năm trước” - Ông Fairen nói - “Chúng có thể giống như các vỉa nitrat trên sao Hỏa, vừa được xe tự hành Curiosity phát hiện”.
Thứ hai, phát hiện mới nhất cho thấy, cần lưu ý đến các kết quả thí nghiệm do tàu thăm dòViking thực hiện trên sao Hỏa vào những năm 70 thế kỷ trước. Khi đó các mẫu đất đá sao Hỏa được nhúng vào nước. “Kết quả nghiên cứu của chúng tôi cho thấy việc cung cấp nước đột ngột cho các vi sinh vật đã quen sống trong môi trường khô hạn và lấy hơi ẩm từ không khí, sẽ làm các vi sinh vật này chết vì sốc thẩm thấu” - Ông Fairren cho biết.
Khoảng 3,4 - 4,5 tỷ năm về trước, trên sao Hỏa có rất nhiều nước. Nước đã để lại nhiều dấu vết trên sao Hỏa (trong đó có các tinh thể đã thủy hóa và địa hình đặc trưng). Sau đó, sao Hỏa mất cả nước bề mặt lẫn hơi nước trong khí quyển, tuy nhiên các trận lụt ngắn hạn vẫn còn xảy ra. Có thể các trận lụt đó đã giết chết các vi sinh vật đã từng quen với cuộc sống trong môi trường khô hạn.